Du học ở Úc (149) Bắt đầu cuộc sống du học sinh ở Úc như thế nào?

How to settle in to student life in Australia

How to settle in to student life in Australia Source: Pixabay

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tháng 7 có lẽ là một trong những thời điểm nhộn nhịp nhất của các chuyến bay từ Việt Nam sang Úc, mang theo rất nhiều những gương mặt du học sinh đang ấp ủ những hoài bão về con đường học thuật, về nghề nghiệp, về cuộc sống thú vị, nhiều màu sắc ở nước Úc.


Mỗi bạn sẽ có những hành trình riêng, đáng nhớ theo những cách rất khác nhau, nhưng, làm thế nào để có một khởi đầu suôn sẻ thì có một số lưu ý chung mà ai cũng có thể áp dụng được.

tổng hợp giúp bạn một hướng dẫn chi tiết về việc làm thế nào để ổn định cuộc sống và học tập tại Úc, đồng thời là những cách giúp bạn rèn luyện sự tự lập trong cuộc sống xa nhà, theo gợi ý của .

Kết bạn

Bắt đầu từ những người ở cùng nhà với mình, những người hàng xóm hoặc người cùng sinh hoạt trong các hội, nhóm nào đó. Bạn cũng nên để mắt tới Facebook và Instagram của cộng đồng sinh viên quốc tế ở từng trường. Có những người bạn mới sẽ giúp bạn nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống mới hơn.

Khi khóa học bắt đầu, hãy để ý đến các sự kiện sẽ diễn ra trong suốt học kỳ đó. Chẳng hạn như các tour tham quan nhà trường, tiệc chào mừng tân sinh viên, các chuyến đi thăm thú thành phố trong ngày.

Không nên bỏ lỡ các buổi chào đón tân sinh viên của khoa mình trong tuần lễ định hướng (Orientation Week). Hầu như bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ hầu hết những người bạn cùng lớp với mình trong dịp này, nên hãy mạnh dạn bắt chuyện với họ để tìm được những người bạn thích hợp.

Mở một tài khoản ngân hàng

Để mở một tài khoản ngân hàng tại Úc, bạn cần những giấy tờ như là hộ chiếu, giấy xác nhận nhập học giấy tờ chứng minh địa chỉ sinh sống tại Úc và có thể là mã số thuế (Tax File Number). Tuy nhiên, bạn cần vào website của ngân hàng mình định mở thẻ để tìm hiểu thêm xem bạn cần những giấy tờ gì nữa. Bạn cũng có thể ra ngân hàng để đổi tiền nếu như có mang theo nhiều tiền từ nước mình sang.

Quản lý tài chính bằng cách đặt ra một giới hạn cho mức chi tiêu của mình theo từng tuần. Dùng các công cụ tính toán chi tiêu, ví dụ như Budget Planner, một phần mềm giúp bạn liệt kê ra hầu hết các khoản thu - chi một cách chi tiết nhất, nhìn vào đó, bạn sẽ biết liệu mình có thể tiết kiệm thêm ở những chỗ nào, hoặc kiếm thêm từ những nguồn nào để giải quyết bài toán thu chi của mình.
Sydney street city
Sydney CBD Source: Pixabay

Học ngôn ngữ

Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Úc, nhưng hẳn là trong những cuộc hội thoại đầu tiên với người bạn xứ, bạn sẽ nhận ra rằng người Úc nói tiếng Anh theo một cách rất khác. Bạn sẽ cảm thấy khó hiểu với tiếng lóng của người Úc.

Nhưng đừng nản chí, có rất nhiều cách giúp bạn bắt kịp, chẳng hạn như tham dự các buổi hội thảo tiếng Anh được tổ chức trong suốt học kỳ. Đề tài của những buổi hội thảo này vô cùng đa dạng, từ cách sử dụng tiếng Anh giao tiếp hằng ngày cho đến việc… hẹn hò ở Úc.

Làm quen với cách học ở đại học

Đừng lo lắng khi nhìn thấy có sự khác biệt lớn trong cách học ở đại học so với phổ thông, hoặc là đại học Úc so với đại học Việt Nam. Có một vài lưu ý rất cụ thể mà bạn có thể áp dụng ngay để không bị bỡ ngỡ:

  • Ghi chú, chứ không phải chép lại những gì giáo viên nói: Nghĩa là hãy tập trung nghe giảng, chỉ ghi lại những ý mà bạn cho là quan trọng nhất, thay vì cắm cúi ghi lại tất cả những gì giáo viên nói. Nên nhớ là khi cần ôn lại bài, bạn hoàn toàn có thể tải về các slide bài giảng này cùng với phần ghi âm bài giảng.
  • Bạn sẽ nhận lại được những gì bạn đã để tâm vào: Giáo viên sẽ không kiểm tra xem bạn đã đọc hết các bài đọc về nhà chưa. Thế nhưng, nếu không đọc trước, bạn chắc chắn sẽ bị tụt lại phía sau. Vì vậy, các tân sinh viên được khuyên là hãy luôn chủ động và tự chịu trách nhiệm trong việc học tập của mình.
  • Đừng bị choáng váng bởi độ dài của các bài essay. Nếu như ở bậc phổ thông, bạn ít khi phải viết những bài luận lên đến 2,000 chữ thì đây lại là một trong những bài tập khá thường xuyên ở bậc đại học. Nếu bài tập đầu tiên ở đại học yêu cầu bạn viết một bài luận dài 2.500 chữ, hãy cứ bình tĩnh tìm kiếm thông tin, dần dần bạn sẽ thấy rằng thật ra bạn sẽ mất nhiều thời gian để cắt gọt bài viết của bạn xuống hơn là chật vật viết thêm cho đủ số chữ.
Melbourne city tram
Melbourne CBD Source: Pixabay

Tìm hiểu về các dịch vụ hỗ trợ

Nếu cần gọi cảnh sát, xe cứu thương hoặc cứu hỏa, hãy gọi 000. Ở từng trường, hãy lưu lại số điện thoại khẩn cấp của bảo vệ nhà trường, quy trình sơ tán khi hỏa hoạn hoặc tai nạn…

Tìm hiểu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Úc cũng như những quyền lợi mà bạn được hưởng khi đã tham gia bảo hiểm dành cho sinh viên quốc tế OSHC, phạm vi bảo hiểm, cách thức claim lại những khoản đã thanh toán như thế nào…

Tham quan thành phố

Chắc chắn là không thiếu các hoạt động khiến bạn phải bận rộn vào những dịp cuối tuần hoặc giữa các lớp học trong tuần, ví dụ như các buổi BBQ, chợ trời, các giải đấu thể thao, những buổi diễn thuyết miễn phí…

1. Tự lập về tài chính

Chuyện tiền bạc rất có thể sẽ là vấn đề đau đầu của nhiều sinh viên. Và điều quan trọng trước tiên, là hãy học cách chi tiêu tiết kiệm. Hãy đặt ra một giới hạn nhất định trong việc chi tiêu cho bản thân. Sau đó, hãy tìm một công việc bán thời gian để giúp bạn trang trải một phần chi phí và bớt căng thẳng hơn.

Thường xuyên cập nhật thông tin về các học bổng ở trường. Việc dành được một học bổng, dành cho sinh viên đã theo học tại trường, thường có giá trị nhỏ, chỉ tầm vài trăm hoặc vài ngàn đô la đổ lại nhưng sẽ rất hữu ích cho các bạn sinh viên đang trong thời kỳ phải thắt lưng buộc bụng. Không những thế, học bổng đó cũng sẽ giúp cho hồ sơ xin việc của bạn sau này trở nên ấn tượng và có sức nặng hơn.

Ngoài ra, khi thấy có bất cứ khó khăn nào về mặt tài chính, bạn hoàn toàn có thể tìm đến phòng hỗ trợ tài chính của nhà trường để được tư vấn cụ thể về cách giải quyết. Như vậy, bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian loay hoay với vấn đề tiền bạc và làm ảnh hưởng đến việc học tập của mình.

2. Tìm kiếm động lực cho việc học 

Cách để chủ động hơn trong việc học chính là xác định động lực và mục tiêu của bạn. Để làm được điều này, bạn phải trả lời được các câu hỏi như là “Bạn có một mục tiêu nghề nghiệp cụ thể nào không?” Các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, hội nhóm nào làm bạn hào hứng? Biết được mục tiêu của mình sẽ cho bạn động lực học tập tốt nhất.

3. Tìm kiếm thông tin

Tự học là một phần trong việc trưởng thành hơn mỗi ngày. Bạn phải tự mình tìm kiếm thông tin trong từng việc nhỏ nhặt nhất, nhưng cũng rất thiết thực, ví dụ như kiểm tra thông tin thời tiết trước khi ra khỏi nhà và đến trường, tìm hiểu về cách ghi trích dẫn đúng chuẩn, cách đặt phòng học nhóm trong thự viện… Hãy tự mình làm trước, nhưng đồng thời cũng mạnh dạn tìm kiếm sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm khi cần thiết. Những người đó có thể là sinh viên khóa trước hoặc nhân viên chuyên trách ở trường.

4. Không bị ám ảnh bởi điểm số

Điểm số của bạn không nói lên bạn là ai. Nếu kết quả những bài tập đầu tiên làm bạn cảm thấy thất vọng, hãy bình tĩnh, tham gia các hội thảo và những buổi tutorial đặc biệt về từng chủ đề cụ thể để cải thiện. Các trung tâm tư vấn học thuật ở từng trường luôn sẵn sàng giúp các bạn trong những vấn đề này.

5. Chủ động yêu cầu giúp đỡ

Điều này không có gì mâu thuẫn với sự tự lập mà bạn đang rèn luyện. Bởi vì, một phần quan trọng trong việc tự lập là biết được những giới hạn hoặc điểm yếu của mình ở đâu để yêu cầu sự giúp đỡ, ví dụ như những sự hỗ trợ về tài chính, học thuật, tiếng Anh, tư vấn tâm lý… Lời khuyên là không ai biết bạn cần giúp đỡ trừ phi chính bạn lên tiếng.


Share