Thế hệ Thứ Hai (Bài 191) Betty Trần - từ người quét dọn đến kinh đô thời trang Hollywood

betty tran

Betty Tran Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Vừa làm vừa học từ năm 13 tuổi với công việc đầu tiên là quét dọn tại McDonald's, Betty Trần đã dần ghi dấu ấn của mình trong làng thời trang quốc tế với những bộ trang phục cho hàng loạt ngôi sao lớn trên thế giới như ca sĩ Mel B, siêu mẫu Jessica Hart của Victoria’s Secret, người mẫu quốc tế Nicole Trunfio, Hoa hậu Hoàn vũ Úc Jasinta Campbell, nhà vô địch quần vợt Serena và Venus Williams. "Ngày xưa mẹ may quần áo cho tôi mặc rất nhiều. Bây giờ mẹ mặc đồ của tôi may thì rất vui và hãnh diện. Điều đó khiến tôi hạnh phúc vì không có mẹ thì sẽ không có tôi ngày hôm nay."


13 tuổi, Betty Trần di dân đến Úc cùng mẹ và em với hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cuộc sống những năm đầu ở Úc không hề dễ dàng chút nào với Betty Trần.

Công việc đầu tiên của Betty là làm quét dọn tại cửa hàng McDonald's vào năm 13 tuổi, và hai năm sau là quản lý cửa hàng này.

Thời gian làm việc ấy đã giúp Betty học hỏi được giá trị của lao động cực nhọc và tập sống tự lập trên chính đôi chân của mình.

"Tôi rời trường trung học vào lúc 3 giờ chiều, rồi sau đó đến thẳng cửa hàng McDonald's tại sân bay nội địa để làm việc đến tận nửa đêm, sau đó đón xe buýt và xe lửa trở về nhà," Betty Trần kể lại.

"Nhưng tôi rất cảm kích về khoảng thời gian làm việc đó, vì tôi có thể chứng minh rằng tôi có thể làm bất cứ việc gì nếu tập trung vào chuyện đó. Khoảng thời gian khó nhọc đã giúp tôi trưởng thành như ngày hôm nay."
betty tran
Tuần lễ Thời trang Kuala Lumpur năm 2016 (Supplied) Source: Supplied


Đường đến kinh đô thời trang Hollywood


18 tuổi, Betty Trần mở thương hiệu thời trang đầu tiên của mình là Betty Sugar khi đang học ngành Quan hệ Công chúng (Public Relation) tại Đại học Edith Cowan.

Tiếp xúc với thế giới may mặc từ rất sớm do những năm tháng phụ giúp mẹ, cuối cùng cô chuyển ngành học sang Thời trang và Dệt may (Fashion and Textiles) tại Đại học Curtin khi nhận ra niềm đam mê thật sự của mình là gì.

Nhãn hàng Betty Sugar thất bại khiến cô lâm vào cảnh nợ nần nhưng Betty Trần không nản lòng. Cô học hỏi từ những sai lầm đã trải qua trong nhiều năm, tiếp tục làm việc tại các nhãn hiệu thời trang cao cấp như Armani tích lũy kinh nghiệm, và cuối cùng, một cách lặng lẽ, cô khai trương nhãn hiệu mới Betty Trần.

Chỉ trong năm năm, những bộ trang phục dạ hội tuyệt đẹp do Betty Trần thiết kế đã giúp cô thành công trên sân khấu thời trang quốc tế.

Thương hiệu Betty Tran đã được ra mắt tại Tuần lễ Thời trang New York năm 2012, sau đó là Tuần lễ Thời trang Los Angeles năm 2015, Tuần lễ Thời trang Malaysia năm 2016, tiếp theo là Tuần lễ Thời trang Việt Nam, Milan’s prestigious Sposaltalia Collezioni và Tuần lễ Thời trang Paris năm 2017.

Các thiết kế của Betty Trần được bán tại hơn 17 cửa hàng trên khắp thế giới bao gồm Pháp, Đức, Qatar, Trung Quốc, Nhật Bản và Ý, cũng như Ai Cập, Panama và Ả Rập Saudi.

betty tran
Chương trình thời trang tại New York năm 2016 (Supplied) Source: Supplied

"Thiết kế là một phần biểu hiện con người tôi như một người phụ nữ, với tất cả các yếu tố và cảm xúc nảy sinh từ trái tim mình, là sự kết nối của cơ thể và tâm hồn tôi. Nhãn hiệu Betty Trần đã ra đời như vậy.”

“Khi tôi tạo ra thương hiệu Betty Trần, tôi muốn khách hàng kết nối được với tôi khi mặc những bộ trang phục do tôi thiết kế.”

“Nhiều người nghĩ rằng thời trang chỉ là dáng vẻ bên ngoài. Khi tôi đặt chân vào ngành công nghiệp thời trang, tôi muốn thời trang tôn vinh con người, khiến cho họ cảm thấy vui vẻ và diễn tả được nội tâm của họ. Và họ cảm thấy rằng mình trở nên thật mạnh mẽ,” Betty Trần chia sẻ.

Betty Trần đã ghi dấu ấn của mình trong làng thời trang quốc tế với những bộ trang phục cho hàng loạt ngôi sao lớn trên thế giới như ca sĩ Mel B, siêu mẫu Jessica Hart của Victoria’s Secret, người mẫu quốc tế Nicole Trunfio, Hoa hậu Hoàn vũ Úc Jasinta Campbell, nhà vô địch quần vợt Serena và Venus Williams…

Mẹ - nguồn cảm hứng bất tận

Nguồn cảm hứng và đam mê với vải vóc, may mặc và ngành thời trang của Betty đến từ chính người mẹ của mình.

Ba của Betty mất năm cô 3 tuổi, mẹ của Betty làm việc rất cật lực để nuôi dạy cô nên người.

"Mẹ tôi lúc nào cũng ngồi trên máy may để may đồ cho khách. Mẹ không qua trường lớp nào mà tự học bằng cách mày mò mở tất cả các đường chỉ, ráp để tự học lên đồ. Tôi đã bắt đầu quan sát mẹ may quần áo ngay từ nhỏ. Sáng sớm ngủ dậy, tôi đã nghe thấy tiếng máy may. Lúc nào cũng thấy vải vóc xung quanh và tiếng ồn của những chiếc máy may. Và tôi đã lớn lên trong một môi trường làm việc cật lực như thế."
"Ngày xưa mẹ may quần áo cho tôi mặc rất nhiều. Bây giờ mẹ mặc đồ của tôi may thì rất vui và hãnh diện. Điều đó khiến tôi hạnh phúc vì không có mẹ thì sẽ không có tôi ngày hôm nay."

“"Khi lớn lên, quan sát mẹ làm việc cật lực như vậy, bản thân tôi cũng muốn thúc đẩy mình làm việc như mẹ, chỉ cần bằng 1/10 của mẹ thôi thì cũng là tốt rồi,” Betty Trần chia sẻ.

"Ngày xưa mẹ may quần áo cho tôi mặc rất nhiều. Bây giờ mẹ mặc đồ của tôi may, mẹ bảo hai mươi mấy năm trước mẹ không làm được những bộ quần áo như vậy, giờ thấy tôi làm được thì rất vui và hãnh diện. Điều đó khiến tôi rất hạnh phúc vì không có mẹ thì sẽ không có tôi ngày hôm nay."


“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

Thành công trong sự nghiệp, Betty Trần còn là một nhà từ thiện tích cực.

Bằng công việc của mình, năm 2014, Betty Trần đã đưa 8 người mẫu thổ dân Úc từ vùng Pilbara ở Tây Úc đến Tuần lễ Thời trang New York (Fashion Palette New York) để giúp họ cơ hội được hòa mình vào ngành công nghiệp thời trang quốc tế.

"Tôi nhớ rằng mình từ Việt Nam đến Úc và đã được trao cơ hội để bay xa. Bây giờ tôi cảm thấy mình ở vị trí có thể giúp đỡ để tạo nên sự khác biệt cho những người phụ nữ khác," Betty Trần nói.

Betty Trần đã được Tổng lãnh sự quán Úc bổ nhiệm làm Đại sứ Thời trang Úc tại Việt Nam.

Với vai trò này, Betty có cơ hội tham gia vào những hoạt động thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới thông qua giáo dục, đồng thời phát triển chương trình đưa văn hóa và lịch sử Úc đến Việt Nam thông qua các trường đại học để xây dựng mối quan hệ giữa hai nước.


Mời nghe thêm chia sẻ của Betty Trần trong phần audio ở đầu bài viết.






Share