Người Úc gốc Việt về quê hương đoàn viên giữa đại dịch

Chị Thu Hằng chở mẹ đi mua hoa Tết (trái) và bé Kylie hạnh phúc trong vòng tay ông ngoại (phải)

Chị Thu Hằng chở mẹ đi mua hoa Tết (trái) và bé Kylie hạnh phúc trong vòng tay ông ngoại (phải) Source: Thu Hang, Giang Le

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

“Ông bà ngoại cười mà như mếu sau hai năm cháu sinh ra mà chưa từng gặp mặt, nhìn nụ cười của ông bà, em thấy mọi khó khăn của chuyến đi này thật xứng đáng… Mẹ của mình đã 72 tuổi, bà đứng ở cửa chờ con, bà muốn lao vào ôm chầm lấy mình, nhưng mình phải ngăn lại, nói mẹ ơi con phải lên phòng cách ly 3 ngày đã”.


‘Tạm biệt những cái hôn qua màn hình, cháu đã trong lòng ngoại’

Sum vầy và đoàn viên từ lâu đã là truyền thống của mọi gia đình Việt mỗi dịp Tết nguyên đán.

Hai năm biên giới đóng cửa trên khắp thế giới. Những chuyến bay thương mại bị cắt đứt. Đại dịch COVID-19 đã khiến cho bao gia đình lỡ hẹn đoàn viên.

Gia đình, những người thân yêu suốt gần 800 ngày qua, bỗng chốc thu lại vỏn vẹn trong màn hình nhỏ bé của chiếc điện thoại.

Ngay khi biên giới được nới lỏng và những chuyến bay đầu tiên thông thương kết nối hai bờ đại dương, nhiều người Úc gốc Việt quyết định vượt qua trở ngại của đại dịch để gặp lại những người thân yêu.

Trong đó có em bé Kylie vừa tròn 2 tuổi. Cô bé mang hai dòng máu Úc-Việt, sống tại Melbourne có mặt cùng mẹ trên chuyến bay của Việt Nam Airline vào ngày 14 tháng 1 vừa qua, vẫn còn ngơ ngác khi lần đầu tiên vượt đại dương để về quê mẹ.

Chị Giang Lê, mẹ của bé Kylie chia sẻ, con của chị sinh ra khi đại dịch vừa bắt đầu, bé chưa bao giờ gặp ông ngoại và đã xa bà ngoại khi mới lọt lòng.

“Mẹ em sang Úc chăm bé được 6 tháng đầu tiên rồi phải về Việt Nam. Bố của em chưa bao giờ gặp cháu ngoại. Cả nhà chỉ có thể nhìn nhau qua những cuộc gọi video”.
Nếu Tết này mình không về thì chắc gì Tết sau mình có thể về được. Nhìn ông bà ngoại cười mà em thấy chuyến đi này thật xứng đáng.
Với chị Giang Lê đó là quyết định không hề dễ dàng, khi con còn quá nhỏ và chi phí cho chuyến bay hồi hương thời điểm này không hề rẻ.

“Em suy nghĩ rất nhiều và thấy rằng nếu mình chỉ nghĩ thì sẽ không bao giờ làm. Nếu Tết này mình không về thì chắc gì tết sau mình có thể về được.

Em quyết định hỏi sự hỗ trợ từ ông bà ngoại. Ông bà muốn được ôm cháu trong vòng tay, và sẵn sàng lo mọi chi phí để cháu có thể về ăn Tết năm nay.

Ông bà sẵn lòng mọi thứ, vậy là em làm ngay, chỉ trong vài ngày”, chị Giang nói với SBS.
Chị Giang cùng con gái Kylie lần đầu tiên đón Tết ở Việt Nam.
Chị Giang cùng con gái Kylie lần đầu tiên đón Tết ở Việt Nam. Source: Giang Le
Chia sẻ lại hành trình hơn 10 tiếng đồng hồ chờ đợi ở cả hai phi trường Tullamarine và Tân Sơn Nhất, chị Giang Lê nói với SBS chị phải làm xét nghiệm PCR cho cả hai mẹ con ở sân bay, làm thêm các xét nghiệm khác khi vừa đáp máy bay, thực hiện cách ly 72 giờ và làm xét nghiệm PCR lần cuối tại Việt Nam trước khi “được vui chơi, ăn Tết và hòa nhập cộng đồng.”

Dẫu khó khăn, nhưng chị chia sẻ nụ cười như muốn khóc của ông bà là khoảnh khắc quý giá và giây phút mà chị không thể nào quên được trong đời.

Hành trình khó khăn một mẹ một con giữa đại dịch từ Úc về Việt Nam được gói ghém trọn vẹn trong hai chữ “xứng đáng”.

“Chung cư mà em sống ở quận 7 đã trang hoang đón Tết, nhạc Xuân mở khắp nơi, không khí đón Tết tưng bừng. Nó khác lắm so với việc mình ngồi tưởng tượng ở Úc. Nó đã hơn rất nhiều”, chị Giang Lê chia sẻ với SBS.

‘Mẹ ơi, chờ con nhé, con sắp về đây’

Từ Melbourne về đến Hải Phòng sau hai chặng bay dài, chị Thu Hằng thở phào nhẹ nhõm khi không phải cách ly tập trung ở phi trường Nội Bài. Nói chuyện với SBS qua điện thoại khi đang ngắm chợ xuân cùng người mẹ đã 72 tuổi, chị không giấu được hạnh phúc.

“Khi xuống sân bay mình mới biết rằng không phải cách ly tập trung, dù mình đã đóng hết tiền để cách ly rồi. Gọi điện về nhà thì mẹ mình nói ngay ‘không phải cách ly thì về nhà với mẹ’.

Vừa bước xuống xe về đến nhà, mình đã thấy bà đứng tựa cửa đợi. Bà muốn lao ra ôm lấy mình ngay. Nhưng trước đó mình đã gọi về nhà dặn rất rõ ràng, con cần phải cách ly và làm xét nghiệm, con sẽ xuống xe và đi thẳng vào phòng riêng để cách ly, cả nhà đừng ai tiếp xúc với con cả.
Nhiều ông bà hàng xóm có con làm ăn xa ở nước ngoài chưa về được. Châu Âu bây giờ vẫn chưa có chuyến bay, họ thấy mình về họ cũng mừng lây. Họ cũng mong mình về được rồi thì con cái họ cũng sắp được về”.
Nhà mình có một cháu trai còn bé chưa được chích ngừa, nên mình rất cẩn thận. Cháu bé cứ đứng dưới cầu thang nói vọng lên chào bác, con đứng ở đây nói chuyện với bác thôi, con không lên đâu ạ”.

Với chị, quỹ thời gian sống của mẹ càng lúc càng có hạn, do đó chị trân trọng mọi phút giây được bên mẹ.

“Cha của mình mất rồi, mình chỉ còn mẹ thôi. Năm ngoái dịch bệnh hoành hành, ông nội của mình 101 tuổi mất mà mình không cách nào về được. Bây giờ mình về, anh chị em, cô dì chú bác bên ngoại bên chồng đều mừng cả. Ai cũng biết mình đã vượt qua nhiều khó khăn lắm mới về được.
Chị Thu Hằng chia sẻ với SBS không khí Tết từ Hải Phòng.
Chị Thu Hằng chia sẻ với SBS không khí Tết từ Hải Phòng. Source: Thu Hang
Nhiều ông bà hàng xóm có con làm ăn xa ở nước ngoài nhưng chưa về được. Nhiều người ở Châu Âu bây giờ vẫn chưa có chuyến bay, họ thấy mình về họ cũng mừng lây. Họ cũng mong mình về được rồi thì con cái họ cũng sắp được về”.

Chị Thu Hằng chia sẻ không khí Tết ở Hải Phòng có phần yên ả hơn trước đây, khi thành phố của chị đang sống giờ là một trong những điểm nóng của đợt dịch mới.

“Mình ra chợ xuân lựa mấy chậu hoa. Nhưng chỉ đứng bên hàng rào chỉ vào thôi. Ngày xưa là cầm vào cây, xoay tới xoay lui để lựa, nhưng giờ thì khác”.

Mời quý vị nghe phỏng vấn với khách mời trong phần audio.

Share