Tạp chí Khoa học (43) Chúng ta có thể làm gì để chống lại biến đổi khí hậu?

School students take part in a climate change strike in Brisbane.

School students take part in a climate change strike in Brisbane. Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Hãy nhớ lại một ngày nóng nhất mà bạn từng trải qua. Sau đó, hãy tưởng tượng xem nếu nhiệt độ tăng thêm 6, 10, hay thậm chí 12 độ C thì bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Theo nhà nghiên cứu khí hậu Alice Bows-Larkin, tương lai đó đang đón chờ chúng ta nếu thế giới không chịu cắt giảm lượng khí thải nhà kính.


Bà Alice Bows-Larkin là Giáo sư Khoa học Khí hậu và Chính sách Năng lượng thuộc Đại học Manchester. Thông qua những nghiên cứu về vận tải quốc tế, hệ thống năng lượng và ngưỡng phát thải, bà Bows-Larkin giúp định hình các chính sách trên toàn thế giới, bao gồm Đạo luật Biến đổi Khí hậu của Vương quốc Anh.

Trong một bài nói chuyện tại diễn đàn TED, bà đã minh họa về những tác động của sự nóng lên toàn cầu như sau:

“Trong suốt cuộc đời của mình, chúng ta đều góp phần vào biến đổi khí hậu. Mỗi hành động, lựa chọn và hành vi của chúng ta đều dẫn đến sự gia tăng hiệu ứng nhà kính. Và tôi cho rằng đó là một ý tưởng rất mạnh mẽ. Nó có thể khiến chúng ta cảm thấy tội lỗi khi nghĩ đến những quyết định mà chúng ta đưa ra, chẳng hạn như việc đi lại từ nơi này sang nơi khác, năng lượng mà chúng ta sử dụng tại nhà và nơi làm việc, hay đơn giản là lối sống của chúng ta. Tuy nhiên, lật ngược lại vấn đề, nếu chúng ta đã có một ảnh hưởng tiêu cực lên khí hậu, thì chúng ta cũng có thể tác động tích cực đến sự biến đổi khí hậu trong lương lai.

“Vậy thì chúng ta có hai lựa chọn. Chúng ta có thể bắt đầu coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu và nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải, hoặc chúng ta có thể tiếp tục thờ ơ với nó. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc thế giới phải đối mặt với những tác động to lớn của biến đổi khí hậu trong tương lai.

“Trong hai thập niên vừa qua, các nhà đàm phán và hoạch định chính sách đã thảo luận về vấn đề này, và họ tập trung vào việc giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đó là ngưỡng nhiệt độ đi kèm với những ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người và môi trường. Nói cách khác, 2 độ C tương ứng với sự biến đổi nguy hiểm của khí hậu.
“Thế nhưng mức độ nguy hiểm này có thể rất chủ quan. Nếu một hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ở một nơi có hạ tầng cơ sở tốt, và người dân được chuẩn bị đầy đủ, thì ảnh hưởng của nó sẽ không thảm khốc bằng việc nó xảy ra ở một đất nước nghèo nàn về cơ sở vật chất, và người dân không có mạng lưới hỗ trợ tốt. Khi ấy, nó có thể tàn phá rất nhiều nhà cửa và lấy đi vô số mạng người.

“Biểu đồ lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch và các ngành công nghiệp, tính từ Cách mạng Công nghiệp đến thời điểm hiện tại, cho thấy lượng khí thải tăng một cách đột biến. Và nếu nhìn vào lượng khí thải ra trong những năm gần đây, kết hợp với hiểu biết về hướng đi của nền kinh tế toàn cầu trong tương lai, thì chúng ta đang dần tiến đến ngưỡng nóng lên toàn cầu ở mức 4 độ C, thay vì 2 độ C.

“Bây giờ hãy thử nghĩ về mức tăng 4 độ C này. Phần lớn Trái đất của chúng ta được bao phủ bởi đại dương, và nhiệt độ trung bình trên đất liền thường cao hơn trên mặt biển. Bên cạnh đó, thứ mà con người chúng ta cảm nhận không phải là nhiệt độ trung bình của Trái đất, mà là những ngày nóng, ngày lạnh và ngày mưa. Nếu bạn sống ở một thành phố lớn như Mumbai, Bắc Kinh, New York, hay London, hãy thử tưởng tượng một ngày nóng nhất là như thế nào, và nếu nhiệt độ tăng lên 6 độ C, 8 độ C, hay thậm chí là 10-12 độ C. Đó chính xác là những gì chúng ta sẽ trải qua nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên 4 độ C.

“Vấn đề đối với những hiện tượng cực đoan này, không chỉ về nhiệt độ, mà còn về các cơn bão hay ảnh hưởng thời tiết khác, đó là hạ tầng cơ sở của chúng ta không được xây dựng để đối phó với chúng. Mạng lưới giao thông được xây dựng để tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định, và dưới những ảnh hưởng thời tiết nhất định. Các trạm năng lượng được làm mát tới một nhiệt độ nhất định để duy trì hiệu năng và tính phục hồi. Những tòa nhà được thiết kế để tương thích với một ngưỡng nhiệt độ nhất định. Và nếu nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng lên 4 độ C, thì đó sẽ là một thách thức lớn. Hạ tầng cơ sở của chúng ta không được xây dựng để đối phó với điều đó.

“Và mức tăng 4 độ C này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, mà còn tác động gián tiếp đến an ninh lương thực. Những cánh đồng ngũ cốc và lúa mì ở một số vùng trên thế giới được dự đoán là sẽ giảm đi 40%, và gạo giảm đi 30%, nếu nhiệt độ trung bình tăng lên 4 độ C. Đây chắc chắn là điều khủng khiếp đối với an ninh lương thực thế giới. Tổng kết lại, các tác động của nó hoàn toàn không tương thích với cuộc sống toàn cầu hiện nay.”
Hồi năm 2015, mười lăm nhà lãnh đạo Phật Giáo có uy tín trên thế giới, trong đó có Đức Đạt Lai Lạt Ma và Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đã cùng ký vào một kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị đi đến một thỏa thuận hiệu quả về biến đổi khí hậu tại Paris. Thông điệp viết rằng:

“Chúng ta đang ở vào một thời điểm quyết định, thời điểm mà sự sống còn của loài người cũng như của các loài khác trên trái đất này đang bị đe dọa nghiêm trọng do những hành động của chính chúng ta. Vẫn còn thời gian để chúng ta giảm tốc độ và hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu, nhưng để làm được như vậy, Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu được tổ chức tại Paris cần đưa ra một lộ trình cụ thể để chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta cũng cần có các biện pháp toàn diện và lâu dài giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và tăng cường năng lực thích ứng của những đối tượng này.

“Để đạt được những mục tiêu nêu trên, chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nỗ lực bằng ý chí chính trị để thu hẹp khoảng cách về mục tiêu khí thải mà các quốc gia đã cam kết và bảo đảm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu được duy trì ở mức dưới 1.5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Chúng tôi cũng đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới có một cam kết chung về tăng cường nguồn lực tài chính nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang phát thải carbon thấp trên toàn cầu.”

Trong bài nói chuyện của mình, GS Bows-Larkin cũng đồng ý về việc thế giới cần phải cắt giảm lượng khí thải. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng không phải nước nào cũng cắt giảm lượng khí thải như nhau. Bà nói:

“Một vấn đề khác mà chúng ta thật sự cần phải giải quyết là vấn đề phúc lợi và công bằng. Hiện có nhiều nơi trên thế giới cần cải thiện chất lượng sống, nhưng với hệ thống năng lượng hiện tại lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, kinh tế phát triển đi đôi với sự gia tăng khí thải. Vậy thì nếu chúng ta đồng ý về một ngưỡng phát thải cho toàn thế giới, điều đó có nghĩa là một số nước cần phải cắt giảm lượng khí thải của mình, để bù vào lượng khí thải tăng lên.”

Share