Một người tầm trú trên đảo Manus được trao giải thưởng nhân quyền

عبدالعزیز محمد در حال دریافت جایزه مارتین انالز

Source: EPA

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Giải thưởng nhân quyền Martin Ennals 2019 đã được trao cho một người tầm trú gốc Sudan đang bị tạm giữ tại Trung tâm Tạm giữ người tầm trú trên đảo Manus là ông Abdul Aziz Muhamat. Đây là giải thưởng được trao cho các cá nhân trên thế giới đã tỏ ra đặc biệt can đảm trong việc bảo vệ và làm tăng tiến nhân quyền.


Abdul Aziz Muhamat, 26 tuổi, gốc Sudan, đã bị giam giữ tại Trung tâm Tạm giữ người tầm trú trên đảo Manus từ năm 2013. Muhamat đã vinh dự nhận Giải thưởng Martin Ennals 2019, vốn được coi là giải Nobel về nhân quyền, trong buổi lễ trao giải tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ.

Giải thưởng thường niên này đặt theo tên của nhà hoạt động nhân quyền người Anh từng đoạt giải Nobel Hòa bình - ông Martin Ennals - nhằm vinh danh những cá nhân trên thế giới đã tỏ ra đặc biệt can đảm trong việc bảo vệ và làm tăng tiến nhân quyền.

Người nhận giải thường đang phải sống trong cảnh đe dọa bởi tù đày, tra tấn hay thậm chí còn tệ hơn.

Từ đảo Manus, Muhamat đã trả lời phỏng vấn với các tổ chức truyền thông quốc tế cũng như thường xuyên tweet nhằm vén lên bức màn và lên án chất lượng cuộc sống tại trung tâm tạm giữ người tầm trú ở ngoài khơi này.

Anh cũng đã gửi gần 4.000 tin nhắn thoại, ghi lại những trải nghiệm của mình, trong podcast có tên “The Messenger” và cũng đã giành được nhiều giải thưởng.

Muhamat nói rằng, anh dành tặng giải thưởng này cho các bạn tù đang bị giam giữ trong các nhà tù và trung tâm tạm giữ củaÚc.

Muhamat  phát biểu: “Cảm ơn các đại diện của cộng đồng quốc tế và tất cả những người anh chị em của tôi trên khắp thế giới, trong đó có những bạn bè thân thiết của tôi - những người anh hùng trên các đảo Manus và Nauru”.

Lễ trao giải có sự tham gia của đại diện các nhóm hoạt động nhân quyền, các nhà lãnh đạo đến từ khắp nơi trên thế giới. Điều đặc biệt nữa là buổi lễ này diễn ra trước sinh nhật thứ 26 của Muhamat chỉ có 4 ngày.

Muhamat nói với những người tham dự buổi lễ rằng, những người đang bị tạm giữ trên đảo Manus chỉ biết sống qua ngày nào hay ngày đó, và họ đang làm tất cả những gì có thể nhằm hỗ trợ cho nhau.

Muhamat cho là, bằng cách dùng những con số để gọi tên người đang bị tạm giữ trên Manus, chính phủ Úc đang xóa đi danh tính của họ.

Anh nói: “Chính phủ Úc định danh chúng tôi qua những con số. Họ đã xóa đi danh tính chúng tôi. Họ đã đánh cắp danh tính của chúng tôi. Tên tôi là QMK002. Và nếu tôi không sử dụng mã số đó, tôi sẽ không thể lấy nước uống. Nếu tôi không sử dụng con số đó,  tôi sẽ không có thức ăn. Và nếu tôi không sử dụng nó, tôi sẽ không thể tiếp cận các dịch vụ y tế”.
Các nhà tổ chức giải thưởng nhân quyền Martin Ennals cho biết là, Thụy Sĩ đã cấp cho Muhamat chiếu khán tạm thời để anh có thể đến Gieneva tham gia lễ trao giải; rồi sau đó, ngày 23/2 tới, Muhamat sẽ quay về đảo Manus. Bộ Nội vụ đã được liên lạc để đưa ra phản hồi. “Anh ấy đã đứng lên trong tình cảnh mà với người khác, có lẽ đã gục ngã, ngay cả khi, những hành động ấy sẽ hạn chế cơ hội được định cư của anh”- bà Alice Mogwe, Thành viên Hiệp Hội Quốc Tế cho Nhân Quyền.
Muhamat cho hay là, tuy anh đã tạm rời khỏi đảo Manus, nhưng tình cảnh trên hòn đảo này vẫn đè nặng trong tâm trí anh, nhất là với những gì anh đã trải qua.

“Tôi đang ở xa, cách xa Manus hàng ngàn cây số, nhưng suy nghĩ của tôi luôn hướng về Manus. Khi tôi đến Úc, tôi mới 20 tuổi. Khi ấy, tôi là một chàng trai trẻ tuổi, năng động, với rất nhiều ước mộng và hoài bão. Nhưng rồi, thay vào đó, tôi đã bị nhốt trong một cái lồng trong suốt 6 năm qua. Nhưng thay vì làm tôi yếu đi, thì cái lồng đó lại khiến tôi trở nên mạnh mẽ hơn” – Muhamat tâm sự.

Ban giám khảo Giải thưởng Martin Ennals gồm 10 tổ chức nhân quyền, trong đó có Tổ chức Ân xá Quốc tế, Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

Thành viên Hiệp Hội Quốc Tế cho Nhân Quyền, bà Alice Mogwe là một trong số rất nhiều người ngợi ca những gì mà Muhamat đã làm được.

Bà nói: “Anh ấy đã đứng lên trong tình cảnh mà với người khác, có lẽ đã gục ngã, ngay cả khi, những hành động ấy sẽ hạn chế cơ hội được định cư của anh”.

Leila Matar, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng dành những lời ngợi ca Muhamat: “Abdul Aziz và vài người can đảm khác mà chúng ta mới biết đến điều kiện sống khủng khiếp trên đảo Manus, trong đó có cả các vụ tự tử, những trường hợp tử vong hay bị đánh đập. Đó là nhờ vào thông tin được Abdul Aziz chuyển đi”.

Muhamat đã vượt qua 2 cá nhân khác để được nhận giải thưởng Martin Ennals Award năm nay. Hai người đó là Marino Cordoba Berrio - một nhà tổ chức các hoạt động cộng đồng nhằm tranh đấu cho quyền lợi của cộng đồng người Afro-Colombia  ở Colombia, và Eren Keskin, một luật sư và là nhà hoạt động nhân quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang bị cầm tù. 

Bà Keskin không thể đến dự lễ vì cô đã bị cấm xuất cảnh.

Giải thưởng được trao cho Muhamat chỉ vài tuần sau khi một tù nhân khác của đảo Manus, nhà báo người Kurd từ Iran, Behrouz Boochani, được trao giải thưởng văn học danh giá của Úc.


Share