Nhiều vụ lừa đảo “bắt cóc giả” nhắm vào sinh viên từ Trung Quốc

A scam victim's 'kidnap' video

A scam victim's 'kidnap' video Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Cảnh sát New South Wales đang điều tra một vụ lừa đảo qua điện thoại nhắm vào các sinh viên từ Trung Quốc. Thủ phạm đe dọa và ép buộc nạn nhân tự dàn dựng cảnh bị bắt cóc và chụp hình gửi cho chúng, sau đó chúng sử dụng hình ảnh để đòi tiền chuộc từ gia đình nạn nhân ở quê nhà. 8 sinh viên quốc tế đã trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo, khi gia đình của họ đã trả số tiền chuộc hơn ba triệu đô la.


Quả là cơn ác mộng tồi tệ nhất của các bậc phụ huynh khi nhận được một bức ảnh con của mình bị trói và bịt miệng tại hiện trường dường như là một vụ bắt cóc.

Cảnh sát New South Wales cho biết một trò lừa đảo mới có tên là "Bắt cóc ảo" đang nhắm vào các sinh viên Trung Quốc để tống tiền hàng triệu đô la từ họ và gia đình họ.

Là một phần của chiến dịch mới nhằm nâng cao nhận thức về vụ tống tiền, Giám đốc Chỉ huy lực lượng chống tội phạm Darren Bennett cảnh báo những ai nhận được các cuộc gọi đáng ngờ thì hãy liên lạc với cảnh sát.

“Nếu quý vị nhận được một cuộc gọi điện thoại từ một người xưng là nhà chức trách ở Trung Quốc hoặc là ở nơi nào đó, và yêu cầu quý vị gửi tiền vào một tài khoản ngân hàng, thì quý vị đừng trả bất kỳ khoản tiền nào. Hãy cúp điện thoại, gọi cảnh sát, gọi cho trường Đại học hoặc cơ sở giáo dục của quý vị để được lời khuyên.”

Cảnh sát đang tỏ ra lo ngại vì những vụ tống tiền rất tinh vi và gây ra nổi thống khổ cho các nạn nhân liên quan. Trong một kịch bản, một kẻ lừa đảo mạo danh là quan chức Trung Quốc gọi cho sinh viên và nói rằng họ dính dấp vào một tội nào đó. Nạn nhân bị đe dọa trục xuất nếu họ không trả tiền phạt.

Kịch bản thứ hai đáng lo ngại hơn, khi kẻ lừa đảo đe dọa sinh viên về sự an toàn của gia đình họ ở Trung Quốc. Nạn nhân được yêu cầu tự cô lập trong một khách sạn, cắt đứt mọi liên lạc và chụp ảnh hoặc quay video mô tả cảnh bị trói và bịt mắt. Sau đó hình ảnh được gửi cho phụ huynh ở Trung Quốc.

Ông Bennet nói rằng, phụ huynh không thể liên lạc với con của họ nên buộc phải trả khoản tiền chuộc lớn.

“Thật là một món hời khi chúng lừa được nạn nhân mà chúng biết rõ là có khả năng trả tiền chuộc. Chúng yêu cầu nạn nhân không gọi cảnh sát, vì thế cảnh sát không thể điều tra cho đến khi chúng lấy được tiền. Đó là một loại tội phạm lừa đảo quy mô lớn.”
Cảnh sát nói rằng trong năm nay đã có tám sinh viên ở New South Wales bị lừa đảo. Một người cha ở Trung Quốc đã trả hai triệu đô la cho những kẻ lừa đảo để giải thoát con gái ở Sydney. Cảnh sát tin rằng có nhiều nạn nhân đã chọn cách không báo Cảnh sát.
Tổng thư ký Hội đồng đại diện sinh viên Đại học Sydney, cô Abbey Shi nói rằng những sinh viên bị lừa đảo đã chịu sự tổn thương lớn về tâm lý.

“Tôi hiểu rằng nhiều nạn nhân có tâm lý lo sợ khi liên quan đến một tình huống lừa đảo, điều này khiến họ không sẵn lòng thổ lộ với mọi người và cộng đồng xung quanh. Tôi nghĩ rằng với tư cách là một đại diện sinh viên, trách nhiệm của chúng tôi là khuyến khích sinh viên tìm kiếm sự giúp đỡ và lên tiếng khi gặp phải tình huống như thế.”

Cô Shi cũng nói rằng nhiều sinh viên Trung Quốc đến Úc ban đầu chưa quen với môi trường xung quanh, và họ là những mục tiêu dễ bị lừa.

Cảnh sát New South Wales chưa rõ các vụ lừa đảo đang hoạt động từ đâu và họ đang làm việc với chính quyền Trung Quốc để cố gắng tìm ra manh mối.

Cảnh sát cũng đã phát động một chiến dịch bằng nhiều thứ tiếng và đang làm việc với cộng đồng và các nhóm sinh viên Trung Quốc địa phương để cảnh báo về vụ tống tiền, và khuyến khích họ báo cáo bất cứ điều gì đáng ngờ. Chiến dịch này được hi vọng sẽ giúp cảnh sát ngăn chặn những kẻ lừa đảo ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share