Hạ viện Mỹ bỏ phiếu lên án việc Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria

Donald Trump's letter to Turkish President Recep Tayyip Erdogan has attracted ridicule online.

US President Donald J Trump Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Những hậu quả từ việc Hoa Kỳ đột ngột rút quân khỏi Syria đang ngày càng trở nên trầm trọng. Một số quan chức hàng đầu của Mỹ hiện tới Thổ Nhĩ Kỳ để gặp tổng thống Recep Tayyip Erdogan, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn xung đột ở phía đông bắc Syria.


Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria hiện đã bước vào tuần thứ hai, sau khi Mỹ rút quân khỏi khu vực này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn bảo vệ quan điểm của mình, mặc cho những lời chỉ trích rằng ông đã bỏ rơi các chiến binh Kurd, những người đã sát cánh cùng Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống IS.

Ông Trump khẳng định Mỹ không liên quan đến chuyện này.

"Syria không muốn Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đất của mình, tôi có thể hiểu điều đó. Nhưng nó có liên quan gì đến Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cơ chứ, khi mà Thổ Nhĩ Kỳ đánh nhau trên lãnh thổ của Syria.
Liệu chúng ta có nên chống lại một thành viên NATO để giúp Syria giữ đất của mình, trong khi Syria không phải là đồng minh của chúng ta? Tôi không nghĩ vậy.
Mọi người đều ghét ISIS. Thế nhưng Đảng Công nhân Kurd (PKK), một tổ chức của người Kurd, có thể mang lại nhiều mối đe dọa khủng bố hơn cả ISIS."

Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh Mỹ không phải là một "nhân viên trị an".

"Chúng ta lẽ ra chỉ nên ở lại đó trong 30 ngày. Thế mà chúng ta đã ở lại đó 10 năm. Đã đến lúc chúng ta trở về nhà. Chúng ta không phải là một nhân viên trị an, và đã đến lúc chúng ta trở về nhà.

"Thế nhưng chúng tôi hiện làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đang nói chuyện với mọi người trong khu vực, bất cứ điều gì chúng tôi có thể làm để đem lại sự ổn định. Hoặc duy trì sự ổn định càng nhiều càng tốt, bởi vì nó sẽ chẳng bao giờ trở nên hoàn toàn ổn định cả."
Hạ viện Hoa Kỳ đã lên án quan điểm này. Các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa đã thông qua một nghị quyết lên án việc Mỹ rút quân, trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo 354-60.

Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Steny Hoyer nói rằng nghị quyết này gửi một thông điệp quan trọng đến tổng thống Trump.

"Điều này rất quan trọng, thưa ngài Chủ tịch, Hạ viện cần phải nói rõ với thế giới rằng người dân Mỹ không ủng hộ hành động liều lĩnh của Tổng thống Trump," ông nói.
Chúng ta cần phải lên án sự xâm nhập của Thổ Nhĩ Kỳ với sự đồng thuận của lưỡng đảng. Và đó là những gì nghị quyết này sẽ làm.
Nghị quyết chung cũng kêu gọi Tòa Bạch Ốc trình bày kế hoạch đánh bại IS.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi kể rằng cuộc họp với Tổng thống Donald Trump đã bị rút ngắn sau khi Tổng thống tỏ ra "hoảng loạn".

"Tôi nghĩ rằng quy mô của cuộc bỏ phiếu đã tác động đến Tổng thống - đa số các thành viên đảng Cộng hòa đều bỏ phiếu chống lại hành động của ông," bà nói.

"Ông ấy đã hoàn toàn run rẩy. Đó là lý do vì sao chúng tôi không thể tiếp tục cuộc họp, bởi vì ông ấy không dám đối diện với sự thật này."

Một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Trump, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, nói rằng ông không thể ủng hộ quyết định rút quân, vì điều này sẽ khiến IS hồi sinh.

"Theo quan điểm của tôi, vấn đề của chúng ta là việc bỏ rơi người Kurd. Họ sẽ không được an toàn. Iran sẽ tiến vào Syria. Họ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ tuyên bố này. ISIS sẽ hồi sinh. Tổng thống Trump cần phải cẩn thận. Nếu ông ta tiếp tục suy nghĩ theo lối này, thì Syria sẽ trở thành Iraq.
Quý vị biết đấy, tôi đã từng cầu xin Tổng thống Obama: 'Hãy lắng nghe các viên chỉ hủy, ông sẽ mở cánh cửa địa ngục nếu rời khỏi Iraq'.
Quyết định của Tổng thống Trump sẽ dẫn đến hậu quả tồi tệ như vậy, thậm chí tệ hơn, bởi vì điều xấu nhất đối với chúng ta là ISIS quay trở lại và khiến người dân ở đây trở nên cực đoan. Điều đó chắc chắn sẽ xảy ra nếu bọn chúng hồi sinh."

Một mình chống chọi với cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd đã thành lập liên minh với chính phủ Syria, vốn được Nga và Iran hậu thuẫn.

Các lực lượng của chính phủ Syria hiện quay trở lại khu vực phía bắc mà họ đã bỏ rơi trong cuộc nội chiến kéo dài 8 năm.

Hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc SDF phải rút khỏi một số trại giam giữ các chiến binh IS, và một số vụ vượt ngục đã xảy ra.

Thượng nghị sĩ Graham lo ngại những phát biểu mới nhất của ông Trump sẽ gây ảnh hưởng đến phái bộ Hoa Kỳ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

"Tổng thống Trump đã yêu cầu Tổng thống Erdogan không làm điều này. Vậy mà ông ấy vẫn làm. Tuyên bố rằng đây không phải là chuyện của Mỹ gửi đi một thông điệp trái chiều. Làm thế nào hai ông Pompeo và Pence có thể chấm dứt cuộc chiến này với suy nghĩ như vậy? Tôi hy vọng Tổng thống sẽ xem xét lại."

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đồng ý gặp mặt phái bộ Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng ông và Phó Tổng thống Mike Pence sẽ thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ngừng chiến dịch tấn công.

"Chúng tôi cần phải nói chuyện trực tiếp với ông ấy. Tổng thống cho rằng các viên chức cao nhất của chính quyền Hoa Kỳ cần phải nói chuyện trực tiếp với ông ấy," ông nói.

"Ông ấy cần phải ngừng lại, ông ấy cần phải ngừng xâm nhập Syria. Đây là một vấn đề phức tạp với sự tham gia của nhiều nước và nhiều tổ chức. Và chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm một giải pháp."

Hơn một tuần sau khi cuộc chiến nổ ra, hàng chục thường dân đã thiệt mạng, chủ yếu là người Kurd. Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 160.000 người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa.

Thêm thông tin và cập nhật Like 
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share