Yemen trước bờ vực sụp đổ thể chế và nạn đói khủng khiếp

A child receiving treatment for malnutrition at a Sana'a hospital

Một trẻ em suy dinh dưỡng đang được điều trị tại thủ đô Sana'a Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Theo Liên Hiệp Quốc,Yemen đang trước bờ vực sụp đổ cả về thể chế, kinh tế và xã hội sau 2 năm xảy ra nội chiến, một hệ quả do các hành động của các bên tham chiến và phe ủng hộ, cũng như thái độ bàng quan của cộng đồng quốc tế.


Phát biểu trước trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Tổng Thư ký của Chương trình Cứu trợ khẩn cấp và nhân đạo đã lên tiếng cảnh báo về việc người dân Yemen hiện đang phải chịu cảnh cướp bóc, bệnh tật và chết chóc.

Theo ông Stephen O’Brien, đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, cũng không phải là một kết quả bất ngờ không lường trước nằm ngoài khả năng kiểm soát của các quốc gia, mà trái lại, ông nói, đây là hậu quả gây ra trực tiếp bởi hành động của các nhóm tham chiến, và các phe phái ủng hộ, những mâu thuẫn và cả sự bàng quan của cộng đồng quốc tế.

Ông O’Brien cảnh báo, nếu như tình trạng này cứ tiếp diễn thì Yemen đang trượt thẳng đến ‘sự sụp đổ về kinh tế, xã hội và cả thể chế’.

“Yemen hiện đã rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng nhất thế giới, với hơn 17 triệu người đang thiếu thốn lương thực, 6.8 triệu người rơi vào cảnh đói kém. Khủng hoảng lương thực đang cận kề, nó không chỉ là lời đe dọa nữa mà nó hiển hiện ngay lúc này, ngay trước mắt chúng ta, và thường dân thì đang phải trả giá.”

Ông Stephen O’Brien nói nhiều người dân Yemen bị đẩy vào hoàn cảnh không lối thoát

“Hơn một triệu viên chức trong nhiều tháng trời đã không được trả lương, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 8 triệu người khác, dẫn đến ngày càng nhiều gia đình rơi vào tình cảnh nghèo đói. Số gia đình lựa chọn giải pháp phải gả chồng cho con gái để có người nương tựa ngày một gia tăng, và họ thường sử dụng của hồi môn để chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu.”
"Khủng hoảng lương thực đang cận kề, nó không chỉ là lời đe dọa nữa mà nó hiển hiện ngay lúc này, ngay trước mắt chúng ta, và thường dân thì đang phải trả giá," Stephen O'Brien.
Yemen cũng đang phải đối mặt với bùng nổ dịch tả, những nguồn tin chính thức cho thấy dịch tả đã làm thiệt mạng hơn 400 người chỉ trong tháng Năm vừa qua.

Ngoài ra, hàng chục ngàn những ca khác bị nghi nhiễm dịch tả cũng đã được xác nhận.

Các nhà chức trách đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Sana’a, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do sự lan tràn bệnh dịch từ nguồn nước bị ô nhiễm.

Liên Hiệp Quốc nhận định, tình hình tại Yemen là một ‘cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng xảy ra’.

Liên Hiệp Quốc cho biết thêm, nguồn quỹ cứu trợ cần thiết cho Yemen là khoảng 3 tỷ đô la Úc, nhưng hiện tổ chức chỉ mới nhận được 25%.

Hai năm sau khi xảy ra cuộc xung đột giữa nhóm nổi dậy Houthi và lực lượng chính phủ do đồng minh quân sự dẫn đầu bởi Ả Rập Saudi, 10,000 người đã thiệt mạng và hàng triệu người đã phải di tản.

Bên cạnh đó, nhóm vũ trang Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang tận dụng cuộc chiến này để gia tăng sự hiện diện, điều này đã dẫn đến một loạt các cuộc không kích của Hoa Kỳ.
Liên Hiệp Quốc cho biết thêm, nguồn quỹ cứu trợ cần thiết cho Yemen là khoảng 3 tỷ đô la Úc, nhưng hiện tổ chức chỉ mới nhận được 25%.
Trước khi xung đột xảy ra, Yemen đã là một quốc gia nghèo nhất khu vực bán đảo Ả Rập, nay với tình hình này, sự nghèo đói lại càng trở nên trầm trọng hơn.

Liên Hiệp Quốc muốn ngăn chặn không đẩy sự việc đi xa hơn.

Liên Hiệp Quốc cũng đã lên tiếng chỉ trích sau khi có lời đe dọa từ phía liên minh Ả Rập. Phe này ủng hộ quân đội chính phủ trong việc tái chiếm lãnh thổ đang được phe nổi dậy Houthi kiểm soát, trong đó có pháo đài Hodeidah ở biển Đỏ, một cửa ngõ quan trọng để đưa viện trợ lương thực và nhân đạo vào trong Yemen.

Đại diện của Yemen tại Liên Hiệp Quốc, ông Ismail Ould Cheikh Ahmed, cũng cho rằng xung đột không được phép lan rộng

“Tôi yêu cầu Hội đồng Bảo an lên tiếng mạnh mẽ đến các bên tham chiến, họ phải ngay lập tức phối hợp với Liên Hiệp Quốc, nhất trí từng hành động để tránh có thêm đổ máu, để chấm dứt nạn đói của quốc gia này. Đồng thời các bên tham chiến phải tái cam kết chấm dứt xung đột trong hòa bình. Khủng hoảng nhân đạo và mối đe dọa về một nạn đói là hoàn toàn do con người gây ra. Nếu xung đột chấm dứt, người dân Yemen và cộng đồng quốc tế sẽ có đủ khả năng và ý chí xây dựng lại quốc gia này.”


Share