Du học ở Úc (189) Đằng sau những định kiến chuyện du học

Study abroad

Source: Pixabay

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nói về chuyện du học, có nhiều luồng suy nghĩ khác nhau về cuộc sống du học ở nước ngoài cũng như những thay đổi sẽ diễn ra với các bạn du học sinh ở môi trường mới. Không phải ai cũng sẽ nhận được sự ủng hộ hoàn toàn trước quyết định du học. Và hẳn đã có đôi lần chúng ta nghe những lời ca thán hay những định kiến của mọi người về điều này.


Du học sướng lắm

Nếu bạn đang là du học sinh vừa đi học vừa đi làm thêm để trang rải sinh hoạt phí. Nếu một ngày bạn cảm thấy áp lực và viết vài dòng chia sẻ trên Facebook than vãn về cuộc sống vất vả nơi xứ người, bạn nhận được những dòng hồi âm kiểu như “đi du học sướng mà”. Khi ấy, bạn sẽ nghĩ gì?

Chuyện này không hiếm xảy ra khi những du học sinh thường được gắn mác ‘con nhà giàu’. Đằng sau cái mác du học đó là mỗi người với mỗi hoàn cảnh khác nhau. Thật ra, nếu bạn có khả năng đi du học, bạn có thể rơi vào ba nhóm sau đây.  Nhóm học rất giỏi và được học bổng đi du học. Nhóm nhà có điều kiện để đi du học tự túc, và nhóm tự lực từ một số tiền ban đầu nho nhỏ. Tuỳ theo nhóm, mức độ thoải mái về mặt tài chính của bạn sẽ khác nhau và vì thế những áp lực về vật chất cũng khác nhau.

Nhóm học bổng được xem là ổn định về tài chính nhưng áp lực về ràng buộc sau này. Nhóm có điều kiện nhẹ gánh về tài chính, không bị ràng buộc nhưng áp lực về khả năng tự lập và khẳng định bản thân. Nhóm tự túc có vẻ an nhàn về khoản tự lập nhưng lại áp lực nhiều nhất về tài chính và cân đối thời gian đi học và trang trải sinh hoạt bản thân.

Vấn đề sướng khổ không chỉ nằm ở tiền, mà còn nằm ở khía cạnh tinh thần.

Có một áp lực chung của cả ba nhóm trên mà hầu như du học sinh nào cũng phải trải qua trong những khó khăn của cuộc sống ở nước ngoài. Đó là sự cô đơn, nỗi nhớ nhà và những thiếu thốn tinh thần mà chỉ có du học sinh với nhau mới hiểu được.

Du học là mở mang đầu óc

Định kiến này vừa là động lực nhưng đôi khi là áp lực cho nhiều người.

Với những bạn du học sinh, không phải bạn nào cũng chịu tận dụng cơ hội để mở mang đầu óc cho mình. Có nhiều bạn đi du học, nhưng ngại tách khỏi cộng đồng người Việt, sợ nói chuyện tiếng Anh với người bản xứ. Cuộc sống du học của các bạn chỉ xoay quanh sống ở khu người Việt, làm thêm cho tiệm người Việt, nói tiếng Việt với bạn bè người Việt.

Đối với họ, việc đi du học cũng chỉ như sống trong một không gian thu nhỏ của đất nước họ và vì thế chẳng bao giờ mở mang thêm điều gì. Thậm chí họ còn tạo dựng thêm định kiến về đất nước, con người khác mình và truyền bá tư tưởng sai lệch đó cho những người đến sau.

Du học là giỏi ngoại ngữ

Nếu bạn nào đã và đang đi du học thì đều đồng ý rằng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Nếu du học sinh rụt rè, không chịu giao tiếp, khả năng ngoại ngữ của các bạn chắc chắn chẳng thể cải thiện hơn so với ở Việt Nam được. Ngoại ngữ là một kỹ năng, và kỹ năng đó sẽ nhanh bị thụt lùi nếu chúng ta không rèn luyện , trau dồi nó thường xuyên. Đi du học là một cơ hội để chúng ta được rèn luyện và mài dũa kỹ năng tiếng Anh của mình không chỉ dừng ở mức kỹ năng, mà là phản xạ.

Vì thế, các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS hay các chứng chỉ tương tự thường chỉ có hạn trong 2 năm. Sau 2 năm đó, bạn phải thi lại tất cả các kỹ năng để nhận được sự đánh giá chính xác nhất ở thời điểm mới.

Muốn viết tốt đòi hỏi cả ngữ pháp, tư duy, từ vựng, phong cách. Không hề đơn giản để nắm bắt được tất cả những điều này. Ngoài ra, ngôn ngữ gắn liền với văn hóa, khi đi du học, chúng ta không chỉ đến để học về kiến thức mà còn học về con người bản địa. Đó là chìa khóa để chúng ta cải thiện vốn ngôn ngữ nhanh và hiệu quả nhất.

Du học là phải đi nước nọ nước kia

Nhiều người cho rằng du học là tấm vé trung gian để bạn thỏa thích đi đây đi đó. Tuy nhiên, chúng ta cần phân định rạch ròi giữa du học là du học và du lịch là du lịch. Nếu bạn có khả năng tài chính, có cơ hội thì bạn nên tận dụng để đi. Còn nếu không, bạn hoàn toàn có thể học hỏi từ những bạn bè quốc tế tại nơi bạn theo học. Họ sẽ cho bạn hiểu về văn hoá con người đất nước họ.

Chúng ta không nên ảo tưởng mình bằng những câu chuyện của người khác, về chuyện họ đã đi được bao nhiêu nước, đến được những nơi nào và bạn cũng phải được như thế. Trải nghiệm không phụ thuộc vào số nước bạn đặt chân đến mà là do cách bạn quan sát, học hỏi, chiêm nghiệm từ xung quanh. Những người đi nhiều để làm đầy các trang trong hộ chiếu nhưng không chịu quan sát và cảm thụ thì cuộc sống vẫn dậm chân tại chỗ.

Du học là một trải nghiệm vô cùng cô độc

Một mình sinh sống và học tập ở nơi xa lạ, không người thân thậm chí là bạn bè trong thời gian đầu có thể là những gì bạn lo lắng và nghĩ đến đầu tiên. Khi chuyển đến ở một môi trường mới, việc làm quen lại từ đầu và bắt kịp với nhịp sống mới là điều cần thiết mà bạn phải làm. Quả thật, không đâu bằng nhà mình nhưng nếu đã quyết tâm trải nghiệm việc thì có lẽ việc cô đơn trong thời gian đầu là một bước chuyển mà bạn phải trải qua.

Thay vì lo lắng và than vãn, thậm chí là từ bỏ việc du học chỉ vì "nhớ nhà", bạn có thể ra ngoài và giao lưu kết bạn trong thời gian đầu. Việc tham gia các câu lạc bộ, đoàn hội cũng là một trải nghiệm vô cùng thú vị giúp bạn gặp được nhiều người bạn mới, tăng thêm kiến thức xã hội, rèn luyện kỹ năng mềm và quan trọng hơn là cảm thấy bản thân hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng.

Khó mà học giỏi khi không phải dân bản xứ

Những trở ngại về văn hóa, rào cản ngôn ngữ và những trường hợp trớ trêu vì bất đồng ngôn ngữ ban đầu có thể là những ví dụ cụ thể khiến bạn thêm tin chắc vào nhận định này. Tuy vậy, bạn nên hiểu rằng việc học tập tốt hay không phần lớn do nỗ lực của bản thân mỗi cá nhân. Việc xa nhà, những lý do về bất đồng ngôn ngữ hay sốc văn hóa sẽ chẳng là gì nếu bạn có quyết tâm và làm việc hết mình để đạt lấy những gì bạn mong muốn. Thực tế hoàn toàn chứng minh điều này với việc có rất nhiều du học sinh đã thành công khi học tập ở nước ngoài. Vì vậy, đừng vì những lý do như thế này mà nản chí bạn nhé!

Du học quá đắt đỏ

Chi phí du học chắc chắn tốn kém hơn so với việc học trong nước nhưng cái gì cũng nên được xét ở cả hai mặt. Quả thật việc du học tốn kém hơn nhưng chất lượng và những trải nghiệm kiến thức mà bạn có được cũng tuyệt vời không kém. Thêm vào đó, mặc dù đắt đỏ nhưng chi phí du học ở mỗi quốc gia, mỗi trường đại học đều khác nhau và chênh lệch khá lớn. Nếu nước Anh vẫn được mệnh danh là đất nước có chi phí du học và sinh hoạt đắt đỏ, mức giá có phần quá tầm với của bạn thì bạn có thể yên tâm rằng vẫn còn những điểm hẹn du học hấp dẫn khác với mức giá dễ chịu hơn rất nhiều.

Cụ thể, du học Châu Âu nổi tiếng với mức giá phù hợp, du học Úc hoặc Singapore cũng là một lựa chọn hợp lý với những bạn có nguồn ngân sách khiêm tốn. Một lý do nữa khiến bạn nên dẹp bỏ định kiến này đó là việc bạn hoàn toàn có thể kiếm học bổng cho chuyến du học của mình. Không thiếu những cơ hội khi mà các trường đại học luôn tạo điều kiện và ưu tiên nhất định cho du học sinh nước ngoài.

Học bổng chỉ dành cho "con nhà người ta"

Học bổng chỉ dành cho những đứa "đầu to mắt cận", "con nhà người ta", vv... những lý do đó đôi khi sẽ ngăn cản bạn tiếp cận với cơ hội học bổng cho chính bản thân mình. Mặc dù học bổng thường được trao cho những cá nhân ưu tú và xuất sắc những cũng có không ít những bạn học sinh với bảng điểm vừa tầm cũng có thể kiếm cho mình tấm học bổng và du học ở phương trời xa. Mỗi trường đại học, mỗi loại học bổng đều có những tiêu chí và mục tiêu hướng đến một nhóm sinh viên riêng nhất định.

Nếu lựa chọn phù hợp và biết khoe ra cái giỏi của mình đúng cách và hợp lý, bạn hoàn toàn có thể giành được những học bổng trị giá cao. Thêm vào đó, việc trao học bổng cho sinh viên không chỉ xét hay dựa hoàn toàn trên bảng điểm và học lực của người đó mà còn xét tới thành tích ngoại khóa, bài luận… Vì vậy, đừng ngần ngại, hãy tự tin tìm kiếm cơ hội cho mình.

Du học nước ngoài về rất khó xin việc ở Việt Nam

Bằng cấp ở đâu thì chỉ phù hợp với nơi đó. Tư tưởng này đã trở nên cổ hủ trong một bộ phận không ít người khi nhắc tới vấn đề du học. Có thể bạn đã bị ảnh hưởng bởi không ít những câu chuyện về việc nhà tuyển dụng thích tuyển sinh viên có bằng trong nước do họ tin những người này quen làm việc với "lối" của người Việt sẽ giúp công việc dễ dàng và trôi chảy hơn. Những điều này có thể đúng một phần trong thực tiễn nhưng ta không thể vì vậy mà phủ nhận những lợi ích của du học đối với khả năng tăng thêm cơ hội việc làm.

Trên thực tế, có rất nhiều du học sinh trở về nước có được cơ hội làm việc ở những vị trí rất cao trong bộ máy các doanh nghiệp. Hơn thế nữa, một tấm bằng quốc tế giúp bạn tìm kiếm công việc ở nhiều nơi mà không bị giới hạn. Xét trên tình hình nước ta hiện nay, khi biết bao sinh viên với tấm bằng đại học ra trường nhưng lại phải chịu cảnh thất nghiệp, tấm bằng du học sinh của bạn có thể là một điểm nhấn nổi bật giúp phân biệt bạn với những cá nhân khác và nhanh chóng lọt vào mắt nhà tuyển dụng.

Du học là dấu chấm hết cho tình yêu bởi yêu xa là điều không thể

Nhắc tới "yêu xa", có lẽ phải tới 90% những người được hỏi nói rằng nó là điều không thể. Một số cặp đôi sau thời kỳ lãng mạn và mơ mộng ban đầu đã dần nhận ra một thực tế cay đắng rằng khoảng cách địa lý thực sự kéo xa cả khoảng cách trái tim. Tuy nhiên, nếu hai người thực sự yêu nhau, hiểu, thông cảm và chia sẻ cho nhau thì có thể câu chuyện sẽ không đi theo hướng đó. Bạn vẫn còn trẻ và cuộc đời còn ở phía trước, nếu không trải nghiệm làm sao bạn có thể biết được liệu mình có phải là người đủ tinh tế và may mắn để giữ được một tình yêu xa lâu dài. Lựa chọn và quyết định thực sự luôn ở trong tầm tay của bạn.

Du học vì… chán học

Khánh Uyên chứng kiến nhiều bạn đang học năm 1, năm 2 ở các trường tại Việt Nam thì quyết định đi du học vì chán học. Hoặc một số bạn học sinh cấp 3 được gia đính thúc đẩy đi du học vì các bạn không hứng thú học và không biết mình muốn gì.

Đây là những trường hợp không lạ ở một bộ phận giới trẻ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn nhận thực tế rằng du học bên nước ngoài, bạn vẫn phải học nếu muốn có kết quả tốt. Thậm chí bạn phải nỗ lực hơn nhiều vì phương pháp học ở nước ngoài chú trọng tự học, tự tìm hiểu và xây dựng lộ trình học tập độc lập.

Nếu bạn ỷ y du học sẽ là cánh cửa giải thoát cho bạn khỏi việc học gò bó ở Việt Nam thì bạn đã nhầm. Để có thành tích học xuất sắc ở nước ngoài, nhiều bạn sinh viên không chỉ nỗ lực trong học tập mà còn phải tích cực trong các hoạt động xã hôi, ngoại khóa nhằm phát triển kỹ năng mềm.

Do đó, các bạn nên suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định du học, tìm hiểu điều mình muốn vì xã hội Tây hay Ta thì cũng đòi hỏi những người chịu giành nỗ lực.

Du học để về làm chủ

Xu hướng này đòi hỏi bạn trẻ phải có tiềm lực tốt về kinh tế từ gia đình, bởi khởi nghiệp trong thời buổi kinh tế khó khăn này không hề đơn giản. Những kiến thức học ở nước ngoài không phải tất cả đều phù hợp với thị trường Việt Nam, cần có sự chọn lọc và sáng tạo hợp lý.

Tuy nhiên, dù học trong nước hay đi du học, làm chủ thành công đòi hỏi bạn có nhiều yếu tố khác như bản lĩnh, dám đương đầu với thử thách, mạo hiểm và tinh thần học hỏi không ngừng.

Du học để kiếm chồng

Nghe có vẻ vô lý nhưng đây cũng là định kiến phổ biến khi nói về chuyện du học.

Một số bạn đau khổ chia tay cuộc tình, gia đình không đồng ý chuyện tình cảm tại Việt Nam, không còn niềm tin ở tình yêu thì phương án "du học" được nhiều bạn chọn lựa.

Tuy nhiên, với một số bạn khác khi còn độc thân và muốn đi du học ở độ tuổi trễ, các bạn lại nhận được những lời ra tiếng vào như đi du học để kiếm chồng hoặc tìm người yêu bên kia để ở lại.

Mỗi người có mục tiêu và định hướng riêng. Nếu bạn nghĩ du học là giải pháp để trốn chạy khỏi tình cảm thì đó là ý hay nếu bạn thật sự muốn học nghiêm túc. Còn không thì bạn nên suy nghĩ kỹ vì cuộc sống du học thật ra không nhiều gam màu hồng , ngược lại rất áp lực. Hãy chắc chắn khi đi du học để trốn chạy khỏi cú sốc tình cảm sẽ không mang lại những cú sốc tình cảm khác bởi  bạn phải sống xa gia đình, người thân và bạn bè và phải tự chăm sóc cho mình.

Những định kiến, có cái đúng, cái sai như thể bất kỳ cái gì cũng có hai mặt của nó. Hãy giữ vững quyết tâm của mình và cân nhắc thật kỹ càng những lựa chọn,bạn sẽ tìm ra được điều thực sự phù hợp cho chính bản thân mình.

Điểm tin tại Úc

Với những bạn yêu thích viết và thể hiện ý tưởng bằng ngôn từ, Hội Sinh Viên Việt Nam tại Melbourne MOVSA đang tổ chức cuộc thi viết  mang tên Lời Chưa Nói-MOVSA 2018.

GIẢI THƯỞNG

  • Hiện kim: 100$.
  • Được vinh danh xuất hiện tại một trong những cuộc thi lớn nhất của MOVSA trong tháng 6
  • THỜI GIAN:  22/4 - 15/5
Mời các bạn tìm hiểu thông tin và đăng ký trên của MOVSA.

Mỗi tuần một điều không thể bỏ lỡ tại Úc

ANZAC DAY
Anzac Day: Würdigt die Verdienste der australischen Soldaten in allen Kriegen der letzten 120 Jahren Source: Pixabay
Một ngày lễ thú vị Khánh Uyên muốn giới thiệu đến quy thính giả trong tuần này là ngày lễ của toàn nước Úc.

ANZAC Day – ngày 25 tháng 4 là ngày lễ trọng đại cuà Úc. Nó được đánh dấu kỷ niệm sự hợp tác quân sự lớn nhất giữa Úc Đại Lợi (Australia) và Tân Tây Lan (New Zealand). Hai quốc gia đã cùng nhau tham gia vào cuộc chiến “Chiến tranh thế giới lần thứ nhất”. Một sự thật hiếm hoi là cả hai quốc gia có chủ quyền riêng nhưng cùng chung một ngày lễ tuởng nhớ.

ANZAC được viết tắt từ chữ Australia và New Zealand Army Corps.

Có nhiều biểu tượng liên quan đến ngày Anzac. Người dân sẽ đeo một nhánh lá hương thảo (rosemary) vào ngày đó, loại cây được tìm thấy mọc ở bán đảo Gallipoli. Một số người thì trồng loại thông dài và hoa hồng Gallipoli sau khi các quân nhân đem hạt giống từ Gallipoli về.

Hoa anh túc đỏ là loại hoa bản địa ở châu Âu nở tại các chiến trường sau Đệ nhất Thế chiến. Ngày nay loại hoa này trở thành biểu tượng để tưởng nhớ những quân nhân đã ngã xuống.

Qúy vị cũng có thể tự chuẩn bị một trong những biểu tượng cho riêng mình, ví dụ như bánh Anzac, loại bánh quy làm từ lúa mạch và mật mía.

Để tham dự ngày Anzac Day, mỗi thành phố đều có một Lễ Hừng đông chính và diễn dành ngày Anzac. Như ở Canberra, buổi lễ được tổ chức tại Ở Sydney là ở Martin’s Place. Và ở Melbourne là Đài Tưởng niệm .

Thêm thông tin và cập nhật Like  

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

 


Share