Thêm nhiều nước thi hành việc kiểm tra coronavirus trước khi lên phi cơ

A pre flight coronavirus test underway at Haneda International Airport in Tokyo

A pre flight coronavirus test underway at Haneda International Airport in Tokyo Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Có thêm nhiều quốc gia đi theo đường lối của nước Úc qua việc hành khách phải xét nghiệm coronavirus trước khi đáp phi cơ, do các quan ngại ngày càng gia tăng về việc lây lan loại virus biến thể COVID-19. Trong khi đó, Hoa Kỳ mở rộng việc chủng ngừa đến các nhóm dễ gặp nguy hiểm nhất.


Việc lây lan nhanh chóng của các biến thể coronavirus trên khắp thế giới, khiến các nước rất cẩn trọng với những giới hạn đi lại thêm nữa.

Hoa Kỳ, Ái Nhỉ Lan và Tân Tây Lan cùng với nước Úc, đều thi hành việc thử nghiệm coronavirus cho mọi người trước chuyến bay.

Du khách nay phải xuất trình kết quả âm tính
coronavirus trong vòng 3 ngày, trước khi lên phi cơ.

Còn Nga và Tây Ban Nha loan báo việc nới rộng thêm 2 tuần lễ, trong việc cấm các chuyến bay từ Anh quốc đến, sau khi có thêm các trường hợp của loại virus biến thể có tên là B117, đầu tiên được phát hiện tại nước Anh, đã được ghi nhận.

Tổng Giám Đốc WHO, ông Tedros Ghebreyesus thúc giục các nước hãy gia tăng việc theo dõi gen, để ghi nhận sự đột biến của virus.

Ông cho biết, đặc biệt quan ngại về loại biến thể mới được phát hiện tại Nhật Bản, trong số 4 du khách đến từ Brazil.

“Điều quan trọng nhất là chúng tôi đã theo dõi virus một cách khá hữu hiệu, vì vậy chúng tôi biết nó thay đổi như thế nào và làm cách nào để phản ứng lại".

"Chẳng hạn như, trong khi việc chẩn đoán và vắc xin vẫn tỏ ra hữu hiệu chống lại virus hiện nay, thì chúng tôi cần theo dõi sự biến thể của chúng trong tương lai”, Tedros Ghebreyesus.

Trong khi đó, Thủ Tướng Hy Lạp là ông Kyriakos Mitsotakis, thúc giục Liên Âu hãy chấp nhận điều mà ông gọi là, một giấy chứng nhận chủng ngừa ‘đúng tiêu chuẩn’, để cho phép mọi người có thể đi lại giữa các quốc gia hội viên trong năm nay.

Trong lá thư gởi đến người đứng đầu Hội đồng Âu Châu, bà Ursula von der Leyen, ông nói rằng văn kiện nầy sẽ chứng minh, một người đã chủng ngừa thành công.

Trong khi đó, sự gia tăng các trường hợp tại Anh quốc, khiến cho nhà cầm quyền đình hoãn việc hoàn thành mũi chích thứ hai của vắc xin, để cho phép có nhiều người được tiêm mũi thứ nhất.

Thời gian giữa hai lần chích hiện được nới rộng, từ 3 hay 4 tuần lễ cho đến 12 tuần.

Cho đến nay có 2,3 triệu người dân Anh đã nhận được mũi chủng ngừa thứ nhất, với mục tiêu đạt được là 15 triệu người được chủng, vào giữa tháng 2.

Thế nhưng khoa học gia về phân tử là ông Lawrence Young, thuộc đại học y khoa Warwick nói rằng, vấn đề nới rộng thời gian giữa hai lần tiêm chủng, có thể làm ảnh hưởng đến tính cách hữu hiệu của vắc xin.

“Tôi rất quan ngại khi xem xét các dữ kiện chi tiết của Pfizer-BioNTech, rõ ràng rằng liều chích thứ hai của vắc xin được chích 21 ngày sau mũi thứ nhất, là rất quan trọng trong việc nhận được phản ứng mạnh mẽ của các kháng thể".

"Vì vậy mối quan ngại của tôi là, chúng ta không biết một khoảng cách thời gian dài hơn, bởi vì các vắc xin nầy thuộc về kỹ thuật rất mới mẻ”, Lawrence Young.

Trong khi đó, chính phủ Anh quốc hiện chịu nhiều áp lực để loan báo các biện pháp thêm nữa, như bắt buộc mang khẩu trang ở ngoài trời hầu giới hạn việc lây nhiễm của COVID-19, khi quốc gia nầy hồi tuần qua ghi nhận các ca nhiễm và những trường hợp tử vong hàng ngày tệ hại nhất, kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Ông Martin Hewitt, chủ tịch của Hội đồng Các Cảnh sát Trưởng Toàn quốc ở Anh nói rằng, mục tiêu lớn lao là thực thi các luật lệ về COVID-19, để giới hạn việc lây lan của virus.

“Trên khắp lãnh thổ Anh quốc, chúng tôi đã biên phạt gần 45 ngàn vụ và với chuyện nầy, tôi không đưa ra lời xin lỗi".

"Rõ ràng là nay chúng ta ở vào giai đoạn nguy hiểm nhất của đại dịch".

"Hiện có mối nguy hiểm thực sự là hệ thống y tế của chúng ta có thể bị tràn ngập và mọi người có thể tử vong vì con virus nầy".

"Vì vậy chúng ta phải ra sức ngăn chận, trước khi mọi chuyện xảy ra”, Martin Hewitt.

Trong khi đó, Thủ Tướng Anh Boris Johnson cũng chịu nhiều chỉ trích trong việc tuân thủ luật lệ, khi có tin cho biết ông nầy cưỡi xe đạp nhằm mục đích thể dục, ở một nơi cách dinh Thủ Tướng 11 kí lô mét.

Được biết Anh quốc hiện ở trong tình trạng phong tỏa lần thứ ba, khi các bệnh viện tại đây chữa trị đến hơn 55 phần trăm các trường hợp COVID-19, so với cao điểm của đại dịch hồi tháng 4 năm rồi.

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, các viên chức trong chính phủ Trump đã hạ thấp tuổi được chủng ngừa xuống 65 và những người trẻ tuổi hơn có các vấn đề về sức khoẻ cũng được tiêm chủng.

Vắc xin hiện được phân phối nhanh chóng hơn, gần gấp đôi mức cung cấp, để cho phép việc chủng liều thứ hai.

Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm là tiến sĩ Graham Snyder, thuộc Trung tâm Y khoa Pittsburgh cho biết, đó là việc thay đổi chính sách đáng kể.

“Câu hỏi tiếp theo là, đường lối nào tốt nhất để bảo vệ cho những người dễ gặp nguy hiểm, họ thuộc nhóm những người cao niên, thì liệu có tốt hơn khi chích vắc xin trực tiếp cho họ, hay tốt hơn trao vắc xin cho những chăm sóc, để tránh khỏi bị phơi nhiễm?.

"Đó không phải là câu hỏi mà chúng ta có thể trả lời một cách dễ dàng, thế nhưng với sự thay đổi nầy theo chính sách của chính phủ liên bang, rõ ràng là họ chọn cách ưu tiên chích vắc xin cho những người dễ gặp nguy hiểm”, Graham Snyder.

Trong khi đó, chương trình chủng ngừa thành công của Israel, đã gặp nhiều chỉ trích.

Chính phủ bênh vực cho việc giao dịch với Pfizer, để có 10 triệu vắc xin.

Số thuốc cung cấp cho phép nước nầy, chủng cho khoảng 20 phần trăm dân số.

Bộ Y Tế Israel nói rằng, thỏa thuận nói trên liên quan đến việc chia sẻ các dữ kiện đến Pfizer và WHO về độ tuổi, phái tính và tiền sử y khoa của những người nhận được chủng ngừa, cũng như phản ứng phụ và tính cách hữu hiệu.

Israel cũng bị các nhóm tranh đấu cho nhân quyền chỉ trích, vì không cung cấp vắc xin cho người dân Palestine ở vùng Tây Ngạn và dải Gaza, với tổng số hơn 145 ngàn người.

Tiến sĩ Nadav Davidovitch, người đứng đầu y khoa tại đại học Ben Gurion và cũng là cố vấn cho chính phủ về chính sách coronavirus, cho biết việc thiếu minh bạch trong các thỏa thuận, là khó khăn chính yếu.

“Tôi nghĩ Israel có một trách nhiệm đạo đức để người Palestine có được vắc xin, đó cũng là quyền lợi do chúng ta hiện tranh đấu trong cùng hoàn cảnh và chúng ta không muốn nhận các trường hợp nhiễm bệnh mới từ Nhà cầm quyền Palestine".

"Vì vậy nói chung, vấn đề riêng tư rất quan trọng, thế nhưng tôi nghĩ nó phản ảnh nhiều hơn về vấn đề riêng tư, là không may nó là một phần của các thỏa thuận nầy".

"Trong dài hạn, tôi nghiêng về vấn đề công lý xã hội và mong đợi các nhóm dễ gặp nguy hiểm nên nhận được thuốc chủng”, Nadav Davidovitch.
"Tình trạng khẩn cấp do Quốc Vương công bố không phải là một cuộc đảo chính quân sự, nên lệnh giới nghiêm không được ban hành”, Muhyiddin Yassin.
Trong khi đó, Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu hiện vận động cho việc chủng ngừa trước cuộc bầu cử vào tháng 3 sắp tới.

Tại những nơi khác ở Âu Châu, các cột mốc đau buồn đã được ghi nhận.

Một trong các nước bị đại dịch tác động nặng nề nhất là Bỉ, với dân số khoảng 11 triệu rưỡi người, trung bình mỗi ngày có trường hợp nhiễm bệnh trong tuần, với mức gia tăng là 27 phần trăm trong 7 ngày qua.

Phát ngôn nhân tại Trung tâm Khẩn cấp COVID-19 là ông Yves Van Laethem nói rằng, số tử vong do coronavirus hiện đã phá kỷ lục.

“Nếu chúng ta so sánh số tử vong trong đợt đầu tiên và đợt thứ hai, chúng ta có thể thấy có 52 phần trăm cái chết xảy ra trong đợt hai, và 48 phần trăm trong đợt 1".

"Việc nầy khiến chúng ta vô cùng thương xót, khi tổng cộng có 20 ngàn người chết, do đại dịch COVID-19".

"Vì vậy năm 2020 là năm nước Bỉ có số tử vong cao nhất chưa từng có trước đây, kể từ khi dịch cúm Tây Ban Nha và kết thúc Thế Chiến 1 hồi năm 1918”, Yves Van Laethem.

Trong khi đó, số tử vong cao cũng được nhận thấy tại thành phố lớn thứ hai ở Hy Lạp, đó là Thessaloniki.

Trong nhiều tuần lễ qua, thành phố nầy ghi nhận mức nhiễm bệnh hàng ngày cao hơn thủ đô Athens, mặc dù dân số tại đây chỉ bằng 1 phần 4 mà thôi.

Các nạn nhân coronavirus hiện được chôn cất tại các khu vực riêng biệt ở nghĩa trang, với thi hài chỉ được chôn trong 10 năm.

Bà Chrysanthi Botsari 69 tuổi, có người chồng 75 tuổi qua đời vì coronavirus, ông nầy chết một mình trong bệnh viện.

Bà cho biết quả là đau đớn, khi ông nầy được mang đi chôn cất mà người thân không được tham dự.

“Chúng ta đều thấy những nấm mộ đó, từ lúc chúng chỉ mới đào được phân nửa, rồi họ tiếp tục đào nữa, chúng tôi thấy các huyệt trống khi họ chôn cất các thi hài vào".

"Họ chẳng cho tôi biết ông chồng tôi sẽ được chôn ở nơi nào, mà chỉ nói rằng ông không thể ở trong nghĩa trang với những người khác, do ông chết vì coronavirus".

"Việc nầy đối với tôi là không thể chấp nhận được, vô nhân đạo và những người nầy chết cô đơn mà không có người thân hay biết”, Chrysanthi Botsari.

Trong khi đó, lần đầu tiên trong hơn 50 năm qua, Mã Lai tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc, vốn kéo dài đến ngày 1 tháng 8.

Theo tuyên bố nầy, Quốc Hội sẽ đình hoãn các phiên họp trong 6 tháng,

Quốc Vương của Mã Lai đã gây ngạc nhiên, khi loan báo tin tức trên theo yêu cầu của Thủ Tướng, do ông nầy chỉ một ngày trước đó đã loan báo 2 tuần lễ phong tỏa tại nhiều nơi trên đất nước nầy.

Thủ Tướng Muhyiddin Yassin bác bỏ các chỉ trích cho rằng, hành động đó là của một chính phủ không ổn định tìm cách nắm giữ quyền hành.

“Tôi xin bảo đảm với quí vị rằng, chính quyền dân sự sẽ tiếp tục công việc".

"Tình trạng khẩn cấp do Quốc Vương công bố không phải là một cuộc đảo chính quân sự, nên lệnh giới nghiêm không được ban hành”, Muhyiddin Yassin.

Quí vị có thể cập nhật tin tức về coronavirus bằng tiếng Việt tại sbs.com.au/coronavirus.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share