Cùng giữ tiếng Việt: Cô gái đại điện cho tiếng nói cộng đồng

Tu Le (far right) is an active member of the Vietnamese Australian Lawyers' Association (VALA)

Tu Le (far right) is an active member of the Vietnamese Australian Lawyers' Association (VALA) Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tú Lê là một gương mặt quen thuộc với cộng đồng người Việt ở Sydney không chỉ vì cô là một luật sư cộng đồng mà còn vì cô cũng là đại diện cho tiếng nói của người Việt nhập cư ở Úc, là người luôn tích cực vận động vì sự bình đẳng và tăng cường tiếng nói của các cộng đồng các sắc dân nhập cư ở Úc, trong đó có cộng đồng người Việt.


Vào một ngày đầu tháng 3 năm nay, Hồng Vân có dịp được tham dự buổi giới thiệu cuốn sách The mountains sing của nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai tại thư viện Campsie và tình cờ được gặp 1 cô gái trẻ với khuôn mặt xinh xắn, lanh lợi và giọng nói trong trẻo và đặc biệt là khả năng nói tiếng Việt lưu loát làm người ta có cảm giác như đang được nói chuyện ở giữa phố Sài gòn chứ không phải ở 1 thành phố ngoại quốc như Sydney. Làm thế nào Tú Lê có thể duy trì và phát triển năng lực tiếng Việt tốt như vậy và khả năng nói tiếng Việt thành thạo đã giúp cô trong công việc là luật sư cộng đồng như thế nào?

Gia đình Tú Lê qua Úc sau năm 1975, với 2 người con được sinh ở Việt Nam còn Tú Lê được sinh ra ở Úc. Theo Tú Lê, ba mẹ là người đã luôn quan tâm và “thúc ép” Tú học tiếng Việt mặc dù khi còn bé, cũng như nhiều trẻ em khác, Tú cũng bị cuốn hút bởi các hoạt động ngoại khóa, thể thao. Khi lớn lên Tú thấy rất may mắn là mình đã nghe lời ba mẹ để tiếp tục học tiếng Việt, duy trì và phát triển để có một trình độ tiếng Việt như hiện nay.

Là một trong số ít các học sinh gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Úc có thể thi môn tiếng Việt trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học (HSC), làm thế nào Tú giỏi tiếng Việt như vậy?

Từ bé, Tú đã theo học lớp tiếng Việt vào cuối tuần của Liên trường Việt ngữ, ở trường tiểu học Tú cũng được học 1 ít  giờ tiếng Việt hàng tuần. Quan trọng là ở nhà ba mẹ và ông bà luôn nói tiếng Việt với Tú, nhắc nhở Tú đọc báo như báo Việt luận, xem các chương trình tiếng Việt như Paris By Night để tăng vốn ngôn ngữ tiếng Việt.

Ba mẹ Tú cũng luôn dùng ca dao tục ngữ khi nói chuyện với Tú, nhờ đó mà ngoài vốn tiếng Việt phong phú, Tú còn còn hiểu biết về văn hóa Việt mà theo cô 2 yếu tố này không thể tách rời. 

Giỏi tiếng Việt là một lợi thế cho Tú Lê như thế nào với vai trò là luật sư cộng đồng?  

Tốt nghiệp bằng kép Luật và Thương mại ở trường ĐH Macquarie, Tú Lê đã làm việc như 1 luật sư cộng đồng được hơn 6 năm. Công việc hàng ngày của Tú là tư vấn miễn phí cho các khách hàng dễ bị thiệt thòi và đối xử không công bằng, đa số là các khách hàng thuộc các sắc tộc đa văn hóa. Với năng lực song ngữ Việt – Anh, Tú Lê có thể dễ dàng tiếp xúc, nói chuyện và tư vấn với các khách hàng là người Việt mà không cần phải sử dụng dịch vụ Biên Phiên Dịch.

Học tiếng Việt và hiểu biết về văn hóa Việt hỗ trợ cho nhau như thế nào? 

Theo Tú, văn hóa và ngôn ngữ là 2 yếu tố luôn đi đôi với nhau. Việc học tiếng mẹ đẻ giúp Tú hiểu về văn hóa Việt một cách sâu sắc hơn. Từ nhỏ đến lớn, Tú luôn được ba mẹ chú ý nói chuyện và dạy cho Tú biết nhiều về ca dao tục ngữ Việt nam. Ca dao tục ngữ là những bài học nhỏ áp dụng trong cuộc sống hàng ngày và phản ánh mọi khía cạnh của văn hóa Việt. Học ca dao tục ngữ chính là học về văn hóa Việt nam. Do vậy, theo Tú, học tiếng Việt chính là mở cho mình 1 cửa sổ để hiểu thêm về văn hóa của người Việt nam.

Tú có nghĩ là mình sẽ giúp con giữ tiếng Việt như bố mẹ Tú đã giúp Tú không?

Dù biết là việc giữ tiếng Việt cho thế hệ thứ 3 ở nước ngoài là rất khó khăn, Tú tự tin khẳng định sẽ cố gắng hết sức để có thể giúp con học và phát triển tiếng Việt. Điều này là vì Tú biết các nghiên cứu trên thế giới cho thấy biết thêm một ngôn ngữ có rất nhiều lợi ích về trí tuệ và tăng sự hiểu biết về một nền văn hóa khác. Với tinh thần giữ tiếng Việt trong gia đình, Tú và chồng đặt ra trong tuần những ngày chỉ nói tiếng Việt và ai nói tiếng Anh thì sẽ bị phạt. 

Yếu tố gì là quan trọng khi giúp trẻ giữ tiếng Việt khi sinh sống ở nước ngoài?

Theo Tú, khi sinh sống ở nước ngoài, trẻ em sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều của văn hóa Tây phương nên bố mẹ có vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng cho con ý thức về cội nguồn và bản sắc văn hóa Việt trong mình. Ba mẹ Tú vẫn dạy “cái răng cái tóc là góc con người”, Tú là người Việt, nếu nhìn vào gương sẽ thấy “cái tóc mình đen, cái mũi mình tẹt hơn, mình không giống những người có sắc tộc khác”. Vì vậy Tú luôn tự hào mình là người Việt nam, 1 góc của mình là người Việt. 

Tú cũng nghĩ việc cho con biết và tiếp xúc với những phong tập tập quán của người Việt song song với việc dạy tiếng Việt cho con là rất cần thiết khi giữ tiếng mẹ đẻ. Tú biết là việc này rất khó để duy trì nhưng Tú sẽ cố gắng hết sức để con được biết đến những phong tục tập quán của người Việt như cưới hỏi, thờ cúng tổ tiên, lễ hội văn hóa truyền thống, để giúp con hiểu được nguồn gốc của con là người Việt và tự hào về điều đó.

Tú có kỷ niệm đáng nhớ nào liên quan đến việc nói hay học tiếng Việt? 

Một kỷ niệm của chồng Tú nhưng có thể nhiều trẻ lớn lên ở nước ngoài cũng gặp phải là việc dùng các đại từ nhân xưng. Trong tiếng Việt, các đại từ nhân xưng còn thể hiện sự lễ phép với người nói chuyện với mình như việc gọi những người lớn tuổi hơn là cô, dì, chú, bác. Một lần chồng Tú, lúc đó tầm 14, 15 tuổi, đi ra ngoài với mẹ và em trai và gặp một người bác, chồng Tú khoanh tay và nói “Con chào bác” rồi quay sang nói với em trai “Hey, cái thằng này là bác này, chào đi”. Theo Tú, tất nhiên đây là một sự sơ ý mà trẻ em gốc Việt ở nước ngoài dễ có khi học nói tiếng Việt nhưng nó cho thấy việc học tiếng Việt luôn gắn với học văn hóa Việt. Với trẻ em gốc Việt ở nước ngoài, thời gian sử dụng tiếng Anh nhiều, xung quanh có nhiều sự khác biệt về văn hóa thì gia đình phải là nơi các em được học về tiếng Việt và văn hóa Việt. Tú nhấn mạnh việc này phải được thực hiện mỗi ngày, có thể chỉ là 1 từ học được trong 1 ngày cũng là rất tốt.
Năm 2021, Tú Lê được Tạp chí Vogue Australia bình chọn là 1 trong 21 phụ nữ truyền cảm hứng nhất nước Úc
Năm 2021, Tú Lê được Tạp chí Vogue Australia bình chọn là 1 trong 21 phụ nữ truyền cảm hứng nhất nước Úc Source: Supplied
Năm 2021, Tú Lê được Tạp chí Vogue Australia bình chọn là 1 trong 21 phụ nữ truyền cảm hứng nhất nước Úc

Source: Supplied

Cám ơn Tú Lê rất nhiều về những chia sẻ rất thú vị và đầy ý nghĩa trong chương trình hôm nay. Chúc Tú luôn thành công với vai trò là tiếng nói cho cộng đồng người Việt ở Úc.

Nữ luật sư trẻ Lê Nguyên Tú không chỉ là một người Việt thế hệ thứ 2 ở Úc nói tiếng Việt giỏi, cô còn là một nhà hoạt động cho sự bình đẳng của các sắc dân nhập cư tại Úc, người giúp đưa tiếng nói của cộng đồng đa sắc tộc ở Úc tới các cấp chính quyền để tạo nên những thay đổi tích cực cho những người dân nhập cư ở Úc nói chung và người Việt nhập cư nói riêng.
Một điều chúng ta có thể cảm nhận được là Tú Lê được nuôi dưỡng trong gia đình mà bố mẹ, ông bà rất quan tâm đến việc giữ tiếng Việt và bản sắc văn hóa Việt cho con.
Điều này đúng như những gì mà các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, việc cha mẹ để ý nói và dạy con tiếng mẹ đẻ cùng với một thái độ tích cực với văn hóa tiếng mẹ đẻ là 2 yếu tố then chốt trong việc duy trì và phát triển tiếng mẹ đẻ khi sinh sống ở nước ngoài. 

Duy trì tiếng mẹ đẻ có thể là rất khó khăn, đặc biệt là khi trẻ lớn lên nên một việc rất quan trọng cha mẹ có thể làm là bắt đầu từ sớm. Việc nói tiếng Việt với con, dạy con tiếng Việt qua các giao tiếp hàng ngày, sử dụng ca dao tục ngữ để con hiểu thêm về văn hóa Việt, … từ khi con còn bé sẽ là tiền đề giúp tạo cho con thói quen nói tiếng Việt ở nhà và có vốn tiếng Việt mà với vốn này, con sẽ tự tin, đỡ chông chênh khi nói tiếng Việt lúc lớn hơn. Ngoài ra, những chia sẻ của Tú Lê còn cho thấy khả năng nói tiếng Việt tốt giúp Tú Lê rất nhiều trong công việc là một luật sư, là một nhà vận động vì sự bình đẳng và đa dạng văn hóa và trên hết là làm được những công việc có ý nghĩa cho chính cộng đồng của mình.

Mời quý vị giải câu đố của chương trình quần này: Trong tiếng Việt, có câu tục ngữ nào có ý tương tự như câu tục ngữ mà Tú Lê nhắc đến trong chương trình Cái răng cái tóc là gốc con người.

Xin quý vị hãy gửi câu trả lời về chương trình theo địa chỉ: hoặc nhắn tin dưới bài trên trang

 


Share