Kêu gọi nâng cao nhận thức về chứng trầm cảm trước và sau sinh

A young family walk through a park in Sydney on Sunday, April 30, 2017. (AAP Image/Paul Miller) NO ARCHIVING

Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Những ai chuẩn bị làm cha mẹ đang được kêu gọi phải tự trang bị kiến thức về mối nguy hiểm của chứng trầm cảm và lo âu trước và sau sinh, nguyên nhân khiến người những người mẹ có thể tự làm hại bản thân hoặc thậm chí tự tử.


Vận động viên Shantelle Thompson, đã từng hai lần vô địch thế giới bộ môn Jiu – Jitsu nhu thuật Brazil.

Nhưng hiện nay cô tham gia tập luyện bộ môn võ thuật này như là một cách giải tỏa chứng trầm cảm sau sinh, khiến cô suy sụp hồi năm 2009.

Thời gian đó, sau khi sinh đôi 2 đứa con, cô bắt đầu có những ý nghĩ cùng quẫn đến mức muốn giết hại con mình.

“Căn bệnh này là một cơn ác mộng giữa ban ngày. Mỗi lúc tôi không làm gì là tâm trí tôi bắt đầu hiện ra những hình ảnh làm hại con cái. Tôi thấy một chiếc xe tải màu đỏ lao tới chuẩn bị đâm vào xe tôi, tôi đã ra sức đạp ga tăng tốc nhưng chiếc xe của tôi vẫn không nhúc nhích.”

Lo sợ con sẽ bị tách khỏi mẹ, cô đã chọn cách không dùng thuốc điều trị mà trở lại với bộ môn Jiu-Jitsu.

“Tôi đoán là chính bộ môn võ Jiu Jitsu đã giúp tôi có thêm nội lực và giúp tôi có thể kết nối lại với chính bản thân mình theo một cách mới, giúp tôi tìm lại được sức mạnh của bản thân.”

Tình trạng trầm cảm trong thời gian sinh nở không phải là chuyện hiếm gặp. Mới đây, một nhóm hỗ trợ những người phụ nữ và nam giới đang phải chịu các chứng trầm cảm và lo âu trước và sau sinh đã giới thiệu một văn bản hướng dẫn toàn quốc, trong đó khuyến cáo những người chuẩn bị làm cha mẹ nên đi kiểm tra sức khỏe tâm thần trong thời gian thai kỳ, và sau khi sinh con.

Nhóm hỗ trợ này chịu trách nhiệm trả lời đường dây điện thoại khẩn cấp toàn quốc, họ cho hay nhiều người dân thuộc các cộng đồng sắc tộc là những đối tượng dễ gặp nguy hiểm, vì việc bàn về sức khỏe tâm thần là điều cấm kỵ ở một số cộng đồng.

CEO của trung tâm Trầm cảm và Lo âu cho các bà mẹ, gọi tắt là PANDA, bà Terri Smith nói

“Vấn đề này vẫn rất bị coi nhẹ, và nó ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn thai kỳ và sinh con, giai đoạn mà người phụ nữ cũng như người đàn ông trong gia đình gặp rất nhiều áp lực.”

Một trong những thách thức chính đã được chỉ rõ, đó là nhiều người có triệu chứng trầm cảm thường không nói ra và thậm chí họ cũng không nhận ra mình bị bệnh, hoặc không biết là bệnh này có thể chữa được.

Bà Smith khuyên nếu phụ nữ trải qua những chuyện khó khăn, họ nên tìm đến sự giúp đỡ

“Nếu các triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu trở nên thường xuyên và kéo dài, khoảng 2 tuần chẳng hạn, thì đó là lúc bắt buộc phải tìm đến sự giúp đỡ.”

Những thông tin về trầm cảm và lo âu trong thời gian thai kỳ và sau sinh hiện đã được dịch ra tiếng Việt, tiếng Hoa, Urdu, Somali và Ả Rập.

Đường dây điện thoại của PANDA National Helpline 1300 726 306, từ thứ Hai - thứ Sáu, 9 giờ sáng  - 7.30 giờ tối 

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

 


Share