Chính phủ liên đảng toàn nữ giới của Phần Lan đối mặt với các thách thức về bình đẳng

Finnish Prime Minister Sanna Marin

Finnish Prime Minister Sanna Marin Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Đài Loan, Đức, New Zealand và Phần Lan là những quốc gia do nữ giới lãnh đạo, những nước này đều được tán thưởng vì các biện pháp đối phó dịch bệnh coronavirus. Từ đó đặt ra câu hỏi liệu giới tính của người lãnh đạo có trở nên quan trọng hơn trong khủng hoảng hay không. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin là nữ lãnh đạo trẻ nhất đang nắm quyền, bà cầm đầu một liên minh gồm năm đảng phái khác nhau và cả năm đảng này đều do phụ nữ làm thủ lãnh.


Tòa nhà lịch sử House of the Estates, tại thủ đô Helsinki của Phần Lan, là nơi nữ thủ tướng trẻ nhất thế giới, và chính phủ liên minh 5 đảng đều do nữ lãnh đạo của bà, thảo luận về chương trình bình đẳng mới.

‘Phần Lan từng có những chính phủ liên minh lâu dài, vì vậy dĩ nhiên chúng ta đã quen với việc thỏa thuận và cùng tìm ra tiếng nói chung giữa các đảng phái có ý thức hệ khác nhau. Tôi nghĩ đây chính là thế mạnh của đất nước chúng ta’.

Đó là bà Sanna Marin, thủ lãnh của một liên minh gồm 5 đảng, tất cả 5 đảng này đều do phụ nữ lãnh đạo, trong đó có tới 4 nhà lãnh đạo đang ở độ tuổi 30.

Thủ lãnh đảng Left Alliance và là Bộ trưởng Giáo dục bà Lee Anderson nói đây cũng là điều dẫn đến sự đánh giá rập khuôn.

‘Nhiều người có xu hướng cho rằng bởi vì chúng tôi là phụ nữ, nên chúng tôi sẽ đề ra một kiểu chính sách gì đó, hoặc vì tất cả chúng tôi đều là nữ giới nên chúng tôi dễ dàng đồng thuận với nhau, vân vân. Tôi nghĩ rằng mọi vấn đề không nhất thiết phải suy nghĩ theo hướng như vậy, và đó là lý do tại sao tôi muốn tập trung vào chính sách mà thôi.’

Cùng với nước Đức, Đài Loan và New Zealand, chính phủ Phần Lan do nữ giới lãnh đạo đã được tán thưởng vì biện pháp đối phó coronavirus nhanh chóng và hiệu quả.

Phần Lan có tỷ lệ tử vong vì coronavirus vào hàng thấp nhất trên thế giới, nhưng nữ thủ tướng nói giới tính không góp phần vào thành công của chính phủ bà.

‘Có nhiều chính phủ do nam giới lãnh đạo cũng khắc phục dịch bệnh thật sự hiệu quả - tôi không cho rằng đây là một vấn đề dựa vào giới tính. Điều quan trọng là chúng tôi đã quyết định dựa trên những kiến thức tốt nhất mà chúng tôi biết, cũng như chúng tôi cố gắng ra quyết định theo một cách có thể giúp đỡ những người dân thường vẫn sống được một cuộc đời bình thường, dù trong khủng hoảng, hay trong bất kỳ khoảng thời gian nào khác.’

Chính phủ của bà được khen ngợi còn vì sự thể hiện tiến bộ, tuy nhiên một vài người lãnh đạo trong liên đảng vẫn dè dặt không chúc mừng thành quả này.

Bà Maria Ohisalo, một trong năm nữ lãnh đạo nói.

‘Tôi nghĩ sự thể hiện của 5 người phụ nữ da trắng và có học thức suy cho cùng cũng không nói lên được điều gì cả. Nếu chúng ta thật sự nghĩ đến sự bình đẳng, thì chính phủ này vẫn chưa đạt được sự bình đẳng.’

Ngoài ra, một trong những vấn đề mà chương trình phải giải quyết đó là giới tính thiểu số.

Những người đấu tranh cho quyền của người chuyển giới, trong đó có Kasper Kivisto, nhiều năm qua từng đòi phải tu chính đạo luật Chuyển giới.

Đạo luật này vốn yêu cầu những ai muốn công nhận giới tính thật một cách hợp pháp phải trải qua sự triệt sản hoặc vô sinh.  

‘Chúng ta có một nữ thủ tướng, và là người nữ thủ lãnh quốc gia trẻ tuổi nhất, nhưng điều này biết vậy chỉ để đó mà thôi. Chính phủ này cần phải nhận được ủng hộ của toàn bộ hệ thống đứng sau nó, để có thể tạo ra sự khác biệt.’

Đã ba năm trôi qua kể từ khi Tòa án Nhân quyền Âu châu nói không nên đòi hỏi người chuyển giới phải triệt sản thì mới được nhận diện giới tính thật của bản thân. Nhưng điều này vẫn còn xảy ra tại Phần Lan.

Thủ tướng Marin kiên quyết với ý kiến cho rằng chính phủ của bà tin tưởng vào khả năng tự nhận diện.

‘Mỗi người đều có quyền xác định danh tính của chính mình.’

Bà Sanna Marin nói những thay đổi của Đạo Luật Chuyển giới đã được soạn và sẽ đặt lên bàn vào năm sau.

'Sisu', tiếng Phần Lan có nghĩa là chủ nghĩa khắc kỷ trầm lặng và cứng rắn - ý nói về khả năng phải khiến mọi việc hoàn thành xong xuôi mà không một lời than vãn.

Từ này gần đây được sử dụng rất nhiều để mô tả nội các của nữ thủ tướng.

Bà Sanna Marin đang hưởng thụ thành tích 85 phần trăm cử tri ủng hộ ngay năm đầu tiên chính phủ của bà cầm quyền.

Tuy nhiên trước mắt còn rất nhiều thách thức.

Trong 20 năm qua, tại Phần Lan, mọi thủ tướng của liên đảng cuối cùng đều phải từ chức.

Mặc dù các thành viên liên đảng hiện nay của Phần Lan không muốn giới tính của mình bị đem ra phán xét, nhưng rõ ràng mỗi khi họ thất bại hay thành công thì giới tính của họ đều trở thành đầu đề câu chuyện.

Share