Tạp chí Khoa học (52) Có phải loài người hiện đại đã ngừng tiến hoá?

There's evidence for ongoing human evolution.

There's evidence for ongoing human evolution. Source: Getty Images

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Trái với quan niệm phổ thông là loài người hiện đại đã ngừng tiến hoá, nhiều nhà khoa học tin rằng sự tiến hoá vẫn xảy ra, dù khó nhận biết hơn. Vậy điều này có ý nghĩa gì đối với tương lai của nhân loại?


Vào năm 2013, nhà tự nhiên học David Attenborough từng gợi ý rằng quá trình chọn lọc tự nhiên đã ngừng lại.

Ông lập luận rằng sự phát triển của y học hiện đại đã giúp cứu sống nhiều người khỏi những căn bệnh hoặc biến đổi bất thường về di truyền, khiến cho gen của họ được truyền lại cho con cháu và kìm hãm sự chọn lọc tự nhiên.

Do đó, nhân loại trong tương lai sẽ có ngoại hình gần như không thay đổi so với loài người hiện nay.

Tuy nhiên, theo các nhà di truyền học, loài Homo sapiens vẫn đang tiến hoá, cũng giống như các loài thảo mộc và động vật khác, nhằm ứng phó với những áp lực từ biến đổi khí hậu.

Bằng chứng về sự tiến hoá không ngừng của loài người

Tibetan people with faces painted in the Tibetan flag colours.
Tibetan people with faces painted in the Tibetan flag colours. Source: AAP
Nhà khoa học Michio Kaku khẳng định loài người vẫn đang tiến hoá, mặc dù không rõ rệt.

“Sự tiến hoá vẫn đang tiếp diễn. Nó diễn ra mỗi khi hai người giao phối với nhau, nó diễn ra bên trong cơ thể chúng ta, trong hệ thống miễn dịch của chúng ta, trong các hoá chất bên trong cơ thể,” ông nói trên chương trình của đài ABC.

Ông Laurence Hurst, Giám đốc Trung tâm Tiến hóa Milner thuộc Đại học Bath, cho biết có rất nhiều ví dụ gần đây về sự thay đổi của con người, liên quan đến sự cô lập và khác biệt về địa lý.

DNA của con người thể hiện sự thích nghi với cuộc sống trong môi trường dưỡng khí thấp như cao nguyên Thanh Tạng hoặc cao nguyên Ethiopia – mặc dù nghiên cứu gần đây cho thấy, sự thích nghi này có thể đã diễn ra trong suốt hàng chục ngàn năm qua.

“Và ở khu vực Châu Phi cận Saraha, chúng ta có những bằng chứng gần đây cho thấy một số người có khả năng chống lại bệnh sốt rét,” ông nói thêm.

Bộ tộc “người cá” ở Indonesia

A Bajau diver with wooden mask
A Bajau diver with wooden mask Source: M Ilardo
Nhà di truyền học tiến hoá Melissa Ilardo thuộc Đại học California, Berkley nghiên cứu về bộ tộc người Bajau ở Indonesia, nổi tiếng với khả năng bơi lặn như người cá.

Sau hàng ngàn năm sống trên biển, người Bajau đã học được kỹ thuật lặn vượt trội, đồng thời có thể lặn 13 phút liên tục mà không cần bình dưỡng khí.

Tiến sĩ Ilardo cho biết người Bajau có lá lách to hơn 50% người bình thường.

“Lá lách là một cơ quan nội tạng kỳ lạ,” bà nói.

“Khi bạn lặn và nín thở, phản xạ lặn của động vật hữu nhũ khiến cho lá lách của bạn co lại. Điều này rất quan trọng, bởi vì lá lách giữ các tế bào hồng cầu có chứa oxy.

“Khi nó co lại, nó sẽ đẩy các tế bào hồng cầu vào hệ thống và cung cấp dưỡng khí cho bạn.

“Vì vậy, thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên diễn ra sau hàng ngàn năm, những người có lá lách lớn hơn sẽ ít có khả năng chết trong khi lặn, bởi vì việc lặn mà không có bình dưỡng khí là khá nguy hiểm.”

Ngược lại, các bộ tộc lân cận có truyền thống nông nghiệp lâu đời, lại không có lá lách to như người Bajau.

Mặc dù những thay đổi trong DNA diễn ra ở bộ tộc Bajau xảy ra sau hàng ngàn năm, Giáo sư Hurst nói có nhiều bằng chứng cho thấy nó có thể diễn ra trong thời gian ngắn hơn.

Liệu sự tiến hoá có thể theo kịp với biến đổi khí hậu?

Polar bear standing upright on pack ice in the Arctic ocean on the North Pole.
Polar bear standing upright on pack ice in the Arctic ocean on the North Pole. Source: Getty Images
Sự tiến hóa nhanh chóng đã được ghi nhận ở một số loài thực vật và cá.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học New South Wales đã ghi nhận các biến đổi hình thái quan trọng trong DNA của loài hoa cúc bãi biển Nam Phi, được đưa vào Úc trong thập niên 30.

Nhà nghiên cứu Claire Brandenburger nói rằng những phát hiện như vậy giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá trình tiến hóa.

“Chúng tôi nhận thấy sự tiến hóa nhanh chóng diễn ra phổ biến hơn nhiều so với quan niệm trước đây,” bà nói.

“Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy quá trình tiến hóa có thể xảy ra trong 10 đến 100 năm. Đây là một tia hy vọng cho các loài thực vật khi đối mặt với biến đổi khí hậu.”

Tuy nhiên, ông Luciano Beheregaray, giáo sư về đa dạng sinh học thuộc Đại học Flinders, lại tỏ ra kém lạc quan hơn.

“Biến đổi khí hậu đang diễn ra rất nhanh ở các đại dương trên thế giới,” ông nói.

“Trên thực tế, một số loài hải tộc đang di chuyển nơi sinh sống, bởi vì nhiệt độ của nhiều vùng nước đang tăng nhanh hơn nhiều so với nhiệt độ trung bình trên đất liền.

“Một số loài có thể thích nghi, nhưng bằng chứng tại thời điểm này cho thấy sự thay đổi nhiệt độ do ảnh hưởng của con người đang diễn ra quá nhanh.”

Ông Tim O'Hara thuộc tổ chức Museums Victoria cũng có mối lo ngại tương tự.

“Biến đổi khí hậu không thể tận diệt sự sống. Bằng một cách nào đó, một số loài vẫn có thể thích nghi,” ông nói.

“Nhưng để phục hồi sự đa dạng sinh học đã từng tồn tại trên hành tinh này sẽ mất hàng chục triệu năm.”

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share