Lập liên minh quốc tế "loại bỏ than đá" nhằm bảo vệ môi trường

Greenpeace protesters on the River Rhine during the UN Climate Change Conference COP23 in Bonn

Nhóm ủng hộ Greenpeace trên sông River Rhine trong thời gian diễn ra Hội thảo Thay đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Bonn, Đức Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Hai mươi quốc gia trên thế giới đã thành lập một liên minh nhằm kêu gọi loại bỏ năng lượng than đá, chống lại thay đổi khí hậu; thế nhưng Úc, một nước có 3/4 năng lượng tiêu thụ từ than đá, có vẻ rất "hờ hững" với hành động này.


Kể từ khi có Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2015, nhiều quốc gia đã công bố những kế hoạch loại bỏ than đá nhằm làm giảm lượng khí thải carbon.

Và nay, các quốc gia này đã cùng sát cánh lập nên một liên minh mới, gọi là Liên Minh Năng lượng Không Dùng Than đá, ra mắt tại hội thảo khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Bonn, Đức.

Liên minh này bao gồm hai mươi quốc gia, và 2 tiểu bang của Hoa Kỳ, trong đó Canada là một trong những thành viên sáng lập.

Bộ trưởng Môi sinh của Canada, bà Catherine McKenna, nói, hành động này là chỉ dấu cho thấy sự chấm dứt của năng lượng than đá, nguồn năng lượng đã góp phần tạo ra 40% khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.

“Than đá, nói đúng nghĩa, đang dần giết chết các thành phố và người dân. Trên khắp thế giới chúng ta đã chứng kiến gần 1 triệu cái chết mỗi năm do ô nhiễm không khí mà nguyên nhân chính là việc đốt than đá. Con người không chỉ phải trả giá bằng sinh mạng, mà còn tổn thất rất nhiều về kinh tế, tổng cộng hàng tỷ đô la mỗi năm”.

Những quốc đảo ở Thái Bình Dương, hiện đang gặp nguy cơ do mực nước biển dâng cao, cũng gia nhập liên minh này.

Tại buổi ra mắt, Bộ trưởng Môi sinh của Anh quốc, Claire Perry nói, bà hi vọng lần họp mặt tới diễn ra tại Phần Lan vào năm sau, số lượng những người tham gia sự kiện sẽ tăng gấp 4 lần.

“Có vẻ như đây là một bước ngoặt cực kỳ quan trọng, tôi nghĩ đây là một liên minh vững chắc và đầy tham vọng. Liên minh lập ra không phải nhằm chỉ đạo mọi người phải làm gì, mà nhằm đề cao những lợi ích có thể đạt được, đồng thời giúp đỡ chúng ta đạt được những bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về khí hậu, vì hành tinh của chúng ta và vì các thế hệ sau này.”

Bà Camilla Born, đến từ trung tâm phân tích thay đổi khí hậu E3G, nói, việc thành lập một liên minh là một khởi đầu tốt, nhưng họ phải cho thấy kết quả.

“Thứ nhất là để kêu gọi thêm nhiều nước tham gia. Chúng ta hiện đã có 20 quốc gia, nhưng chúng ta cần mở rộng hơn và cần mời được các quốc gia thuộc OECD (Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển). Thứ hai là liên minh này cần chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và chính sách trong việc giải quyết thách thức và nắm bắt cơ hội của quá trình chuyển giao, cũng như các vấn đề về xã hội, kinh tế và pháp luật khác.”

Trong khi các quốc gia này đang tràn đầy quyết tâm loại bỏ than đá, thì dường như Úc và một số quốc gia lấy than đá làm nguồn năng lượng chính, như Ấn Độ và Hoa Kỳ không có vẻ gì sẽ gia nhập liên minh này.

Úc đã và đang phụ thuộc vào than đá, và năng lượng than đá chiếm ¾ tổng năng lượng tiêu thụ, trong khi chính sách năng lượng mới đang muốn giảm con số này xuống còn 2/3.

Điều này đã gây nên chỉ trích từ phía các đảo quốc trên Thái Bình Dương như đảo Marshall, và Tổng thống Hilda Heinem của quốc đảo này đã lên tiếng nói bà hi vọng một sự thay đổi từ phía chính phủ để đem lại hướng đi mới cho ngành than đá.

Bộ trưởng Thay đổi khí hậu của New Zealand, James Shaw, thúc giục nước Úc nên gia nhập liên minh.

“Thông điệp của tôi gửi đến nước Úc là, chúng ta đang sống trong cùng thế giới, mỗi quốc gia cần làm tốt vai trò của mình để thay đổi nền kinh tế. Ai cũng hiểu điều đó rồi, và chúng ta cần làm việc với Úc để bảo đảm tất cả chúng ta phải đi cùng nhau vì một mục đích.”

Bộ trưởng Môi sinh của Úc Josh Frydenberg hiện đang ở Bonn tham gia vào các cuộc hội đàm, nhưng không mấy quan tâm đến liên minh.

Khi được hỏi ý kiến về liên minh, ông đã trích dẫn viễn cảnh năng lượng 2017 của Bloomberg, cho rằng than đá vẫn là nguồn cung cấp năng lượng chủ đạo cho châu Á, đóng góp khoảng 1/3 điện năng vào năm 2040.

Ông Frydenberg cũng công bố gói ngân sách ‘carbon xanh’ trị giá $6 triệu dành cho các dự án tại những quốc gia ở Thái Bình dương như dự án tái trồng rừng ngập mặn và tảo biển để ngăn ngừa nước biển dâng cao do bão.

Hồi đầu tuần, tại London, ông Frydenberg cũng có bài phát biểu khẳng định những kế hoạch lớn của Thủ tướng Turnbull về nhà máy thủy điện Snowy Hydro 2.

Ông nói dự án này là minh chứng cho thấy sự đổi mới của Úc trong việc giải quyết các vấn đề thay đổi khí hậu.

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share