Lính cứu hỏa tận dụng thời tiết đẹp để kiểm soát cháy rừng

NSW Rural Fire fighters establish a backburn  in Mangrove Mountain, New South Wales, Sunday, December 8, 2019. (AAP Image/Jeremy Piper) NO ARCHIVING

A firefighter establishes a backburn Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Thời tiết dễ chịu hơn hồi cuối tuần đã giúp lính cứu hỏa kiểm soát hàng chục đám cháy dọc duyên hải Đông bộ Úc. Tuy nhiên nhiệt độ dự đoán sẽ tăng lên tới 40 độ C trong tuần này tại vài nơi thuộc NSW, người dân được khuyên hãy luôn thận trọng.


Trong khi lính cứu hỏa tại NSW đang cố hết sức ngăn cản ngọn lửa có thể tiếp tục lan rộng trong điều kiện thời tiết nắng nóng và nhiều gió, lính cứu hỏa tiếp viện đến từ Hoa Kỳ đang làm quen với môi trường Úc khắc nghiệt.

21 chuyên gia về hàng không và kiểm soát tai nạn đến từ Hoa Kỳ sẽ tăng cường tiếp viện cho các khu vực thuộc Hawkesbury, Richmond và duyên hải phía Nam của NSW.

Với điều kiện thời tiết dự báo sẽ tồi tệ hơn từ thứ Ba, 10/12, người đứng đầu Dịch vụ Cứu hỏa Miền quê NSW Ben Millington nói ông rất biết ơn sự giúp đỡ kịp thời.

“Cuối tuần này điều kiện thời tiết sẽ càng xấu hơn, vì vậy sự tiếp viện đến rất đúng lúc. Bạn có thể hiểu là chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Nha Khí tượng và liên lạc với họ hàng ngày về các dự báo thời tiết. Chúng ta sẽ thấy nhiệt độ tăng lên kể từ thứ Ba, nhưng điều đáng lo lắng hơn cả là tình trạng tia chớp sẽ phóng xuống nhiều hơn cuối tuần này”.

Bà Tổng lãnh sự Mỹ Sharon Hudson-Dean nói lực lượng liên minh Mỹ - Úc phản ánh sự gắn bó mạnh mẽ giữa hai quốc gia.

“Nhóm chuyên gia này đại diện cho sự cam kết rằng Mỹ sẽ giúp đỡ nước Úc hết lòng và ngược lại với Úc cũng vậy. Chúng tôi vô cùng tự hào vì tất cả những thiện nguyện viên đã xung phong có mặt tại đây để giúp đỡ”.

Lực lượng cứu hỏa tận dụng điều kiện thời tiết dễ chịu hơn hồi cuối tuần để thực hiện các vụ đốt chặn và tổ chức các chiến lược kiểm soát đám cháy.

Mặc dù nhiều hành động ngăn chặn đã tích cực được triển khai, nhưng Ủy viên Dịch vụ Cứu hỏa Miền quê Shane Fitzsimmons vẫn yêu cầu mọi người hãy thận trọng.

“Chúng ta không thể lơ là vào lúc này. Vì chúng ta hiện có hơn 1 triệu héc ta đang bị đốt cháy khắp tiểu bang, mà chỉ có chưa tới 2,000 lính cứu hỏa và nhân viên đang làm nhiệm vụ tại hiện trường. Chưa kể chúng ta còn có nhiều cộng đồng dân cư sống dọc duyên hải đang bị ảnh hưởng nặng nề từ các vụ cháy”.

Chất lượng không khí tại Sydney bị ảnh hưởng nặng nề từ cháy rừng, vì khói bụi vẫn bao phủ hầu hết các khu vực của thành phố và vùng lân cận.

Tro bụi từ cháy rừng cũng phủ đầy các bãi biển khắp tiểu bang. Chuyên gia về sinh thái biển, Tiến sĩ Emma Johnston nói khi tro bụi hòa vào dòng nước, có thể phá vỡ hệ sinh thái một cách trầm trọng.

“Một lượng lớn tro bụi từ thực vật bị cháy đã rắc xuống khắp mặt biển, đây là nguồn chứa carbon và nhiều chất khác. Vì vậy có hai vấn đề lớn. Một là nước biển sẽ bị trộn lẫn với rất nhiều tro bụi, khiến mang cá bị tắt nghẽn. Những loại sò và cá chuyên ăn lọc sẽ không ăn uống được. Nhưng vấn đề thứ hai mới nguy hiểm, vì nó gián tiếp khiến cho tảo lan rộng. Mật độ tảo bao phủ mặt nước tăng vọt, khi bắt đầu phân hủy sẽ lấy đi rất nhiều khí ô xy. Điều này sẽ khiến cá chết hàng loạt vì môi trường thiếu dưỡng khí”.

Tiến sĩ Johnston nói bụi trải khắp mặt biển có thể gây đau rát mắt và tai khi tiếp xúc, nhưng tệ hơn là nó có thể đi vào các dòng suối và những nơi cung cấp nước uống.

“Không phải chỉ những vùng nước mặn mới khiến người ta lo ngại. Điều họ lo lắng hơn chính là những dòng suối và nơi chứa nước uống vốn rất trong lành giờ đây có thể bị nhiễm độc, sẽ gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe người dân”.

Trong khi đó tại Queensland, lính cứu hỏa đang đối mặt với những vấn đề khác.

Hơn 1,000 lít nước bị mất trộm ở khu vực nam Brisbane khi người dân tuyệt vọng tìm cách bảo vệ gia cư, gia súc và đất đai khỏi bị cháy.

Các chú koala cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Chính phủ Queensland có kế hoạch giúp đỡ số koala hoang dã bằng cách chi hai triệu Úc kim nhằm xây dựng một địa điểm rộng 570,000 héc ta, là nơi giúp phục hồi loài koala.


Share