Hướng dẫn định cư: Khiêu vũ để trẻ khỏe và minh mẫn

Marie D'Alton and Sindy Ling

Marie D'Alton and Sindy Ling Source: Amy Chien Yu-Wang

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Không thể phủ nhận rằng tập thể dục là liều thuốc tốt dành cho người cao niên và môn khiêu vũ có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cả việc đi bộ hoặc bơi lội thông thường. Nghiên cứu cho thấy rằng khiêu vũ có thể làm chậm quá trình lão hóa, cải thiện sức lực và khả năng cân bằng, thậm chí nó còn tốt cho bộ não của bạn nữa.


Ở tầng hầm của Brisbane City Hall, một nhóm các vũ công trong trang phục lộng lẫy, đều ở tuổi từ lục tuần đến tuổi 90 đang thích thú khiêu vũ theo các điệu nhạc xưa cũ.

Gần sàn nhảy, bà Sindy Ling đang cố gắng ghi nhớ các bước nhảy trong khi chờ đến lượt mình quay lại khiêu vũ.

Việc không có bạn nhảy tuyệt nhiên không thể ngăn cản bà Sindy theo đuổi hoạt động giải trí ưa thích của bà.

Nhảy để giải tỏa mệt mỏi ưu phiền

Bà đến khiêu vũ ở đây ít nhất bốn lần một tuần, để hòa mình vào các vũ điệu từ rock 'n' roll cho đến các điệu nhảy theo phong cách mới. Với bà Ling, khiêu vũ đánh tan mọi sự mệt nhọc trong cuộc sống thường ngày.

"Tôi đến để khiêu vũ, tôi cảm thấy thích thú, cảm thấy rất hạnh phúc Tôi có đi làm và công việc rất mệt mỏi. Và giờ tôi đi nhảy, rất thích thú và thư giãn," bà Ling nói.

Theo nghiên cứu của giáo sư Dafna Merom từ Đại học Tây Úc, khiêu vũ đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm gần một nửa nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch.

Đây là một trong những hình thức tập thể dục tốt nhất cho người cao niên đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ.

"Trong quá trình lão hóa thông thường, chúng ta bị mất rất nhiều thể lực và năng lực của trí não, nên chúng ta muốn làm chậm quá trình này.”

“Vì vậy, chúng ta cần xây dựng một loạt các hoạt động thường xuyên để làm tăng khả năng của xương khớp, tăng cường cơ bắp, các cơ trên và dưới thân, cải thiện sự cân bằng và hệ thống hô hấp tim của chúng ta," bà Merom nói.

Khiêu vũ tốt hơn chạy bộ, bơi lội?

Tiến sĩ Merom cho hay các hoạt động hàng ngày như làm vườn, bơi lội hoặc đi bộ có thể giúp cơ thể mọi người được hoạt động, nhưng nó lại không làm tăng sức mạnh thể chất và trí tuệ của chúng ta nhiều bằng môn khiêu vũ.

Khi tham gia khiêu vũ, chúng ta cần sự phối hợp tốt hơn giữa các khớp xương, thực hiện các bước di chuyển linh hoạt hơn và phải ghi nhớ các bước nhảy tiếp theo.

"Tại sao khiêu vũ lại tốt hơn các hình thức hoạt động thường xuyên khác ví dụ như đi bộ nhanh chẳng hạn?”

“Theo ý nghĩa trực quan, dường như việc khiêu vũ đem lại nhiều điều thay vì chỉ có hoạt động thể chất, nó bao hàm cả hoạt động liên kết trong xã hội, nó chứa đựng cả một phần cảm xúc vì gắn với âm nhạc, và khiêu vũ cũng là một cách giao tiếp nữa,” bà Merom nói.

Người từng làm cô giáo dạy khiêu vũ nhiều năm, bà Marie D'Alton gần như đã gắn cả đời mình với các điệu nhảy.

“Khi tôi khiêu vũ tôi thấy mình thật sự đang tồn tại, tôi sẽ chết mất nếu không thể khiêu vũ nữa,” bà D'Alton nói.

Khiêu vũ để minh mẫn và nhanh hồi phục cơ thể

Bà Marie cũng tin rằng khiêu vũ có thể kích thích hoạt động của não bộ.

Lớp học hàng tuần của bà bao gồm 22 điệu nhảy theo trình tự, mỗi điệu có đến 36 bước nhảy.

Một số học sinh của bà thậm chí đã hơn chín mươi tuổi và vẫn đang say mê khiêu vũ.

"Bây giờ bạn phải nghĩ xem là đoạn nào bên trái, bên phải, rồi di chuyển phải, trái.”

“Chắc chắn là hoạt động này khiến bộ nhớ làm phải việc, để biết là điệu này di chuyển thế nào,” bà D'Alton nói.

Tiến sĩ Dafna Merom cho hay nghiên cứu của bà cho thấy các phong cách khiêu vũ cụ thể có thể giải quyết một số mối quan ngại về thể chất ở người lớn tuổi.

"Phụ nữ bị loãng xương, và khi họ nhảy điệu tập thể 4 cặp cùng khiêu vũ thì nó đòi hỏi họ phải bật nhảy và ngồi xổm xuống nhiều lần.”

“Từ đó mà xương khớp của họ sẽ được cải thiện, nó cũng tương tự như cách mà phụ nữ vẫn tập thể dục để cải thiện xương khớp.”

“Ví dụ như điệu Tango, nó giúp rất nhiều cho những người bị bệnh Parkinson," bà Merom nói.

Đặc biệt, bà Marie D'Alton đã có thể trở lại sàn nhảy ngay sau khi phẫu thuật.

Bà tin rằng nó điều đó có liên quan đến cơ bắp ở chân khỏe mạnh có được sau nhiều năm khiêu vũ.

"Khiêu vũ giúp cơ thể di chuyển liên tục. Tôi đã từng phải phẫu thuật thay thế 2 xương hông.”

“Thế mà bác sĩ nói với tôi, là việc tôi khiêu vũ đã có thể giúp tôi nhanh chóng đứng dậy được trên đôi nạng gỗ ngay sau hôm phẫu thuật, thậm chí tôi không cần đến thiết bị hỗ trợ đi bộ nữa,” bà D'Alton nói.

Ngày nay, thế giới của chúng ta đang thay đổi, sự gia tăng của các thiết bị số và phương tiện truyền thông xã hội ít nhiều hạn chế các hoạt động giao tiếp của con người, thế nhưng bà Marie tin rằng khiêu vũ chính là cách tốt nhất để kết nối và cảm thấy sự tồn tại thật sự.

“Tình bạn là thứ mà giờ đây ít ỏi và mong manh. Khi họ về già, họ cần có bạn bè đồng hành.”

“Không có gì tệ hại bằng việc chỉ ngồi dán mắt vào chiếc TV suốt cả ngày để xem những chương trình ngớ ngẩn chán ngắt.”

“Điều đó đâu có tốt cho người cao niên. Nó làm mụ mẫn con người họ đi.”

“Tất cả cơ bắp trở nên xơ cứng và cả tâm trí họ cũng vậy, nó bị giam hãm trong những thứ mà họ nhìn thấy mỗi ngày, và nó chẳng giúp ích được gì cho họ. Vì vậy, họ cần phải đứng lên và hòa mình với mọi người khác,” bà D'Alton nói.

Bà Marie cho rằng mọi người không bao giờ cần phải lo lắng rằng mình đã quá chậm hay không còn phù hợp tham gia một vũ điệu tập thể.

"Nếu bạn không đứng lên và cố gắng, bạn sẽ không bao giờ đứng dậy nữa.”

“Vì vậy hãy đứng lên và thử khiêu vũ, không có ai ở đây chỉ trỏ, chê bai gì chuyện bạn bước có đúng hay không, nhanh hay chậm.”

“Mọi người đều thấu hiểu hết vì họ đã từng trải qua giai đoạn đó mà," bà D'Alton nói.

Share