Nuôi con ở Úc: Chuẩn bị gì cho con vui Trung Thu trong mùa dịch?

banh trung thu

Bánh Trung Thu làm từ nguyên liệu mật ong. Source: nhân vật cung cấp

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Năm 2020 là năm mà các sự kiện đều có thể trở nên đặc biệt, và Tết Trung Thu của người Việt ở Úc năm nay cũng rất khác biệt. Vậy các bậc phụ huynh làm thế nào để các con có thể vui tết dành cho thiếu nhi theo truyền thống của người Việt mà vẫn an toàn trong tình hình dịch bệnh hiện nay?


Theo phong tục của người Việt, Tết Trung Thu diễn ra vào đêm trăng tròn nhất của tháng Tám âm lịch. Vào dịp này các gia đình thường làm mâm cỗ gồm nhiều loại bánh trái để cúng gia tiên, sau đó mọi người cùng ăn bánh ngắm trăng. 

Trung Thu cũng được xem là ngày Tết dành cho thiếu nhi nên không thể thiếu các hoạt động như rước đèn, trò chơi dân gian, ca hát và múa lân. Chính vì thế, mỗi khi nghe tiếng trống lân rộn ràng với giai điệu “tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh”, nhiều người Việt xa quê thường cảm thấy bồi hồi nhớ về kỷ niệm thời thơ ấu trong những đêm vui hội trăng rằm.

Nỗ lực giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống

Đối với chị Lâm Anh Đào, một mẹ Việt ở Úc với gia tài vô cùng quý báu là năm người con, Tết Trung Thu là một trong những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà gia đình chị luôn mong muốn lưu truyền cho con cháu của mình.

Nhớ lại thời điểm khoảng hai mươi năm về trước ở Úc, chị nói rằng nhiều lúc chị cũng không nhớ ngày Tết Trung Thu là vào ngày tháng nào trong dương lịch.  

Thế nhưng bây giờ khi cuộc sống đã ổn định, những người Việt tha phương như chị không quên những ngày lễ và muốn truyền lại những nét văn hóa như Tết Trung Thu, để cho con cháu hiểu thêm về truyền thống dân tộc. Vì thế chị thường đón mừng dịp tết này bằng những bữa cơm sum họp gia đình, và làm các loại bánh để biếu người thân.
banh deo
Bánh dẻo do chị Lâm Anh Đào làm vào dịp Trung Thu. Source: nhân vật cung cấp
Chuẩn bị cho dịp đặc biệt

Chị Anh Đào chia sẻ rằng các con của chị rất thích thú khi nghe nói về một cái tết dành riêng cho thiếu nhi. Vào dịp này hàng năm chị thường dẫn các con đi chợ để hướng dẫn con mua nguyên liệu về làm bánh.

Riêng năm nay trong tình hình dịch bệnh, chị không dẫn con đi chợ mà chị mua đồ trên mạng. Mặc dù có một chút thay đổi, nhưng chị nói rằng Trung Thu vẫn là tết của các con. Chị vẫn cùng con làm bánh và biếu quà cho người thân. Qua đó các con của chị hiểu được truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt.

Chị chia sẻ rằng nếu muốn các con hướng về cội nguồn thì điều đầu tiên là các gia đình cần làm là giữ gìn các dịp lễ tết. Vì thế Tết Trung Thu năm nay chị vẫn tổ chức cho các con vui chơi tại nhà, chuẩn bị bữa cơm cúng ông bà và làm các loại bánh. Hai loại bánh với hương vị rất đặc trưng thường không thể thiếu trong dịp này là bánh nướng và bánh dẻo.

Chị cũng làm thêm vài cái lồng đèn trang trí trước nhà và cho con chơi. Chị nói rằng vào đêm rằm tháng Tám, mẹ con của chị sẽ đi rước đèn vòng quanh sân nhà để tạo nên không khí vui tươi của lễ hội. Chị cũng sẽ bày một bàn tiệc trong sân để gia đình ngồi quây quần trò chuyện với nhau, cùng ngắm trăng, chơi lồng đèn và thưởng thức bánh trung thu.

Chị Anh Đào có tất cả năm người con. Con trai lớn năm nay đã vào đại học, còn con gái út đang học lớp hai. Điều đặc biệt là các con của chị từ lớn tới nhỏ đều rất thích vui chơi vào dịp Trung Thu. Anh trai lớn mười chín hai mươi tuổi rồi vẫn xách lồng đèn đi chơi cùng các em. Năm nay anh hai còn bày cho các em làm lồng đèn bằng lon thiếc, đó là loại lồng đèn mà hồi xưa ba của chị đã làm cho con gái chơi. Chị nói rằng khi ngắm nhìn các con vui chơi thì chị cũng thấy một chút hình bóng của mình trong đó.
chi Lam Anh Dao
Chị Lâm Anh Đào, người mẹ Việt luôn cố gắng giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống. Source: nhân vật cung cấp
Chắt chiu kỷ niệm đẹp 

Mỗi người Việt đều lưu giữ nhiều kỷ niệm về những cái Tết Trung Thu thời thơ ấu. Riêng đối với chị Anh Đào, hàng năm cứ gần đến tháng Tám âm lịch, chị thường nhớ về tuổi thơ lúc còn ở trong nhà dòng. Hồi đó mẹ Sơ đã tự tay chuốt từng nan tre để làm cho chị chiếc lồng đèn hình con cá. Tuy không đẹp như hàng ở ngoài chợ, nhưng chiếc lồng đèn chứa đựng rất nhiều tình cảm mà đến sau này chị mới nhận ra giá trị không gì sánh bằng của nó. Đó là một kỷ niệm đẹp thời thơ ấu mà chị không bao giờ quên được.

Mỗi lần tổ chức cho con vui Trung Thu là dịp để chị Anh Đào giúp con tạo nên những kỷ niệm đẹp của tuổi thần tiên. Giờ đây, mỗi dịp gần tới Tết Trung Thu, các con lại nhắc chị làm bánh để biếu người thân. Đó là nét văn hóa rất hay của người Việt mà chị thường dạy cho con. Chị nói với các con rằng món quà chính là tấm lòng của mình gửi đến người nhận, vì vậy mình phải chuẩn bị quà với tâm trạng thoải mái, vui tươi thì món quà sẽ đong đầy ý nghĩa.

Làm bánh Trung Thu theo tiêu chí tốt cho sức khỏe

Không chỉ là một chuyên gia quản lý nội dung website cho một trường đại học lớn, chị Anh Đào còn là giáo viên dạy đàn, và cũng là một đầu bếp sở hữu một trang Facebook nổi tiếng với hàng ngàn công thức nấu ăn. Với kinh nghiệm làm bếp được nhiều người học hỏi, chị có một công thức làm bánh Trung Thu rất đơn giản dễ làm và tốt cho sức khỏe nữa, đó là dùng mật ong thay cho nước đường. Nhân bánh bao gồm các loại hạt như hạt thông, hạnh nhân… vừa thơm ngon vừa tốt cho sức khỏe. Những ai muốn học làm loại bánh này có thể tìm trên trang facebook của chị Lâm Anh Đào với đầy đủ chi tiết để mọi người có thể dễ dàng làm theo.
banh trung thu 2
Bánh Trung Thu làm từ nguyên liệu mật ong và các loại hạt. Source: nhân vật cung cấp
Thông điệp gửi đến phụ huynh trong mùa Trung Thu

Đại dịch đã khiến cho các sự kiện trong năm 2020 đều trở nên khác biệt, và Tết Trung Thu năm nay cũng rất đặc biệt. Chị Anh Đào nhận thấy điều quan trọng trước mắt là phải bảo vệ sức khỏe của mình, đó cũng là bảo vệ sức khỏe cho tất cả mọi người xung quanh. Vì vậy, các gia đình người Việt có thể tổ chức vui Trung Thu tại nhà, có thể treo lồng đèn trong sân, cho con làm lồng đèn để vui chơi và ngắm trăng phá cỗ.

Ngoài ra chị nói rằng cộng đồng người Việt ở Úc cũng có tổ chức lễ hội Trung Thu trực tuyến để phụ huynh có thể cho các con vào xem múa lân và ca nhạc. Đó là dịp để các bé được vui Tết thiếu nhi, cũng là dịp để người lớn ôn lại kỷ niệm tuổi thơ của mình.

Mời quý vị bấm vào biểu tượng Audio trong hình ở đầu trang để nghe cuộc trò chuyện với chị Lâm Anh Đào. 

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share