Thỏa thuận Vành đai và Con đường giữa tiểu bang Victoria và TQ có thể sẽ sớm bị hủy bỏ

Foreign minister Marise Payne

Foreign minister Marise Payne Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Ngoại trưởng Úc giờ đây sẽ có quyền hạn để hủy bỏ hoặc ngăn chặn các thỏa thuận do các chính phủ tiểu bang, vùng lãnh thổ, các trường đại học công ký kết với các chính phủ nước ngoài. Thỏa thuận Vành đai và Con đường của chính phủ tiểu bang Victoria với Trung Quốc có thể sẽ bị phủ quyết trong vòng ít tháng tới, trong khi khoảng 130 thỏa thuận khác nhau dự kiến sẽ được rà soát lại.


Trong tuần nhóm họp cuối cùng của năm 2020, chính phủ liên bang đang cố gắng thông qua 20 dự luật.

Chính phủ đã thành công với dự luật quan hệ ngoại giao mới, cho phép ngoại trưởng quyền phủ quyết đối với bất cứ thỏa thuận nào ký kết với các chính phủ nước ngoài, nếu như những thỏa thuận đó được cho là “có tác động ngược lại lên các mối quan hệ ngoại giao của Úc” hoặc “không đồng nhất với chính sách ngoại giao của Úc”.

Dự luật này được Thượng viện thông qua vào ngày 8/12, sau khi thượng nghị sỹ trung lập Jacqui Lambie thay đổi phiếu bầu của mình.

Dưới bộ luật này, khoảng 130 thỏa thuận mà các chính phủ tiểu bang và vùng lãnh thổ, các hội đồng địa phương và trường đại học công thực hiện, sẽ được rà soát lại.

Thỏa thuận Vành đai và Con đường giữa chính phủ Victoria và Trung Quốc có thể sẽ trở thành một trong những thỏa thuận bị hủy bỏ.

Ngoại trưởng Marise Payne nói rằng dự luật này là cần thiết để bảo vệ các mối quan hệ ngoại giao của Úc.

“Phạm vi của dự luật và mức độ nghĩa vụ của pháp nhân được đề cập trong dự luật đã được cân chỉnh một cách cẩn thận, tương ứng với mức rủi ro liên quan đến các thỏa thuận nước ngoài mà họ có thể thực hiện."
Tôi tin rằng, điều quan trọng là dự luật này đưa ra một khuôn khổ giúp cân bằng trách nhiệm giải trình, tính kịp thời của các quyết định, các thủ tục hành chính và khuôn khổ luật định.
Bà Payne cho hay có nhiều biện pháp để bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, bao gồm yêu cầu ngoại trưởng phải báo cáo lên Quốc hội về những quyết định được đưa ra dưới bộ luật này.

Một đội nhiệm vụ mới hiện đang được thiết lập, trực thuộc Bộ Ngoại giao và thương mại, để thực thi bộ luật mới.

Thượng nghị sỹ độc lập Rex Patrick đề xuất một sự thay đổi trong dự luật, yêu cầu các quyết định của ngoại trưởng phải được tư pháp xem xét, thế nhưng đề xuất trên không nhận được sự ủng hộ đa số.

“Nó chỉ đơn giản là để xem khi một quyết định được đưa ra, có phải mọi thứ đúng đắn đã được thực hiện hay không? Liệu đó có phải là người phù hợp? Liệu họ có ít nhất một số bằng chứng trước khi họ đưa ra quyết định hay không?”

Phát ngôn nhân đối ngoại của Lao động, Thượng nghị sỹ Penny Wong nói rằng, Lao động ủng hộ mục tiêu bảo đảm sự đồng nhất trong chính sách đối ngoại của Úc, tuy nhiên cho rằng quy trình tham vấn để đưa đến quyết định cuối cùng đã được thực hiện một cách vội vã.
Tổng trưởng không tham vấn với phe đối lập. Tôi nghĩ rằng tổng trưởng trong danh mục này cần phải có sự trưởng thành về chính trị để làm việc với đảng còn lại trong chính phủ, khi mà vấn đề liên quan đến những bộ luật kiểu như thế này.
"Và tôi cảm thấy thất vọng khi vị tổng trưởng liên tục từ chối làm điều đó.”, Thượng nghị sỹ Wong nói.

Thượng nghị sỹ Đảng Xanh Janet Rice nói rằng dự luật này đơn giản là một “bộ luật tồi tệ”.

“Về căn bản, rõ ràng cách tiếp cận mà chính phủ đã áp dụng là một công cụ được thiết kế để cắt đứt mọi con đường kháng cáo pháp lý. Và như vậy, nó trao quá nhiều quyền lực cho Tổng trưởng. Nó loại bỏ các đánh giá và sự cân bằng mà đáng ra nên có trong một bộ luật sâu rộng như vậy.”

Dự luật được thông qua trong bối cảnh mối quan hệ chính trị và thương mại giữa Úc và Trung Quốc đang tụt dốc mạnh mẽ.

Trung Quốc đã tung ra một loạt cú tấn công lên các mặt hàng xuất khẩu của Úc, bao gồm lúa mạch, bông, thịt bò, hải sản, đường, gỗ và than đá.

Nhà xuất khẩu Meramist Pty Ltd có trụ sở ở Queensland mới đây đã trở thành nhà cung cấp thịt bò thứ sáu của Úc bị ngưng giấy phép nhập khẩu ở Trung Quốc, mà không có lý do nào được đưa ra.

Trong khi đó, một giới chức cấp cao của Trung Quốc đã đăng tải lên twitter một hình ảnh bịa đặt mô tả một người lính Úc kè dao vào cổ họng một em bé ở Afghanistan. Thủ tướng Scott Morrison đã lên án hành động này, yêu cầu một lời xin lỗi, nhưng đáp lại là sự từ chối của phía TQ.

Dân biểu đảng Quốc gia Matt Canavan nói rằng nước Úc cần phải bảo vệ sự độc lập và chủ quyền của mình, thậm chí kể ca khi điều đó khiến mối quan hệ với TQ tạm thời đi xuống.

“Tôi sẽ không cố gằng làm nhẹ vấn đề và nói rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn trong ít tháng tới. Tình hình không hề tốt đẹp ngày lúc này. Và thực sự, cách phản ứng duy nhất mà chúng ta có thể làm, đó là tìm những người bạn khác để xây dựng các mối quan hệ khác. Chúng ta đã làm việc đó rồi, với các thỏa thuận thương mại đã ký kết, chúng ta đang hướng đến Ấn Độ. Nhưng rõ ràng nên có các nỗ lực mới để thúc đẩy việc này."
Những việc đó sẽ dẫn đến một số tổn thất cho chúng ta, nếu như mối quan hệ với TQ tiếp tục đi xuống. Nhưng cho dù thế nào đi nữa, chúng ta sẽ vẫn là một quốc gia vững chãi, mạnh mẽ và giàu có, tôi rất tự tin về điều đó.
Một vấn đề khác cũng được tranh cãi ở Quốc hội trong hôm 8/12 đó là dự luật cho phép chính phủ kiểm soát chi tiêu của một số người nhận trợ cấp.

Theo dự luật được đề xuất, 80% tổng khoản trợ cấp của một người sẽ được chuyển vào một thẻ thanh toán, trong đó cấm việc mua rượu bia, đồ chơi game hay rút tiền mặt.

Chính phủ cho tới nay đã chi 80 triệu đô la triển khai thử nghiệm chương trình thẻ ghi nợ không dùng tiền mặt tại một số điểm trên toàn quốc, bao gồm vùng nông thôn Nam Úc, Tây Úc, và Queensland. Mục tiêu là nhằm giảm thiểu các vấn đề lạm dụng rượu bia, chất gây nghiện, đặc biệt là tại các cộng đồng người Úc bản địa.

Thượng nghị sỹ Lao động Katy Gallagher nói rằng không có lý do gì mà chính phủ phải tìm cách hối thúc thông qua dự luật này quá vội vàng.

“Các vị chưa xuất bản nghiên cứu đánh giá chính sách của trường đại học Adelaide, cái mà chính phủ đã ủy quyền thực hiện. Điều đó khiến chúng tôi nghi ngờ về những gì mà bản báo cáo đưa ra, và tại sao chính phủ kiên quyết rằng việc này được giải quyết trong tuần này, mà không có sự đóng góp của bản báo cáo. Bản đề xuất này là phân biệt chủng tộc. Như đã được hiểu một cách rộng rãi, thông qua nhiều diễn đàn nơi mà việc này được tìm hiểu, khoảng 68% những người bị tác động bởi dự luật này là người Úc Bản địa.”

Lãnh đạo Đảng Một quốc gia Pauline Hanson nói rằng bà ủng hộ dự luật của chính phủ liên bang, mô tả đề xuất này như là “tình yêu nghiêm khắc”.
Chúng ta cần phải hiểu rằng rất nhiều người bị trói buộc trong nghiện ngập cờ bạc, rượu chè và ma túy. Đó cũng là một vấn đề lớn.
"Nếu như chương trình này đang giúp đỡ những người đó, nếu như nó đang giúp cứu sống một ít mạng người trong các cộng đồng này, chắc chắn là việc đó nên được cân nhắc.”

Lá phiếu quyết định đối với dự luật này dự kiến sẽ đến từ Thượng nghị sỹ độc lập Rex Patrick.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share