Văn nghệ cuối tuần: Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu

Ảnh minh họa

Source: SBS Vietnamese

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Bài thơ Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu được họa sĩ Trịnh Cung viết vào năm 1959 ở Huế lúc ông mười tám tuổi và được nhạc sĩ Trịnh công Sơn mang phổ nhạc với cùng tựa đề. Kể từ đó, trong những câu chuyện kể, họ thường lấy tựa đề bài hát này để than thở về nỗi niềm của mình khi chia tay với một cuộc tình đã đi qua…


Vào năm 1958 của thời trước,có một cậu sinh viên nghèo tên là Trần Văn Liễu (dân Nha Trang) thi đậu vào trường Cao đẳng Mỹ Thuật Huế và đã ra Huế trọ học. Cũng như những sinh viên khác ở miền Trung, những ngày đầu đến đất thần kinh mộng mơ thường say đắm và “tương tư” khi bắt gặp những tà áo dài của các cô gái xứ Huế vờn bay trong gió buổi tan trường, chàng trai tên Liễu tâm sự: “Khi tôi ra Huế, “học trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi không đành.

Tất cả hình ảnh của cô gái Huế thời đó vẫn còn cực kỳ thơ mộng và không thay đổi được. Vào thời đó, những nữ sinh trường Ðồng Khánh, tầm tan trường, họ như là những cánh bướm trắng bay trong những công viên ở trước bờ sông Hương và tôi lạc lõng giữa những đàn bướm ấy. Lẽ dĩ nhiên là không bao giờ tiếp cận được họ đâu vì họ có một cung cách rất Huế, rất thiêng, rất kín đáo và mình chỉ có biết đi theo, nhìn ngắm họ rồi mơ mộng về họ và bài thơ này tôi viết về họ.

Hình ảnh một cô gái Huế chung chung thôi và tôi hư cấu thành một chuyện tình. Tôi ngông cuồng để cho thấy rằng mình không phải là “học trò trong Quảng ra thi” mà mình cũng là một cái gì, cũng có thể từ khước họ, cho oai. Một lối hờn dỗi của một người không chạm được đến tình yêu, nên bày ra cái trò là… Ừ thôi em về, cứ về đi, tại vì có được đâu mà bảo ở lại, cho nên thôi để cho oai hơn là cứ… Ừ thôi em về. Nhưng em về rồi, thì sao? Em về rồi thì… bàn tay đói… Em ra khỏi tay rồi, em đâu có trong vòng tay, mà em đâu có bao giờ trong vòng tay tôi đâu… thành ra hai vòng tay tôi, hai bàn tay tôi luôn luôn đói, đói khát vì một hình ảnh và tôi cứ mãi đi theo những cuộc tan trường vào những buổi chiều, buổi trưa như vậy, nên… chân phải mỏi thôi “.
Bản nhạc
Source: Tuấn Tôn
Khi tác phẩm này được ra đời thì họa sĩ Trịnh Cung còn chưa cầm cọ và chỉ là một chàng trai tuổi đôi mươi tập tễnh làm thơ với cái tên khai sinh là Trần văn Liễu.Chính từ lương duyên của bài thơ này mà cái tên Trịnh Cung mới ra đời để rồi từ đó làm nên tình bạn thắm thiết được nhiều người biết đến.

Chàng sinh viên Trần văn Liễu chính là họa sĩ Trịnh Cung sau này  vì yêu quý người bạn tâm giao của mình là nhạc sĩ Trịnh công Sơn (sau này) nên ông đã đổi qua họ Trịnh như một sự trân trọng tình bạn cũng như mối thân thiết với gia đình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Ca sĩ Khánh Ly trong một buổi trình diễn bài hát này ở Mỹ thì lại tâm sự với quý thính giả của mình một tình tiết “Hơi khác” với nội dung của họa sĩ Trịnh Cung đã kể nên ông đã xác nhận lại sau này như sau:

“Những phần khác có lẽ do câu chuyện Khánh Ly thương tôi muốn cho câu chuyện nó hấp dẫn hơn hoặc là do anh bạn tôi Trịnh Công Sơn kể lại một cách biến tấu. Nhưng mà chuyện có thật là tôi có đốt tập thơ vào năm 63 để tập trung hết vào lĩnh vực hội họa mà thôi. Bìa tôi vẽ cho tập thơ của tôi thì sau đó tôi tặng lại cho nhà thơ Hoàng Trúc Ly để làm bìa cho tập thơ Trong Cơn Yêu Dấu của ông.”

Hơn 50 năm đã trôi qua cuộc đời dâu bể của nhiều thế hệ yêu thơ và nhạc người Việt nhưng mỗi khi nghe lại bản nhạc này người nghe vẫn cứ mãi bâng khuâng và khắc khoải với nỗi niềm của một thời hoa mộng khi chia tay với mối tình dỡ dang. Ngoài kia dường như có cơn mưa dông đang bất chợt kéo đến đổ xuống làm ướt sũng lòng người...

Share