Du học ở Úc (181) Tự lập ở Tây và ở Ta

Study in Aus 181

Source: Pixabay

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nói đến du học, người ta bàn nhiều về cuộc sống tự lập ở nơi xứ người. Thuận lợi thì ít mà khó khăn thì nhiều, đặc biệt khi chính thức dấn thân vào trải nghiệm cuộc sống thực tế đó, nhiều bạn không khỏi bị sốc trước những thử thách mình chưa kịp lường trước để chuẩn bị.


Tự lập ở Tây và ở Ta

Trước khi bước chân sang Úc du học, chắc chắn nhiều bạn du học sinh đã nghe nhắc đến nhiều về từ 'tự lập'. Đó là hai từ sẽ gắn bó với chúng ta suốt hành trình sinh sống và học tập tại Úc, một đất nước có nhiều nếp sống khác biệt và mới mẻ.

Nhìn chung, giới trẻ các nước Châu Á, cụ thể là Việt Nam thường ít có thói quen tự lập hơn các bạn sống ở các đất nước phương Tây. Điều này dễ lý giải bởi sự khác nhau về văn hóa, nếp sống, tư tưởng và nền giáo dục giữa hai nơi.

Ở Việt Nam, các gia đình thường bảo bọc con cái. Từ lúc nhỏ, gia đình chăm chút và theo sát cho con trẻ từng bữa cơm, nếp sinh hoạt đến lúc đi học thì chọn trường, tìm thầy cô giáo gửi con đi học thêm. Con về nhà được chỉ định học để đạt kết quả tốt, ít đụng tay vào việc gì cả. Với các bậc cha mẹ Việt Nam, họ thay con làm tất cả mọi việc nhằm tạo điều kiện cho con được toàn tâm toàn ý học tập mà không nghĩ rằng cách thương con này đôi khi lại khiến các bạn trẻ thiếu đi kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, đó là khả năng tự lập.

Các bạn sinh ra trong gia đình khá giả thì có gia đình bảo trợ mọi thứ. Khi ra trường, không ít bạn có gia đình 'chống lưng', sử dụng mối quan hệ quen biết để gửi gắm một 'chân' trong những công ty lớn, thu nhập ổn định.

Đến tuổi thì ba mẹ lại dựng vợ gả chồng cho con, mua nhà cho con, trông cháu giúp con. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn, sự bảo bọc và dung dưỡng xoay vần từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Ngược lại, các bạn trẻ phương Tây được giáo dục tự lập từ rất nhỏ. Các bé tự học cách cầm thìa xúc ăn.  Dù lúc tập tành có thể rơi vãi, nhưng ba mẹ luôn kiên nhẫn theo dõi để trẻ tự làm.

Đến tuổi đi học, trẻ phải tự mặc quần áo, xỏ giày dép, tự thu dọn đồ cá nhân, vv...Những gì trẻ bắt đầu tập làm sẽ rất chậm hay dễ sai sót nhưng người lớn luôn kiên nhẫn và khen ngợi trẻ.

Trong quá trình phát triển đến lúc trưởng thành, tự lập trở thành một thói quen trong cuộc sống của giới trẻ phương Tây từ định hướng nghề nghiệp, đóng học phí, tự học, tự làm thêm, tự quản lý chi tiêu, vv…

Những người trẻ Úc sau 18 tuổi thường có một khoản nợ bên mình. Nghe điều này khá lạ vì nhắc đến nợ, thì người Việt chúng ta, đặc biệt là những người trẻ khá e ngại.

Nhưng với những người phương Tây, nợ lại là một điều rất bình thường. Các bạn trẻ vay từ gia đình, từ chính phủ đóng tiền học, mua nhà, mua xe, vv....

Các bạn vay nợ không phải vì ỷ lại mà là ý thức được mình phải có trách nhiệm với những khoản nợ đó. Vì vậy, họ luôn tự lập trong cuộc sống và công việc để giải quyết dần những món nợ càng nhanh càng tốt.

Tự lập- muốn ăn phải lăn vào bếp

Nhiều bạn du học sinh chia sẻ rằng lúc ở Việt Nam, nghe gia đình dặn dò khi sang bên này phải tập sống tự lập, các bạn cứ nghĩ : “Ừ thì tự lập thôi mà.” Xưa ở với ba mẹ, giờ đi du học, được có cuộc sống riêng, thoát khỏi vòng tay kiềm kẹp của gia đình, các bạn được tha hồ tự do, tự tại. Thêm nữa, sang Úc, cuộc sống bên đất nước mới phát triển chắc hẳn sẽ sung sướng hơn khi ở nhà.

Nếu ai nghĩ đến cuộc sống du học mà chỉ nghĩ đến khía cạnh tự do, tự tại thôi thì chưa đủ. Khi bước vào thực tế, các bạn sẽ thấm rằng: cuộc sống mới bên Úc có những thứ mới mẻ và tốt hơn, nhưng sự sung sướng đó chỉ xảy ra rất ngắn và nhanh chóng qua đi nếu bạn không biết cách 'tự lập' đúng nghĩa.

Thêm nữa, cách bạn rèn luyện cách tự lập cũng sẽ hoàn toàn khác giữa ở Úc và tự lập ở quê nhà.  Bởi ở nước ngoài, những rào cản phổ biến như ngôn ngữ, văn hóa, cách sống là trở ngại rất lớn nếu bạn thiếu bản lĩnh và không có niềm tin.

Nhiều bạn đã rơi vào trạng thái 'sốc toàn tập'. Ở nhà được bố mẹ chăm cho bữa ăn ngày 3 buổi, mọi thứ có người lo, người giúp. Những bạn có ba mẹ có địa vị trong xã hội thì lúc ra ngoài,  các bạn còn được người này người kia giúp đỡ .

Đến khi sang Úc, dù các bạn có là ai thì đều phải bắt đầu từ con số 0. Muốn ăn phải lăn vào bếp, muốn xin việc phải tự vác đơn gõ cửa nhà tuyển dụng.

Để biết được thông tin việc làm, các bạn đi hỏi bạn bè, người quen, tìm thông tin trên các trang kiếm việc, internet, báo chí. Nhưng tất cả những điều này cũng chỉ giúp cung cấp thông tin.

Các bạn phải tự thân vận động, lựa chọn việc phù hợp, viết email gọi điện thoại liên lạc để xin hẹn phỏng vấn. Bạn sẽ phải trải qua thử việc, có thể sẽ bị từ chối, có thể nhận, nhưng tất cả mọi thứ bạn đều phải tự làm, phải dấn thân, phải chấp nhận dù đó là thành công hay thất bại, được hay mất.

Thiếu tự lập và hệ quả

Theo các chuyên gia giáo dục, với các bạn trẻ Việt Nam, vốn được gia đình bảo bọc, cưng chiều, sống vô tư vô lo, các bạn hiếm có cơ hội va chạm trải nghiệm mình trong các sinh hoạt tập thể, chưa biết sắp xếp công việc cá nhân, dung hòa giữa cái tôi bản thân và các bạn khác. Đến khi vào môi trường mới, các bạn dễ trở nên nhút nhát, tự ti, hoặc mang cái tôi quá lớn.  

Vốn dĩ khi được bảo bọc, cưng chiều, các bạn trẻ dễ trở nên ỷ lại. Khi đối mặt với thử thách, không biết cách đối phó, các bạn trở nên yếu đuối và tiêu cực.

Vừa hoang mang trước cuộc sống tự lập mới, vừa áp lực trước kỳ vọng của gia đình vào việc đi du học của mình, xem đó là niềm tự hào, đã nhiều bạn rơi vào khủng hoảng và trầm cảm.

Có nhiều bạn học rất giỏi, chăm chỉ nhưng vì thiếu những kỹ năng cần thiết để thích nghi, hòa nhập vào môi trường mới, các bạn trở nên lạc lõng, mất phương hướng.

Thiếu kỹ năng tự lập, du học sinh có thể xảy ra mâu thuẫn hoặc rơi vào tình trạng thu mình lại với cộng đồng. Ngoài ra, tự lập còn kỹ năng mềm quan trọng mà các công ty hầu hết đều tìm kiếm ở các ứng viên tiềm năng.

Dù du học sinh đạt điểm số cao, thông minh, có tài, thiếu đi sự tự lập, tự chủ, các bạn sẽ dễ vuột mất các  cơ hội nghề nghiệp mình mơ ước, đặc biệt trong môi trường năng động và phát triển.

Tự lập bắt đầu từ đâu?

Bắt đầu càng sớm thì bạn có nhiều thời gian để rèn luyện và biến tự lập thành phản xạ và thói quen.

Bạn có thể bắt đầu hình thành thói quen tự lập từ những việc nhỏ như:

  • Nấu ăn vào những ngày cuối tuần đãi gia đình
  • Xách đơn lên và đi xin việc ngoài giờ. Những ngày bạn cảm thấy buồn chán có quá nhiều thời gian trống, hãy thử gọi điện xin việc ngoài thời gian ở một nơi nào đó.
  • Mua quà tặng cho người thân, bạn bè bằng số tiền bạn kiếm được từ việc làm ở trên
  • Bớt thời gian lướt Facebook, chơi game để làm việc nhà
  • Tự làm hồ sơ du học. Các bạn có thể tham khảo từ những bạn bè đi trước hoặc tra cứu thông tin từ các trang web chia sẻ của các bạn khác để tìm hiểu và thực hiện.
Tự lập không bắt đầu từ những thứ to tát mà đơn giản là cách bạn tự lo được cho bản thân mình. Từ đó, bạn biết suy nghĩ về hiện tại, về tương lai, thiết kế và quản lý cuộc đời cho mình. Đó là những thứ không tên mà ba mẹ, người thân từng lo lắng và lên kế hoạch hộ bạn. Giờ đây, khi biết cách tự lập, bạn sẽ có khả năng điều khiển cuộc sống của mình theo dự định và giải quyết được những khó khăn bất ngờ ập đến trong cuộc sống.

Tự lập không thể có ngay một sớm một chiều, đó là kết quả của cả một quá trình và tập hợp nhiều kỹ năng khác nhau như: kỹ năng quản lý tài chính, kỹ năng sắp xếp thời gian, biết cách nói không trước cám dỗ, biết tìm đến sự trợ giúp đúng lúc, biết cách sống và làm việc nhóm, biết giải quyết những mâu thuẫn với bạn bè, biết bảo vệ tài sản, …

Tự lập là điều cần thiết để giúp bạn tự tin và bản lĩnh hơn khi đi du học. Đó còn là một chìa khóa cần thiết giúp chuyến du học của bạn thêm thành công và ý nghĩa.

Hãy tự chủ động làm những việc mình cần làm mà không cần người khác nhắc nhở. Không còn sự giám sát của ba mẹ, không còn sự khắt khe của giám thị hay điểm danh gắt gao của thầy cô.

Mỗi học sinh có thời khóa biểu khau. Ai nấy đều phải thiết lập một thời khóa biểu chặt chẽ và một tinh thần tự giác để hoàn thành công việc. Thời khóa biểu trong tuần nên chi tiết theo từng ngày từng giờ cân bằng hợp lý giữa thời gian học tập, sinh hoạt cá nhân, đi làm, thư giãn giải trí.

Hãy chủ động trao dồi kiến thức của mình vì bài giảng của thầy cô trong lớp giới hạn về thời gian mà chủ đề thì lại rộng. Chủ động tìm đến thư viện để đọc thêm tài liệu, học nhóm với bạn bè cùng lớp hoặc tự rèn luyện tại nhà. Luôn chủ động đặt câu hỏi cho những kiến thức mới học để có thể hiểu một cách sâu sắc và vận dụng nó vào thực tiễn chứ không chỉ học thuộc bài để đối phó.

Tập cách tự suy nghĩ và quyết định cho bản thân từ việc ngành nghề cho đến học hành. Tìm hiểu bản thân mình để xác định cho mình mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng. Không ai hiểu rõ mình hơn chính bản thân mình. Tìm hiểu những điểm mạnh yếu của bản thân để phát huy tối đa sở trường và hoàn thiện chính mình. Trong thời đại thông tin ngày nay, việc tìm hiểu ngành nghề đã trở nên rất dễ dàng với hệ thống mạng. Chỉ bằng cách tự đào sâu tìm hiểu và quyết định sở thích và chuyên ngành muốn theo đuổi, các bạn du học chúng ta mới có thể xác định được con đúng đắn và phù hợp cho bản thân

Du học không chỉ là xa nhà, mà còn là xa cả nền văn hoá mình vốn đã rất quen thuộc, vậy nên bạn sẽ phải chuẩn bị rất nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất vẫn là tinh thần để có thể thích ứng, làm quen. Tự biết chăm lo cho sức khoẻ của mình, làm quen với chuyện ăn uống hay sắp xếp công việc nhà; vừa học vừa làm thì phải làm thế nào để cân bằng được cả hai; rồi khối lượng bài tập, thi cử, kiểm tra nhiều phải làm sao để giải quyết được hết.Chưa bao giờ là quá sớm hay quá muộn để bắt đầu rèn luyện kỹ năng tự lập. Tự lập sẽ là cầu nối dẫn dắt những ngày tháng tuổi trẻ xa nhà của bạn thành khoảng thời gian đáng nhớ và ý nghĩa để trưởng thành.

Điểm tin tại Úc

VISAR -kick-off tour 2017
Source: VISAR


Nối tiếp chuỗi sự kiện chào đón các du học sinh mới học kỳ đầu tiên 2018, hội sinh viên của trường Đại Học RMIT nhận sự hỗ trợ của công ty S&W Consulting Group sẽ tổ chức buổi tiệc Kick-off tour vào ngày 3/3 này.

Ngoài các thông tin cơ bản về đời sống tại Melbourne,các bạn tham gia  Kick Off Tour 2018 để được chia sẻ những lời khuyên từ các anh chị cựu sinh viên và các bạn sinh viên đã và đang sinh sống làm việc tại Úc.

Để tạo điều kiện cho các bạn sắp xếp lịch trình của mình, ban tổ chức Kick off tour 2018 tổ chức 2 buổi :

Buồi sáng: CITY TOUR

Địa điểm: Melbourne Central (Big Clock on Ground Floor)

Thời gian: 10.30am-1.30pm, 03/03/2018

Buổi chiều: BBQ PARTY

Địa điểm: Batman Park, Melbourne, VIC 3000

Thời gian: 1.30pm-4.30pm

Xem chi tiết tại

Mỗi tuần 1 điều không thể bỏ lỡ ở Úc

Mardi Gras
Mardi Gras Source: Jeffrey -Feng Photography


Lễ hội Sydney Mardi Gras thường niên là niềm tự hào kiêu hãnh của người đồng tính tại Úc, thu hút sự tham gia của du khách từ mọi miền của nước Úc cũng như rất nhiều khách du lịch nước ngoài.

Lễ hội thường kéo dài trong 2 tuần, năm nay là 16/2 đến 4/3/2018 với gần 100 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao, xã hội như liên hoan phim, ca kịch, …

Màn diễu hành Mardi Gras nổi tiếng thế giới sẽ diễn ra vào ngày thứ Bảy 3/3/2018 từ 19h45 đến 23h30.

Lễ hội Sydney Mardi Gras có một lịch sử khá dài. Vào năm 1978, hơn 1000 người đã đổ xuống đường Oxford Street của Sydney, lên tiếng ủng hộ Ngày Đoàn kết của Người Đồng tính Thế giới.

Những người tham gia đã quyết định tái tổ chức sự kiện này vào năm sau đó và Mardi Gras đã ra đời.

Cùng với thời gian, sự kiện này tiếp tục mở rộng và vào năm 1983 đã được bổ sung phần lễ hội nghệ thuật và trở nên phổ biến, thu hút hàng trăm ngàn người trên khắp thế giới tham gia.
Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share