Feature

Thủ tướng Morrison “cân nhắc” về $1500 JobKeeper ngay sau khi Úc trên lộ trình hồi phục từ coronavirus

Thủ tướng Scott Morrison đang xem xét cắt giảm khoản thanh toán JobKeeper $1500 đô la mỗi hai tuần hoặc loại bỏ chương trình này nhanh hơn dự kiến, lo ngại đang tạo ra các công ty “xác ướp” – không thể tồn tại nếu không có trợ cấp lương.

waiter serving food restaurant

JobKeeper được thiết kế để giữ lại việc làm cho 6 triệu công nhân Úc giữa khủng hoảng kinh tế vì coronavirus. Source: Unsplash Bimo Luki

Chỉ vài ngày sau khi các khoản thanh toán JobKeeper đầu tiên xuất hiện trong tài khoản ngân hàng của các nhà nhân dụng, tin từ news.com.au xác nhận chính phủ đang cân nhắc nhiều lựa chọn khác để chấm dứt việc trợ cấp lương đồng đều $1500 đô la mỗi hai tuần cho mỗi nhân viên hợp lệ – bất kể quy mô của doanh nghiệp, loại hình hợp đồng lao động, số giờ làm và tiền lương thực của nhân viên.

JobKeeper, cứu tinh của công ăn việc làm Úc “với một cái giá phải trả rất đáng kể”

Chương trình JobKeeper hiện tại được luật hóa kết thúc vào ngày 27 tháng Chín, nhưng các lựa chọn mới đang được cân nhắc bao gồm: giảm trợ cấp lương $1500, nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp nhỏ hơn hoặc giới hạn chỉ cho các ngành cụ thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hạn chế COVID-19.
Thành công của Úc trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 khiến các nhà làm chính sách có thời gian để cân nhắc về bức tranh kinh tế toàn quốc ngay sau khi Thủ tướng Morrison công bố lộ trình ba giai đoạn để nước Úc hồi phục và mở cửa trở lại – trong đó bước đầu tiên nhìn thấy các nhà hàng, quán cafe sẽ hoàn toàn mở cửa trở lại vào tháng Sáu.

Chính phủ liên bang ước tính chương trình JobKeeper sẽ tiêu tốn của ngân sách $130 tỉ Úc kim để trợ cấp lương cho 6 triệu công nhân trên cả nước. Mỗi công nhân như vậy sẽ khiến chính phủ tiêu tốn $19,500 trong thời gian 6 tháng.

Tin mới nhất từ biết đến nay chỉ khoảng 5 triệu công nhân đang được thanh toán này – ít hơn ước tính ban đầu $20 tỉ đô la, nhưng cho rằng Bộ Ngân khố đang xem xét nhiều kế hoạch để giảm chi nhiều hơn nữa trong chương trình này.
Câu hỏi đặt ra với JobKeeper – khoản trợ cấp lương đắt đỏ nhất trong lịch sử quốc gia, liệu có phải mọi doanh nghiệp đều cần sự giúp sức này từ ngân khố chính phủ cho đến gần cuối tháng Chín?

Những cân nhắc nghiêm túc để giảm chi JobKeeper và cả JobSeeker

Lựa chọn thứ nhất đang được xem xét liên quan đến việc thiết kế lại chương trình, chỉ trả 80 phần trăm tiền lương, chấm dứt chính sách trả “cỡ nào cũng vừa” cho tất cả những người lao động đủ điều kiện mức $1500 đô la mỗi hai tuần bất kể trước đó lương họ có ít hơn hay không.

Lựa chọn này sẽ liên quan đến việc thiết kế lại chương trình để phù hợp hơn với chương trình trợ cấp tiền lương của Thủ tướng Anh Boris Johnson, đề xuất mà có lần Tổng trưởng Ngân khố Josh Frydenberg đã phản đối trước đây.
Một lựa chọn thứ hai đang được cân nhắc dựa trên kinh nghiệm New Zealand của Thủ tướng Jacinda Ardern – không trợ cấp lương một mức giá cố định. Thay vào đó, cung cấp cho nhà nhân dụng $585.80 mỗi tuần cho nhân viên toàn thời và $350 cho bán thời.

Ở New Zealand, nhà nhân dụng phải chuyển toàn bộ số tiền nhận được cho nhân viên, trừ trường hợp thu nhập lúc bình thường thấp hơn số tiền trợ cấp – trong trường hợp đó, nhân viên sẽ được trả lương ở mức bình thường. Số tiền còn lại này có thể được dùng trả lương cho các nhân viên khác bị ảnh hưởng, bao gồm cả những người lao động thời vụ không đủ điều kiện cho chương trình này.
Prime Minister Scott Morrison reacts during the JobKeeper debate
Prime Minister Scott Morrison reacts during the JobKeeper debate Source: AAP
Thủ tướng Úc đã bị chỉ trích vì loại trừ người lao động thời vụ có thời gian làm việc cho nhà nhân dụng dưới 12 tháng khỏi chương trình JobKeeper.
Thủ tướng Morrison đã nhắc đến việc Bộ Ngân khố cân nhắc chương trình JobKeeper hôm thứ Sáu, hai lần phủ nhận việc sẽ giữ nguyên JobKeeper và cả JobSeeker trong thời gian tới.

“Chương trình huyết mạch JobKeeper và JobSeeker, có thời hạn được đặt ra trong khung thời gian sáu tháng. Chương trình JobKeeper được thiết kế có phần đánh giá lại trước cuối tháng Sáu. Bộ Ngân khố sẽ thực hiện điều đó,” ông Morrison nói trong cuộc họp báo.
Chúng tôi sẽ thực hiện từng bước một. Nhưng tôi cần nhấn mạnh một lần nữa rằng đó là loại hỗ trợ cấp cứu tạm thời được đưa ra để giúp người Úc vượt qua gia đoạn tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng. Nó đi kèm với một cái giá phải trả rất đáng kể, không chỉ cho hiện tại mà còn cho các thế hệ tương lai.
“Và nó tồn tại để giúp chúng ta đáp ứng mục tiêu đó, nhưng nó không bao giờ được dự tính là một kế hoạch dài hạn hơn.”

Thủ tướng Morrison cũng không bảo đảm việc nhân đôi số tiền trợ cấp của JobSeeker lên $550 đô la một tuần sẽ duy trì ở mức đó trong toàn bộ thời gian sáu tháng tới.

Rủi ro của JobKeeper là tạo ra các công ty xác ướp

Các đề xuất để loại bỏ dần JobKeeper cũng được đưa vào phúc trình Theo dõi Ngân sách Kinh tế do Deloitte thực hiện dự kiến được công bố ngày nay, mang tên “Chạy nước rút với virus và cuộc đua đường dài hồi phục”.

“JobKeeper nên được giảm dần thành từng giai đoạn chứ đừng loại bỏ. Và tương tự như vậy đối với sự gia tăng trợ cấp thất nghiệp trong JobSeeker,” ông Chris Richardson từ Deloitte nói.
Chọn cách tiếp cận “cỡ nào cũng vừa” trên đường đặt nền kinh tế vào chế độ ngủ đông đã nhìn thấy hiệu quả, nhưng sẽ không phù hợp trên đường thoát khỏi tình trạng đó. Các hỗ trợ tạo ra một lộ trình mở cửa lại bền vững sẽ rất phức tạp, bởi vì các ảnh hưởng rất phức tạp và không đồng nhất.
Quan trọng hơn ông cảnh báo JobKeeper đang tạo ra các “công ty xác ướp”, sẽ biến mất ngay sau khi chương trình trợ cấp tiền lương được gỡ bỏ, buộc các công nhân phải quay lại tình trạng thất nghiệp.

“Một đại dịch là đủ cho cả cuộc đời và có một rủi ro là JobKeeper, như một biện pháp được thiết kế để giữ lại việc làm, cuối cùng có thể tạo ra các công ty xác ướp, không thể phục hồi hoàn toàn mà cũng không phá sản. Điều này sẽ làm chậm sự phục hồi rộng lớn hơn,” ông Chris nói với .

Deloitte cũng cảnh báo cả nước không nên hy vọng nền kinh tế sẽ quay trở lại bất cứ lúc nào sớm, như Thủ tướng đã dự đoán, cho thấy có khả năng vẫn ở trên mức trước khủng hoảng cho đến cuối năm 2024.
Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Trong nhà, phải có mật độ không quá một người trên bốn mét vuông không gian sàn.

Nếu bạn tin rằng bạn có thể đã nhiễm virus, hãy gọi cho bác sĩ của bạn (đừng đến phòng mạch) hoặc liên hệ với Đường dây Nóng Thông tin Y tế Quốc gia Coronavirus – Coronavirus Health Information Hotline theo số 1800 020 080.

Nếu bạn đang khó nhọc để thở hoặc trải qua một trường hợp khẩn cấp y tế, hãy gọi 000.

Chính phủ liên bang có một ứng dụng để tìm nguồn lây nghiễm coronavirus tên COVIDSafe có sẵn để tải về từ chợ ứng dụng (Google Play hay App Store).

SBS tận lực mang đến tin tức cập nhật giúp bạn nắm bắt thông tin những diễn biến mới nhất của COVID-19 bằng tiếng Việt, xem tại: 

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 11 May 2020 1:49pm
Updated 11 May 2020 4:58pm
By Trinh Nguyen

Share this with family and friends