Phong toả khiến nhiều thiếu niên mắc bệnh tiểu đường loại 2

Pharmacist Checking Customer's Blood Sugar Levels

A pharmacist checking a customers blood sugar levels with an insulin pen. Source: Digital Vision

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tiểu đường loại 2, thường được gọi là một căn bệnh mãn tính, đã ảnh hưởng tới hơn 1 triệu người Úc. Nay người ta càng lo ngại trẻ em và thanh thiếu niên cũng bị mắc bệnh này nhiều hơn, nhất là tại những vùng phong toả vì dịch bệnh. Chuyên gia trị liệu thể dục khuyên cha mẹ phải nhắc con đứng lên đi lại 3 phút sau nửa giờ ngồi yên một chỗ.


Brooke Armstrong sống tại Melbourne.

Đó là thành phố mà chỉ mới tuần trước đã trở thành thành phố bị phong kín nhất trên thế giới.

‘Vì vậy tôi trở nên tuyệt vọng hơn, không thể đi tập gym và không thể tập thể dục, tôi bị nhốt lại trong bốn bức tường cả ngày cả đêm. Tôi bắt đầu ăn nhiều thức ăn nhanh và đồ ngọt hơn để giúp tâm trạng tôi vui vẻ. Và tôi ăn liên tục không ngừng. Tôi ăn chỉ vì tôi buồn chán chứ chẳng phải vì đói nữa.’

Tiểu đường loại 2 thường liên quan tới thói quen sống và ăn uống.

Trong tháng 8, Brooke đã mắc căn bệnh này.

Một nghiên cứu mới từ Âu châu cho thấy những câu chuyện như Brooke gần đây đã trở nên phổ biến.

Nghiên cứu nói nhiều người đã không thể kiểm soát tình trạng tiểu đường loại 2 của họ.

Phân tích dữ liệu cho thấy bệnh nhân tiểu đường loại 2 đã không thể kiểm soát lượng đường trong máu của mình khi bị phong toả.

Thói quen ăn uống không bổ dưỡng, xem màn hình TV hoặc ở trước các màn hình máy tính nhiều hơn, không có thói quen tập thể dục nữa. Thêm vào đó là căng thẳng và lo âu cũng khiến căn bệnh trầm trọng hơn.

Nhà trị liệu thể dục John Hawley nói những mối lo ngại ngày càng tăng về tình trạng tiểu đường trong trẻ em, vì phải học từ xa và ăn uống không điều độ.

‘Chúng ta đã biết một phần tư người Úc từ 5 đến 17 tuổi bị thừa cân, và tỉ lệ này trong trẻ em là 1/12. Tức 12 em thì có 1 em bị béo phì trầm trọng. Vì vậy tôi nghĩ khi chúng ta bị phong toả và không thể đi đâu hết, thì thói quen ăn uống chắc chắn sẽ thay đổi, cũng như các hoạt động đi lại cần thiết thông thường, như đi làm, đi học, đi lên xuống các cầu thang, tất cả đều biến mất.’

Ông Hawley đã tham gia vào một nghiên cứu quốc tế tìm hiểu về tầm quan trọng phải chống lại việc ngồi quá lâu.

Nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí khoa học về Sinh lý- Nội tiết và Chuyển hoá của Mỹ hồi tháng trước.

Và trong nghiên cứu này, ông Hawley thảo luận về tầm quan trọng phải đứng lên đi lại 3 phút sau nửa giờ ngồi yên.

Việc thực tập này, ông giải thích, có thể chống lại tác động của việc ngồi lâu và không khiến lượng đường trong máu tăng lên.

Đây là lời khuyên quan trọng cho thanh thiếu niên cần phải thực hành ngay trong giai đoạn phong toả.

Nhưng ông nói cha mẹ cũng cần hiểu về chuyện này.

‘Thông điệp tôi xin gởi đến phụ huynh ở đây. Số một: xin hãy làm điều gì đó cho con cái bạn ngay bây giờ. Số hai: hãy sinh hoạt có giờ giấc. Số ba: chia nhỏ các giờ nghỉ trong ngày và có những hoạt động khi giải lao. Và số bốn là hãy khiến những hoạt động trong giờ nghỉ này thật sự vui vẻ, để chúng không phải là một một hoạt động gian khổ mà chúng phải thật sự trở thành một thói quen hàng ngày của bạn.’

Bác sĩ Nội tiết Nhi Danielle Longmore nói bà chú ý rằng số bệnh nhân tìm gặp bà đã tăng lên, và đa số đều hỏi ý kiến bác sĩ về làm thế nào để giữ gìn sức khoẻ và dáng vóc cho con cái họ.

Bác sĩ Danielle nói cũng có rất nhiều thanh thiếu niên đến gặp bà để nhờ tư vấn cho bản thân.

‘Đối với thanh thiếu niên quan trọng đó là giấc ngủ của các em, giấc ngủ thật sự gây ảnh hưởng, nhưng sẽ không thể ngủ đủ nếu không có một sinh hoạt điều độ, vì vậy lúc nào tôi cũng nói về chuyện này. Đối với một số em, đó là cách các em ăn uống, cha mẹ làm việc ở nhà thì tự nhiên trong nhà thức ăn cũng nhiều hơn. Và vì vậy nhiều đứa trẻ cứ tiếp tục với lối sống đó. Thật ra đây là một vấn đề cá nhân và chúng tôi khám phá tất cả những nhân tố nào ảnh hưởng đến các em hay cha mẹ chúng.’

Bác sĩ Danielle Longmore đang chờ nghiên cứu của bà được duyệt về mối liên hệ giữa sống vui vẻ và bệnh tiểu đường loại 2, liệu cải thiện cuộc sống vui tươi hơn có thể ngăn ngừa được căn bệnh này?

Để tìm hiểu về các biện pháp y tế và hỗ trợ trong dịch bệnh COVID-19 bằng tiếng Việt, xin mời quý vị vào trang sbs.com.au/coronavirus

Share