Văn Nghệ cuối tuần: Ngày xưa hoàng thị

Đoan Trang trong MV Ngày xưa hoàng thị sản xuất năm 2007

Đoan Trang trong MV Ngày xưa hoàng thị do Phương Nam Phim sản xuất năm 2007 Source: Phương Nam Phim MV grab

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Bài thơ bốn chữ Ngày Xưa Hoàng Thị được Thiền sư Phạm Thiên Thư sáng tác vào năm 1968. Ba năm sau bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy chọn phổ nhạc lập tức trở thành cơn sốt trong giới học sinh ngày ấy và mãi đến tận ngày hôm nay.


Tháng bảy năm 1954, trong dòng người di cư hối hả từ Bắc vào Nam theo thế giới tự do ngày ấy, có một cậu thanh niên nhỏ học lớp đệ tam, tên là Phan Kim Long  theo mẹ đi vào và định cư ở  khu Tân Định, Sài gòn. Cậu học trường Trung học tư thục Văn Lang ở khu Tân Định, quận 1, chung lớp với một nữ sinh gốc Hải Dương  tên là Hoàng Thị Ngọ (tuổi Nhâm Ngọ 1942).

Như những thanh niên cùng thế hệ, cậu bắt đầu biết yêu nhưng đó chỉ là tình yêu đơn phương đầu đời, cậu kể:

“Hoàng Thị Ngọ dáng người thanh mảnh, tóc thả ngang vai. Xếp hàng vào lớp, nàng đứng đầu hàng nữ, tôi đứng cuối hàng nam. Vào lớp, nàng ngồi bàn đầu, tôi ngồi bàn cuối. Ngọ học giỏi, còn tôi thì giỏi… đánh lộn. Thế mà tôi yêu nàng. Yêu đơn phương. Nhà tôi ở đường Trần Khát Chân. Nhà Ngọ ở đường Trần Quang Khải. Mỗi lần tan trường, nàng ôm cặp đi bộ về nhà, tôi cứ lẽo đẽo theo sau.”

Cậu thanh niên Phan Kim Long này (còn có tên là Phạm Thiên Thư), thi đỗ tú tài  vào năm 1958, rồi trở thành sinh viên khoa Phật học thuộc Viện Đại học Vạn Hạnh và năm 1964, Phạm Thiên Thư trở thành Thiền sư Phật giáo với pháp hiệu Thích Tuệ Không, trải qua các chùa Kỳ Quang, Từ Vân, Vạn Thọ.

Năm 1968, vị Thiền sư này ấn hành cuốn sách đầu tay Thơ Phạm Thiên Thư với số lượng chỉ 500 bản. Dẫu đã khoác áo tu sĩ nhưng tâm hồn lại “dan díu” với thi ca nên ông ngại thị phi vì thế ông chỉ in bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị theo dạng trích.

Năm 1971 nhân duyên đưa đẩy, trong cuộc gặp gỡ định mệnh với nhạc sĩ Phạm Duy, chỉ sau một vài trao đổi ngắn cả hai đã cảm thấy mến nhau, ông đã tặng cho Phạm Duy  tập thơ mới in và trao nguyên bản bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị cho nhạc sĩ. Ít lâu sau, Phạm Duy phổ bài thơ này thành bài hát và khi mang ra giới thiệu với công chúng,cả hai đều không hình dung được cơn “địa chấn” khủng khiếp của bản nhạc này mang lại cho giới trẻ ở miền Nam trong những năm tháng đó. Trong vòng hai năm, bản nhạc này đã tái bản đến ba lần và còn tiếp tục được thường xuyên phát trên sóng truyền thanh thời đó.

Năm 1974, Phạm Thiên Thư cho in đầy đủ bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị trong thi tập Ngày xưa người tình để giới thiệu công chúng bài thơ này (Nhà xuất bản văn chương SG năm 1974).

Hơn mười năm sau, dẫu đã khoác áo nâu sòng, mỗi lần đi ngang qua khu Tân Định, Phạm Thiên Thư vẫn bâng khuâng luyến nhớ mối tình đơn phương thuở học trò với cô học sinh Hoàng thị Ngọ. Ông vẫn thả hồn theo những đám bụi đỏ ven đường, những hàng cây dầu cao vút trên đường Trần quang Khải rì rào như thời học sinh vụng dại. Thiền sư mãi chơi vơi trong ký ức với hình ảnh của tà áo dài trinh nguyên, mái tóc dài vờn bay trong ánh chiều tà để rồi đeo mang trong mỗi bước chân hành giả, mặc cho câu thơ sầu rụng của bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị gieo mầm cho bụi đỏ tung lên, vương theo gót son để câu chữ nẩy chồi trong tâm tưởng.
Bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị được gieo vần theo nhip bốn chữ như những bước đi chậm rãi, nhẫn nha… trong sự trở về của ký ức lần theo suốt bốn mùa, những ngày theo chân Ngọ. Theo đó, cuộc tình này “lớn khôn” dần chỉ trong tâm tưởng của nhà thơ và khu trú trong hòai niệm của những năm tháng học trò thơm ngát tình xanh.

Chiếc áo của tu sĩ cũng đã làm vướng víu chữ “tình” của vị tu sĩ còn bị vướng nghiệp thi ca trầm luân nên những câu thơ của ông vẫn bị gò bó, đóng khung trong khuôn khổ của đạo hạnh, giáo lý.

Phạm Thiên Thư rất có lý khi đặt bài thơ này vào tay của nhạc sĩ Phạm Duy để nhờ đó, qua chiếc đũa thần âm nhạc của mình, qua trái tim đa sầu đa cảm của một nhạc sĩ đang mơ màng với tình yêu cô gái Lý Lan, câu thơ  và ý thơ của Phạm Thiên Thư chợt bừng sáng và chơi vơi trong khóe mắt tình si dõi theo thiên thần thánh thiện với “Bước em thênh thang. Áo tà nguyệt bạch”.

Nhạc sĩ đã quá khéo chọn điệu luân vũ xoay theo khổ nhạc gồm hai câu bốn chữ và ở câu cuối sáu chữ (bằng cách sử dụng điệp ngữ) rất tinh tế cũng như chọn âm giai ngũ cung để làm cho bản nhạc thuần Việt để biến đổi những câu thơ của Thiền sư, thoạt đầu như là những bước đi thiền niệm khô cứng bỗng chốc như có thần lực và biến hóa đẩy người nghe chơi vơi trên những tầng cung bậc cảm xúc cao vút, chợt rơi vào những khoảng lặng mơ màng, tiếc nuối của ký ức êm ái theo nhau ùa về.

Ở miền Nam thời ấy đời sống rất thanh bình, nhịp sống thật êm đềm nên sau giờ tan trường, học sinh lũ lược tản bộ, nhẩn nha đi về nhà. Thế nên cái hình ảnh của Ngọ với việc “ôm nghiêng tập sách, vai nhỏ tóc dài” đã trở thành hình ảnh mẫu mực và đặc trưng cho thế hệ trẻ thời đó, nó thánh thiện và thơ mộng đến độ hình ảnh này xuất hiện đầy trên ảnh bìa sách vở và tiếu thuyết, báo chí… thậm chí xuất hiện trên tường phòng ngủ của những học sinh mơ mộng cùng thời.

Và như thế, Ngày Xưa Hoàng Thị nghiễm nhiên ngự trị trên ngôi cao trong tâm hồn của thế hệ học sinh ngày ấy để đâu đó mỗi khi nghe bản nhạc này cất lên thì ký ức trong sáng của những năm tháng hoa niên lại trở về để tâm hồn mình được tắm gội trong “giòng sông tuổi hoa” thần tiên và thơ mộng đó…


Share