Luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc sắp áp đặt có thể khiến Hồng Kông thêm bất ổn

Protestor during Hong Kong demonstration

Protestor during Hong Kong demonstration Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Quốc hội Trung Quốc sắp biểu quyết dự luật an ninh quốc gia mới, mà các nhà phê bình nói nếu được thông qua sẽ hạn chế rất nhiều quyền tự do của Hồng Kông. Hàng ngàn người biểu tình đã đổ xuống các ngã đường của Hồng Kông hôm qua để phản đối kế hoạch của Trung Quốc. Ít nhất 180 người bị cảnh sát bắt giữ.


Hàng triệu người đã xuống đường trong các cuộc biểu tình bạo động tại Hồng Kông hồi năm ngoái, để phản đối một đạo luật khiến Hồng Kông bị lệ thuộc nhiều mặt hơn nữa vào Trung Quốc.

Đạo luật đó cuối cùng đã bị xếp lại, nhưng những nhà hoạt động ủng hộ dân chủ vẫn cảm thấy chính sách “một quốc gia, hai thể chế”, bắt đầu có mặt tại Hồng Kông kể từ ngày Anh trao trả vùng đất này cho Trung Quốc vào năm 1997, nay đang bị Trung Quốc dần dần phá hủy.

Và bây giờ, một cuộc chiến mới lại đến.

Quốc hội Trung Quốc được biết đang tranh luận về một dự luật mới nhằm nghiêm cấm bất kỳ hành động nổi loạn và lật đổ nào tại Hồng Kông – dự luật được Trung Quốc đưa ra sau những cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ của người Hồng Kông.

Những người ủng hộ dự luật này nói đây là điều cần thiết để chống lại các hành vi bạo lực xảy ra ở những cuộc biểu tình hồi năm ngoái.

Ông Zhang Yesui, phát ngôn nhân của Quốc hội Trung Quốc nói:

‘An ninh quốc gia là nền tảng của sự ổn định, bảo vệ an ninh quốc gia là phục vụ cho lợi ích căn bản của tất cả người dân Trung Quốc, trong đó có đồng bào Hồng Kông’.

Quốc hội Trung Quốc sẽ biểu quyết dự luật an ninh mới trong tuần này, trước khi nó được trình lên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị vào tháng Sáu tới.

Những người ủng hộ dân chủ nổi giận, vì họ cho rằng Trung Quốc đã bỏ qua cơ quan lập pháp được dân bầu của Hồng Kông, trong nỗ lực ngăn cản các cuộc biểu tình đòi các quyền tự do, vốn được trang trọng viết ra trong Hiến pháp Hồng Kông.    

Một chính trị gia Hồng Kông tên là Dennis Kwok đã chỉ trích dự luật nầy, ông nói dự luật nếu được thông qua sẽ chấm dứt chính sách “một quốc gia hai thể chế”.

‘Tôi chỉ muốn nói với cộng đồng thế giới rằng đây sẽ là sự kết thúc của Hồng Kông. Đây sẽ là sự kết thúc của chính sách ‘Một quốc gia Hai thể chế’. Xin đừng sai lầm thêm nữa. Bắc Kinh đã hoàn toàn phá bỏ lời hứa với người Hồng Kông. Lời hứa đã từng được viết trong Tuyên bố chung Trung – Anh và trong Hiến pháp Hồng Kông. Bây giờ họ đã hoàn toàn phản bội giao ước với người dân Hồng Kông.’

Cụ thể, điều 23 Hiến pháp Hồng Kông nói rằng chính quyền Hồng Kông được “tự ban hành các đạo luật nhằm nghiêm cấm bất kỳ hành vi mưu phản, ly khai, nổi loạn và lật đổ nào đối với chính quyền nhân dân Trung Quốc”.

Những đạo luật an ninh đối với Hồng Kông trước giờ chưa từng được thông qua. Nỗ lực gần nhất là vào năm 2003, đã khiến dấy lên những cuộc biểu tình lớn chưa từng thấy trong lịch sử Hồng Kông.

Trong khi đó Hoa Kỳ tuyên bố bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt các đạo luật an ninh quốc gia, mà không thể hiện được lập trường của người Hồng Kông đều sẽ bị chỉ trích mạnh mẽ.

Khung pháp lý Hồng Kông được thành lập dưới tuyên bố trao trả chủ quyền vùng đất của Anh quốc, vào 23 năm trước.

Tuyên bố chung được ký bởi hai nước Anh và Trung Quốc, do Liên Hiệp Quốc phê chuẩn.

Vì vậy Toàn quyền cuối cùng tại Hồng Kông, ông Chris Patten nói nước Anh có bổn phận phải lên tiếng với Trung Quốc về chuyện này.

Share