Hạt giống yêu thương (231) Trần Thị Nga, bông hồng đỏ ngày 8/3 tặng chị

Trần Thị Nga ẳm con đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo

Trần Thị Nga ẳm con đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo 2012 Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nữ tù nhân lương tâm Trần Thị Nga hành trình đi từ một công nhân xuất khẩu lao động tại Đài Loan trở thành nột người đấu tranh cho người lao động và dân oan và bản án 9 năm tù mà nhà cầm quyền Việt Nam dành cho người phụ nữ có hai con nhỏ này. Mới đây khi biết tin mình được trao Giải Nhân Quyền, chị đã dặn chồng trích 2/3 số tiền thưởng đế gởi đến cho dân oan và các TNLT khác đang thụ án và các cựu TNLT đã ra tù có hoàn cảnh khó khăn.


Trần Thị Nga bị bắt vào ngày 21 tháng giêng năm 2017 ngay tại nhà trước Tết Âm Lịch Đinh Dậu với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Ngày 25 tháng 7 năm 2017 chị bị tòa tuyên án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Phiên phúc thẩm vào ngày 22 tháng 12 cùng năm giữ nguyên án sơ thẩm hiện đang bị giam giữ ở trại giam Gia Trung ở Pleiku.

Trần Thị Nga, trước khi bị bắt được nhiều người biết đến với tên Thúy Nga là tên chị dùng để xuất hiện trên các trang mạng xã hội.

Từ một người chỉ học hết lớp 7 phải nghỉ học vì nhà nghèo đông anh em, mẹ mất sớm, bố có vợ khác, Nga phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống.

Năm 19 tuổi, Nga lấy chồng – một người đàn ông nghiện ngập và vũ phu, nhiều lần đánh đập vợ. Cuộc hôn nhân kết thúc nhanh chóng. Nga ôm hai con trai – đứa ba tuổi, đứa một tuổi – rời khỏi nhà chồng về quê.

Nga được bà chị họ bán quán nước nhượng cho mấy cái ghế, Nga đem bán gấp để mua lấy năm cân gạo, trong đó ba cân chị đem tráng bột làm bánh cuốn bán rong, hai cân thì xay nấu cháo trắng với muối cho con ăn. Ngày đầu tiên chị bán được khoảng 17-18.000 đồng bánh cuốn, kể từ đó chị cắp mẹt bánh cuốn bán rong nuôi con.

Lây lất ở quê nuôi con có làm mà không có ăn, Nga để hai con trai lại cho nhà vay tiền xin đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan. 

Chỉ mới sáu tháng tới Đài Loan được vài tháng thì chị bị tai nạn và chính từ tai nạn này mà đã đưa đẩy Trần Thị Nga từ một người bình thường không quan tâm chính trị trở thành một người lên tiếng đấu tranh cho những hoàn cảnh bất công.
Linh mục Nguyễn Văn Hùng, Văn phòng Trợ giúp Pháp lý cho Công nhân và Cô dâu Việt ở Đài Loan cho biết về thời gian chị Nga tìm đến văn phòng trợ giúp pháp lý của Cha Hùng, từ một người không nói, đọc viết  được tiếng Hoa, chị đã mày mò học và chị đã nói được viết được.

Chị trở thành người trợ giúp giấy tờ cho những lao động Việt tại Đài Loan, chị lên cả truyền hình Đài Loan để nói về việc công nhân Việt Nam ở Đài bị chủ bóc lột.

Năm 2008, Thúy Nga trở về nước và tiếp tục làm thuê, bán hàng, kinh doanh nhỏ kiếm sống, nhưng kể từ đó chị cũng chính thức dấn thân vào con đường hoạt động của một người bảo vệ nhân quyền – tức là người đấu tranh để bảo vệ quyền con người trong xã hội.

Và cũng từ đây Trần Thị Nga trở thành đối tượng bị tấn công của chính quyền.
Trần Thị Nga tố cáo mình bị công an chặn đánh trọng thương
Trần Thị Nga tố cáo mình bị công an chặn đánh trọng thương Source: Supplied
Chị Nguyễn Thúy Hạnh người phụ trách quỹ 50k cho biết chính nhờ sự vận động của Trần Thị Nga mà án tử của Hồ Duy Hải đã được hoãn lại và sau đó nhiều người biết đến và lên tiếng.

Vào cuối năm 2018 chị Trần Thị Nga được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam bình chọn và trao tặng Giải Nhân Quyền Việt Nam 2018, cùng với blogger Phạm Đoan Trang và tù nhân chính trị Hoàng Đức Bình.

Ông Phan Văn Phong tức Lương Dân Lý chồng hiện nay của chị Trần Thị Nga cho biết, khi ông báo tin này cho chị Nga lúc vào thăm chị trong tù thì chị đã dặn ông dành 2/3 số tiền của giải tặng lại cho quỹ Dân oan và các quỹ TNLT.

Mới đây nhất vào 1/2019 Tổ chức Việt Tân trao tặng Giải Thưởng Nhân Quyền Lê Đình Lượng cho Trần Thị Nga.

Luật sư Lê Công Định- một trong ba người trong Ban giám khảo của Giải thưởng Lê Đình Lượng 2018 gồm có dân biểu liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal và nhà giáo Phạm Minh Hoàng- cho biết, tinh thần đấu tranh ôn hòa kiên định của Trần Thị Nga phù hợp với tiêu chí của giải.

"Mục tiêu của giải thưởng nhằm đề cao sự hy sinh và việc làm của những cá nhân, tổ chức đang đấu tranh cho nhân quyền của Việt Nam, đồng thời cảnh giác và duy trì sự quan tâm của thế giới trước chính sách vi phạm nhân quyền có hệ thống của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam."
Người Việt có câu "Thương người như thể thương thân".

Chị Trần Thị Nga đã thương những hoàn cảnh ngược đãi từ chính những gì mà chị đã trãi qua.

Chị đã lên tiếng và chịu bị hành hung đánh đập vì những người bị áp bức.

Chị đi tù không phải đấu tranh cho chính chị mà cho những người cùng khổ.

Chị đủ rộng lòng để thương người dưng đến vậy, hẳn chị rất đau lòng khi phải xa hai con nhỏ của mình mà lúc chị bị bắt con trai nhỏ nhất của chị mới 4 tuổi và cháu kế 7 tuổi.

Trong thời gian ở tù, chị từ chối mặc đồ tù vì cho rằng mình không có tội, những việc chị làm là không vi phạm pháp luật và nhà cầm quyền đã hành xử sai trái khi bắt giam chị.

Vì việc này mà chị đã không được gặp mặt chồng con khi họ lặn lội hơn 1000 km mấy chặng tàu xe từ Hà Nội vào Gia Trung để thăm.
Hai năm từ lúc mẹ bị bắt tù, mỗi ngày xa con đối với chị Nga hẳn là một ngày đẳng đẳng, và đối với hai con nhỏ của chị như ông Lương Dân Lý cho biết, cháu nhỏ ngày nào cũng nhắc mẹ muốn được gần mẹ và ôm lấy mẹ.

Trong ngày quốc tế Phụ nữ, xin dành một đóa hoa hồng đỏ thắm tặng chị Trần Thị Nga và xin gởi tình yêu thương lòng kính trọng đến chị- người phụ nữ quả cảm, bình dị, can trường, người có trái tim bác ác.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share