Sức khỏe là Vàng: Hội chứng Fetal Alcohol Spectrum Disorder

pexels-wildlittlethingsphoto-696215.jpg

Phụ nữ mang thai uống bia rượu có thể dẫn đến hội chứng rối loạn phát triển ở thai nhi. Source: Pixabay

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Người mẹ uống bia rượu ở bất cứ thời điểm nào của thai kỳ đều có thể gây rối loạn phát triển của thai nhi cũng như ảnh hưởng đến suốt quá trình sinh trưởng của con sau này. Điều cần thiết là trẻ được chẩn đoán sớm và hỗ trợ trong môi trường phù hợp.


Hội chứng Fetal Alcohol Spectrum Disorder (FASD) - Rối Loạn Thai Nhi vì Ảnh Hưởng Rượu là một nhóm các vấn đề có thể xảy ra cho thai nhi khi người mẹ uống bia rượu. Các ảnh hưởng có thể kéo dài suốt đời, bao gồm các vấn đề về thể chất, tâm trí, hành vi, và việc học tập.

Uống bao nhiêu rượu bia có thể gây ra FASD?

Khi uống rượu trong thời gian mang thai, rượu trong máu của người mẹ đi vào thai nhi qua dây nhau. Vì vậy, không có số lượng hoặc loại bia rượu nào là an toàn để uống trong thời gian mang thai. Tất cả các loại rượu, kể cả rượu nho và bia, đều có thể gây hại suốt đời cho thai nhi.

Uống rượu trong thời gian cho con bú có gây ra FASD không?

Uống bia rượu trong thời gian cho con bú hoặc vắt sữa mẹ để cho bú bằng bình không gây ra FASD. Nhưng trẻ có thể tiếp xúc với một lượng nhỏ bia rượu ngấm vào sữa mẹ.
Vì vậy, tốt nhất là người mẹ tránh uống bia rượu nếu đang cho con bú.
Khi người mẹ uống bia rượu có thể ảnh hưởng đến thai nhi về vấn đề phát triển não bộ, tâm sinh lý, đôi khi có thể gây biến dạng thai nhi. Những ảnh hưởng này có thể kéo dài suốt đời của con... Mọi người cần nhận biết đây là vấn đề có thể tránh được.
Bác sĩ Brian Cung

Các triệu chứng của FASD

Nhiều triệu chứng của FASD không thể nhìn thấy lúc trẻ mới chào đời, nhưng sẽ trở nên dễ nhận thấy về sau này. Một số triệu chứng của FASD ở trẻ được ghi nhận như:
  • trí nhớ kém và khó tập trung chú ý;
  • quá hiếu động;
  • có vấn đề về hành vi và không tự chủ,
  • khả năng khéo léo phát triển chậm,
  • khả năng nói và ngôn ngữ phát triển chậm,
  • gặp khó khăn trong việc xét đoán và lý luận;
  • khuyết tật về tim, phổi, và thận;
  • các đặc điểm cấu trúc ở mặt không bình thường;
  • thân thể hoặc đầu nhỏ ở một số người.
Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa FASD

Bác sĩ gia đình có thể chẩn đoán dựa theo các triệu chứng của trẻ sau khi sinh ra, và có thể giới thiệu để trẻ được đánh giá bởi một đội ngũ được đào tạo chuyên môn để đưa ra các đề xuất về cách tốt nhất để hỗ trợ cho trẻ.

Chẩn đoán sớm và hỗ trợ trong môi trường phù hợp có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề trong tương lai như khó khăn ở trường học, sức khỏe tâm thần hoặc những lo ngại khác về sức khỏe.

Để phòng ngừa FASD, phụ nữ mang thai phải kiêng cữ rượu bia hoàn toàn.

Mời quý vị vào phần Audio hoặc xem Video để nghe Bác sĩ Brian Cung trình bày về hội chứng FASD.

Thông tin trong bài chỉ mang tính tổng quát. Quý vị hãy hỏi GP hoặc chuyên gia y tế để nhận được lời khuyên cụ thể cho bất cứ tình trạng sức khỏe nào của quý vị.




Share