Nuôi con ở Úc: Dạy con lễ nghĩa theo người Việt Nam liệu có lỗi thời?

Chị Lâm Anh Đào

Chị Lâm Anh Đào. Source: nhân vật cung cấp

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Ngày nay một số người ủng hộ việc dạy con theo hướng hiện đại, không quan trọng việc trẻ phải chào hỏi, dạ thưa, thậm chí cho rằng cha mẹ Việt ở Úc mà cứ giữ phép tắc kiểu Việt Nam thì con cái khó phát triển theo kịp bạn bè. Thế nhưng bài học về lễ giáo của người Việt có thực sự đã trở nên lỗi thời? Và nếu phụ huynh muốn gìn giữ bài học đó ở Úc thì làm sao cho phù hợp?


Là một người mẹ tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá trong quá trình nuôi dạy năm người con, trong đó con trai lớn nay đã trưởng thành, chị Lâm Anh Đào chia sẻ quan điểm dạy con theo hướng truyền thống nhưng có chọn lọc và áp dụng phù hợp.

Chị tin rằng lễ nghi phép tắc là điều rất quan trọng để hình thành nhân cách tốt của mỗi đứa trẻ. Chính vì thế, dù ở đâu và trong thời đại nào phụ huynh vẫn nên chú trọng việc dạy lễ nghĩa cho con. Nhưng điều quan trọng hơn cả là phụ huynh cần áp dụng cách dạy phù hợp để đạt hiệu quả tốt nhất.

Bài học về lễ nghĩa không bao giờ lỗi thời

Trước một số ý kiến cho rằng việc dạy lễ nghĩa cho con nay đã lỗi thời, cho rằng chỉ cần dạy cho con biết tôn trọng người khác và làm sao để người khác tôn trọng mình là được, chị Lâm Anh Đào không nghĩ như vậy.

Chị chia sẻ rằng từ xưa tới nay giáo dục lễ nghĩa vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành nhân cách của con trẻ. Ngày nay vì cuộc sống bận rộn, một số cha mẹ đôi khi xem nhẹ việc dạy con lễ nghĩa hoặc là cách cư xử đúng mực.

Bên cạnh đó có những người muốn đi tới theo chiều phát triển hiện đại mà bỏ qua các giá trị truyền thống. Nhưng cũng chính điều đó dẫn đến sự thiếu quan tâm, làm cho các thành viên trong gia đình trở nên rời rạc.

Chị tin rằng lễ nghĩa trong gia đình là sợi dây gắn kết quan trọng và hiệu quả, vì thế, dù ở xứ tự do nhưng người Việt nên giữ lại lễ giáo truyền thống.

Vận dụng cách dạy con truyền thống mà vẫn rất văn minh

Với mong muốn trở thành một người mẹ toàn năng, chị Lâm Anh Đào đã học hỏi rất nhiều kinh nghiệm nuôi dạy con từ sách vở, và đặc biệt là từ đấng sinh thành của mình.

Tuy nhiên, khi áp dụng với con của mình, chị không lập lại hoàn toàn cách dạy của cha mẹ. Bởi chị nhận thấy cha mẹ xưa kia quá khắt khe đối với con, nhất là trong việc giữ gìn lễ giáo.

Từ cách ăn, cách nói, cách ngồi, ngay cả cách cầm đũa cũng phải chỉn chu, nếu sai một chút là chị bị la mắng ngay.

Bản thân tự rút ra bài học, chị áp dụng cách dạy con của ba mẹ nhưng có điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ chị như vẫn dạy lễ nghĩa cho con theo truyền thống nhưng dùng phương pháp khích lệ chứ không áp đặt. Chị khen con mỗi khi con làm tốt và nhẹ nhàng nhắc nhở để con sửa chữa những khiếm khuyết.
"Cha mẹ nào cũng muốn dạy tốt cho con của mình. Chỉ cần mình cố gắng dạy và hiểu con. Phải hiểu con thì mình mới thành công được" - chị Lâm Anh Đào chia sẻ.
Đối với chị Lâm Anh Đào, nề nếp trong gia đình là rất quan trọng, tức là mọi người phải biết hòa thuận, kính trên nhường dưới.

Những bài học vỡ lòng mà chị dành cho con không phải là cách nhận biết mặt chữ, mà là cách ứng xử với mọi người, cách nói lời dạ, thưa khi giao tiếp với người lớn hơn. Chị nghĩ rằng lễ phép là nét đẹp văn hóa mà người Việt nên luôn gìn giữ.

Đến bữa cơm thì các con mời cha mẹ trước, lễ phép chào hỏi, rót nước mời khách… là những việc đang dần trở nên hiếm thấy trong nhiều gia đình người Việt ở Úc với lối sống bận rộn. Thế nhưng những việc ấy đã trở thành nếp sống, là thói quen được gìn giữ bấy lâu nay trong mái ấm của chị Lâm Anh Đào.

Biết quan tâm và chia sẻ là điều mà chị Anh Đào luôn nhắc nhở từ khi con còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Giờ đây con của chị đang đi học xa vẫn gọi điện hỏi thăm mẹ mỗi ngày. Đó là niềm vui của chị sau khoảng thời gian dài đồng hành cùng con, thấu hiểu con và chọn được cách dạy con phù hợp.

Mời quý vị bấm vào biểu tượng Audio trong hình ở đầu trang để nghe nội dung cuộc phỏng vấn chị Lâm Anh Đào.

Share