Bạn muốn làm nghề gì (3) Tự mình làm chủ

Franchise, giải pháp cho giấc mơ làm chủ của người trẻ

Franchise, giải pháp cho giấc mơ làm chủ của người trẻ Source: Pixabay - Public Domain

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Kinh doanh theo mô hình nhượng quyền franchise khá phổ biến và phù hợp cho những ai đang muốn khởi nghiệp nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức về kinh doanh. Bạn có muốn tự mình làm chủ?


Việc khởi nghiệp không bao giờ là đơn giản, khi bạn phải gánh vác tất cả trách nhiệm trong  việc vận hành một doanh nghiệp như tìm địa điểm kinh doanh, tìm nhà cung cấp, tìm khách hàng, quảng cáo, quản lý nhân viên… Nhưng có một hình thức kinh doanh khá phù hợp với những người chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này đó là kinh doanh theo mô hình franchise, nghĩa là nhượng quyền thương mại.

Hãy cùng tìm hiểu hình thức kinh doanh này qua câu chuyện của chị Nam Phương, chủ một cửa tiệm Top Juice ở Sydney.

Những ưu điểm và nhược điểm của việc kinh doanh theo mô hình franchise

A. Ưu điểm

Thứ nhất, khi trở thành một người mua thương hiệu (franchisee) là bạn được hưởng lợi từ một hệ thống kinh doanh đã được thiết kế hoàn chỉnh, giúp giảm thiểu các rủi ro khi bắt đầu việc kinh doanh.

Chị Nam Phương cho biết, đối với một người hoàn toàn chân ướt chân ráo làm kinh doanh như chị thì đây là cách kinh doanh dễ dàng nhất vì không phải lo lắng trong việc tìm khách hàng hay tìm nhà cung cấp.

“Người chủ thương hiệu (franchisor) đã xây dựng và vận hành tốt một thương hiệu, đã xây dựng hoàn chỉnh tất cả các hệ thống như kế toán, nhân sự, trả lương, nhà cung cấp, cũng như lượng khách hàng cũng đã có sẵn.”

Thứ hai, nhà nhượng quyền sẽ đào tạo cho bạn những kiến thức và cung cấp những thông tin và hỗ trợ cần thiết để vận hành mô hình kinh doanh của họ.

“Họ sẽ đào tạo về sản phẩm, quy trình sản xuất hay hoạt động của một cửa hàng. Nếu mình tự chọn cửa hàng thì họ sẽ giúp mình thuê nhân viên và đào tạo nhân viên. Đồng thời họ hỗ trợ cho mình tiền hàng trong một tuần đầu, hay nếu máy móc có hư hỏng thì cũng được sửa chữa không mất tiền.” chị Nam Phương cho biết.
Nhà nhượng quyền sẽ đào tạo cho bạn những kiến thức và cung cấp những thông tin và hỗ trợ cần thiết để vận hành mô hình kinh doanh của họ.
B. Nhược điểm

Khi bạn mua một nhượng quyền thương mại có nghĩa là bạn đã tham gia vào một thỏa thuận chính thức và phải tuân theo những quy định về cách vận hành nên sự sáng tạo hay tự quyết định khá hạn chế. Như trường hợp của chị Nam Phương khi chọn lựa thương hiệu Top Juice để kinh doanh thì chị buộc phải tuân theo quy định về địa điểm là cửa hàng phải được đặt trong các trung tâm thương mại lớn, điều này cũng là một áp lực vì chi phí thuê mặt bằng kinh doanh khá cao sẽ ảnh hưởng đến lợi tức.

Ngoài ra khi bước vào một hợp đồng franchise, nghĩa là bạn phải sống chung với danh tiếng của thương hiệu đó và ngay cả trong trường hợp rủi ro xảy ra tai tiếng thì người franchisee cũng phải cùng chung gánh vác hậu quả.

Theo chị Nam Phương “đó là một rủi ro, nếu thương hiệu đó gặp tai tiếng thì thật ra không có giải pháp, vì mình cùng chung một thương hiệu. Nên trước khi quyết định chọn một thương hiệu để mua phải chọn lựa thật kỹ, phải tìm hiểu cách quản lý của người franchisor, chất lượng sản phẩm, và tìm hiểu về quy trình quản lý chất lượng (quality control) của thương hiệu đó.”

Những điều cần lưu ý khác khi mua một thương hiệu

Nếu xảy ra rủi ro và franchisee muốn rút khỏi hợp đồng nhượng quyền thương mại thì điều đó cũng không khó khăn. Bên franchisor sẽ cung cấp agent giúp mua lại hoặc tìm người cho thuê lại cửa hàng đó.

Nhượng quyền thương mại thường được nhìn nhận như một cách đơn giản cho những người mới bắt đầu kinh doanh lần đầu. Tuy nhiên, nhượng quyền thương mại không có nghĩa chắc chắn đem lại sự thành công và trong quá trình kinh doanh thì luôn phải áp dụng những nguyên tắc quản trị như quản lý nhân sự hay chăm sóc khách hàng.

“Đây là hai yếu tố hàng đầu mà một người chủ doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ, phải lưu ý. Khách hàng luôn phải được ưu tiên. Không phải khách hàng lúc nào cũng đúng, nhưng lúc nào mình cũng phải cố gắng làm vừa lòng khách hàng, vì rất dễ bị mất khách mà một khi họ đã đi là không quay lại.” chị Phương nói.

Nhượng quyền thương mại không có nghĩa chắc chắn đem lại sự thành công và trong quá trình kinh doanh thì luôn phải áp dụng những nguyên tắc quản trị như quản lý nhân sự hay chăm sóc khách hàng.
Tìm hiểu nghĩa vụ nộp thuế doanh nghiệp

Hương Lan SBS trò chuyện với chuyên gia thuế Trịnh Hữu Lộc.

Hương Lan SBS: Một cá nhân muốn tự đứng ra kinh doanh thì những vấn đề cần quan tâm đầu tiên là gì?

Chuyên viên thuế Trịnh Hữu Lộc: Cá nhân phải quyết định cấu trúc kinh doanh nào phù hợp vì cấu trúc kinh doanh ảnh hưởng đến việc nộp thuế và cách tính thuế. Có những cấu trúc như cấu trúc cá nhân là hình thức đơn giản nhất, cấu trúc partnership khi hùn hạp với người khác, hoặc cấu trúc trust, nghĩa là quỹ ủy thác, hoặc một công ty riêng biệt.

Hương Lan SBS: Một doanh nghiệp phải có nghĩa vụ nộp những loại thuế nào?

Chuyên viên thuế Trịnh Hữu Lộc: Trước hết là thuế lợi tức, ngoài ra nếu thu nhập 75 ngàn trở lên thì phải đăng ký ABN để kê khai GST (thuế hàng hóa, dịch vụ). Đối với người lái xe taxi và Uber điều này là bắt buộc với bất kỳ thu nhập nào. Nếu có nhân công, thì phải khấu trừ một phần tiền lương để đóng thuế thay họ (PAYG), ngoài ra còn có tiền thuế phụ bổng superannuation.

Hương Lan SBS: Vậy cách khai thuế là như thế và trong bao lâu thì doanh nghiệp phải khai thuế một lần?

Chuyên viên thuế Trịnh Hữu Lộc: Đối với thuế lợi tức mỗi năm khai thuế một lần, hạn chót là ngày 31 tháng Mười đối với cá nhân, và tháng Tư nếu được kê khai bởi người đại diện có đăng ký (kế toán thuế). Đối với thuế GST, phải khai mỗi 3 tháng. Nếu đóng PAYG cũng phải khai trong hồ sơ thuế mỗi ba tháng.

 “Ngoài ra phải lưu ý sổ sách, giấy tờ hợp lệ phải giữ kỹ để khai thuế GST để giúp giảm số tiền thu nhập phải chịu thuế, từ đó giúp giảm tiền thuế mỗi năm.”


Share