Rượu bia có thực sự là nguyên nhân của bạo hành gia đình?

Drinking study looks at domestic violence

Uống rượu nhiều có liên quan đến bạo hành gia đình? Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Một cuộc thăm dò công luận cho thấy 90% người Úc tin rằng có mối liên hệ giữa việc uống quá nhiều rượu bia với nạn bạo hành gia đình, tuy nhiên nhiều tổ chức khác lại không đồng tình.


Việc người dân Úc rất thích đi làm vài ly bia đã trở thành chuyện không có gì xa lạ.

Nhưng liệu nước Úc có phải là một quốc gia tiêu thụ rượu bia quá độ không?

Hãy cùng nghe một số ý kiến từ những người đang ngồi tại một quán rượu

“Tôi không cho là vậy. Hay ít nhất không phải là bản chất của nước Úc trước đây.”

“Cả nước Úc, tất cả người dân ở đất nước này đều uống quá nhiều.”

Một cuộc thăm dò công luận được thực hiện vào năm nay do Tổ chức Nghiên cứu và Giáo dục về Đồ uống có cồn, hay còn gọi là FARE, đã cho thấy cứ 5 người tham gia trả lời thăm dò thì có 4 người cảm thấy nước Úc đang có vấn đề với bia rượu.

Và hơn 90% người tham gia tin rằng rượu bia có liên quan tới nạn bạo hành gia đình.

Giám đốc của FARE Michael Thorn cho rằng kết quả này nên được xem như một hồi chuông thức tỉnh.

“Mặc dù mức độ quan ngại về tình trạng uống rượu bia đang tăng cao, khiến cho văn hóa nước Úc trở thành loại văn hóa bị ảnh hưởng bởi rượu bia, nhưng chúng ta dường như không thể làm việc được nếu không có một ly rượu hay một ly bia trong tay.”
Cuộc thăm dò công luận cũng cho thấy con số người Úc uống rượu chỉ với mục đích để say xỉn đã tăng từ 34% vào năm 2015 lên 44% vào năm nay.
Ông Thorn nói đã đến lúc Chính phủ không được thờ ơ về vấn đề tác động của rượu bia đến nạn bạo lực gia đình. Trước nay Chính phủ đã thả lỏng cho người dân có thể mua rượu bia dễ dàng bằng cách cho phép thêm nhiều cửa hàng bán đồ uống có cồn, nới rộng giờ mở cửa hàng và cho phép thị trường cạnh tranh quyết định giá đồ uống.

Mặt khác, ông Thorn cũng cho biết ngành công nghiệp bia rượu ở Úc đã phản đối các thay đổi ảnh hưởng đến việc đánh thuế đối với mặt hàng bia rượu và các thay đổi về việc tiếp thị và cung cấp bia rượu trên thị trường.

Cuộc thăm dò công luận cũng cho thấy con số người Úc uống rượu chỉ với mục đích để say xỉn đã tăng từ 34% vào năm 2015 lên 44% vào năm nay.

Theo ông Thorn, giám đốc của FARE, thì bạo hành gia đình không chỉ là vấn đề bình đẳng giới, mà còn liên quan đến cả trẻ em.

Nghiên cứu của FARE cho thấy cứ 3 người Úc thì có một người phải chịu ảnh hưởng từ nạn bạo hành do rượu bia.  

Hơn một triệu trẻ em ở Úc đang sống trong những gia đình có người chăm sóc bị nghiện bia rượu và khoảng 10,000 trẻ trong số đó phải nhờ đến sự bảo vệ của pháp luật.

Thế nhưng ông Fergus Taylor, đến từ cơ quan quản lý Đồ uống có cồn của Úc, nói kết quả này mâu thuẫn với nhiều cuộc nghiên cứu khác.

“Riêng nạn bạo hành gia đình vẫn gia tăng, nhưng bạo hành gia đình do rượu bia gây ra thì lại đang giảm. Và điều đó rõ ràng đã cho thấy, rượu bia không phải là nguyên nhân dẫn đến bạo hành gia đình. Và rất là vô trách nhiệm khi nói rằng xóa bỏ rượu bia sẽ ngăn chặn được những hành động bạo lực này.”
"Rượu bia chỉ là một nhân tố làm gia tăng bạo lực chứ không phải là nguyên nhân đầu tiên gây ra bạo lực," Karen Willis.
Các cơ quan dịch vụ hỗ trợ cũng đồng tình với quan điểm trên

Bà Karen Willis, đến từ Cơ quan hỗ trợ nạn nhân những vụ Cưỡng bức và Bạo hành gia đình, nói rằng tuy rượu bia có thể làm giảm khả năng kiềm chế của con người, nhưng nó không gây ra bạo hành gia đình.

“Những người không bao giờ đụng đến một giọt rượu trong đời không có nghĩa là họ không sử dụng bạo lực trong các mối quan hệ, còn những người hay say xỉn, cũng không hẳn là họ sẽ dùng bạo lực với mọi người xung quanh. Rượu bia chỉ là một nhân tố làm gia tăng bạo lực chứ không phải là nguyên nhân đầu tiên gây ra bạo lực.”

Ở Úc, bạo hành gia đình là một tội ác. Bạo hành gia đình có thể bao gồm lạm dụng hoặc xâm hại về tâm lý hoặc thể chất, cưỡng bức quan hệ tình dục, cưỡng bức cô lập hoặc tước đoạt quyền lợi kinh tế.

Bà Willis nói khoảng 80% các vụ bạo hành gia đình là bạo hành về cảm xúc chứ không phải bạo hành về thể chất.


Share