Các lãnh tụ tôn giáo kêu gọi hành động trước biến đổi khí hậu

ABC

Hiện tượng bạch hóa san hô đang đe dọa Great Barrier Reef Source: ABC Australia

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Một nhóm các lãnh tụ tôn giáo người Úc đã gửi một thư ngỏ, thúc giục các chính trị gia hãy hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.


Tuy mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị khá lỏng lẻo nhưng điều đó không thể ngăn được một nhóm các nhà lãnh đạo nhiều thuộc tôn giáo khác nhau ở Úc cùng cất tiếng nói trong một thư ngỏ.

Bức thư có chữ ký của các nhà lãnh tụ nổi bật của đạo Phật, đạo Hindu, đạo Do Thái, đạo Hồi và đạo Thiên chúa giáo, trong đó bao gồm cả nhiều nhánh của Thiên chúa giáo như Anh giáo, Công giáo…

Nội dung thư ngỏ nói về sự suy thoái của Great Barrier Reef mà tình trạng bạch hóa của các rạn san hô là một hồi chuông cảnh báo.

Người đứng đầu trung tâm Thiên chúa giáo và Văn hóa Úc, giáo sư Stephen Pickard, người đã ký vào bức thư này cho rằng có một số lý do khiến họ cảm thấy việc làm này là cần thiết.

“Tại thời điểm này, chúng ta có một kỳ bầu cử sắp diễn ra. Đã có những lời hứa về việc rót tiền bạc vào cho hầu như tất cả mọi thứ. Chúng ta cũng có một báo cáo về tương lai khá nguy hiểm của Great Barrier Reef. Và có một câu hỏi đang được đặt ra trong cộng đồng chúng ta là điều gì quan trọng nhất với chúng ta.

"Như vậy nghĩa là chúng ta đã có một thế kiềng ba chân cho những vấn đề đang diễn ra ngay trên bờ biển hoặc ngoài khơi của chúng ta: Một kỳ bầu cử, sự cấp thiết của vấn đề biến đổi khí hậu và ý nghĩa của nó đối với hành tinh này đã thật sự được cảnh báo. Vậy mà chúng ta đã không nghe ai nói nhiều về nó cả”, giáo sư Stephen Pickard nói.
"Nếu chúng ta không quan tâm đầy đủ và cố gắng ngăn ngừa việc chúng bị hủy diệt nghiêm trọng hơn. Chúng ta sẽ mất rạn san hô này mãi mãi", Nihal Agar.
Trong thư cho biết Great Barrier Reef là một kỳ quan thiên nhiên thế giới, và đối với những người có niềm tin tôn giáo, đó còn là một biểu tượng tinh thần của cuộc sống.

Tuyên bố này đặc biệt đúng đối với giáo sư Nihal Agar, Chủ tịch Hội đồng Hồi giáo của Úc, cũng là một trong những người đã ký tên vào bức thư này.

Ông cho rằng bức thư này không phải là việc riêng của một tôn giáo nào. Thay vào đó, nó dựa trên những nguyên tắc chung của nhân loại.

“Đó không phải là việc của một tôn giáo nào cả, mà đó là của nhân loại. Và đối với người Úc, Great Barrier Reef là một biểu tượng, là một tài nguyên quý giá mà chúng ta không nên để bị hủy hoại.

"Nếu chúng ta không quan tâm đầy đủ và cố gắng ngăn ngừa việc chúng bị hủy diệt nghiêm trọng hơn. Chúng ta sẽ mất rạn san hô này mãi mãi. Đó là nội dung của bức thư”, ông Nihal Agar cho biết.

Bức thư này cũng cáo buộc các chính trị gia của Úc có mối quan hệ quá mật thiết với ngành công nghiệp dầu khí.

Giáo sư Pickard nói rằng kết luận rút ra là những cuộc vận động hành lang của ngành công nghiệp này chính là một trở ngại to lớn trong việc thay đổi chính sách, điều mà các nhà lãnh tụ các tôn giáo đệ trình thư này cho là cần thiết.

Bức thư đã chỉ ra việc chính phủ liên bang đã chấp thuận cho khai thác những mỏ than mới chỉ vài tuần sau khi ký Thỏa thuận về Khí hậu ở Paris.

Những nhà lãnh tụ tôn giáo đã phê phán việc làm này, cho rằng hành động đó thật vô trách nhiệm.

Họ cũng lưu ý thêm rằng các chính đảng đang có kế hoạch để củng cố lại việc khai thác than và gas.

Chủ tịch Hội Tôn giáo Hành động vì biến đổi khí hậu Úc Thea Ormerod là người đã soạn thảo bức thư này.

Bà cho rằng những lo ngại về vấn đề biến đổi khí hậu cũng tương đồng với những vấn đề xã hội mà các tổ chức tôn giáo quan tâm từ trước đến nay.

“Bạn biết đó, các tôn giáo quan tâm đến rất nhiều thứ, chẳng hạn như chăm sóc người vô gia cư, người tỵ nạn, người già. Và tôi thấy là chúng ta đang cố gắng tham gia vào các vấn đề biến đổi khí hậu bởi vì đó thật sự là một vấn đề cấp thiết”, bà Thea Ormerod nói.

Bà Ormerod cho biết những nhà lãnh tụ của các tôn giáo đã tập hợp lại với nhau để thu hút sự quan tâm của mọi người về vấn đề này bởi vì dù xuất thân từ nguồn gốc nào, tất cả chúng ta phải cùng chung tay giải quyết vấn đề này.

“Cuối cùng, tất cả chúng ta đều sẽ bị ảnh hưởng, và tôi cho rằng chúng tôi đang làm một ví dụ cho việc hợp tác giữa những người có nguồn gốc khác nhau.

"Bởi vì đó là sự hợp tác cần thiết để chúng ta không bị thất bại hoàn toàn trước biến đổi khí hậu cũng như các thiên tai. Chúng ta cần hợp tác để cùng đứng lên và thực sự làm một điều gì đó để giải quyết tình trạng này”, bà Thea Ormerod cho biết.


Share