Có rất ít công lý cho những người Bản địa bị sát hại và mất tích

FIRST NATIONS WOMEN AND CHILDREN PUBLIC HEARING

Senator Dorinda Cox looks on during the inquiry into missing and murdered First Nations women and children by the Legal and Constitutional Affairs References Committee, in Melbourne, Tuesday, June 18, 2024. (AAP Image/Diego Fedele) Source: AAP / DIEGO FEDELE/AAPIMAGE

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Những phát hiện được chờ đợi từ bấy lâu nay của cuộc điều tra về phụ nữ và trẻ em của người Bản Địa mất tích và bị sát hại cho thấy họ chẳng nhận được mấy cái gọi là công lý. Báo cáo mang tính bước ngoặt này đưa ra mười khuyến nghị cho chính quyền liên bang, tiểu bang và lãnh thổ và kêu gọi chính quyền làm việc với cộng đồng người Bản địa để cùng tìm ra các giải pháp. Báo cáo cũng kêu gọi xem xét lại các hoạt động cảnh sát hiện có tại mỗi khu vực pháp lý.


Alison Bairnsfather-Scott làm việc trong bộ phận chuyên về các vụ việc bạo lực gia đình.

Vào năm ngoái, cô đã nộp đơn yêu cần một cuộc điều tra về cái chết của chị gái Jessica bị chồng giết hại vào năm 2019.

"Nhắc lại chuyện này luôn làm tim tôi nhói đau. Nó khơi dậy những vết thương. Nó quá trần trụi. Chúng tôi không thích làm nhau buồn và nhìn thấy nhau buồn. Cho đến tận hôm nay, năm năm sau sự việc xảy ra, chúng tôi thực sự là phải đấu tranh để có thể mở lòng và nói với nhau về điều đó."

Một cuộc điều tra của Thượng viện về tỷ lệ Phụ nữ và trẻ em Người Bản địa bị giết hại và mất tích không cân xứng với tỷ lệ dân số của họ, và cuộc điều tra cũng cho thấy rằng hệ thống tư pháp của Úc phần lớn đã làm người dân của các Quốc gia Đầu tiên thất vọng.

Theo Dịch vụ pháp lý Thổ dân Victoria, 53% trẻ em mất tích là trẻ em của Người Bản địa.

Chị Em Trong Nhà và Viện Nghiên Cứu Chung Về Chủng Tộc (Sisters Inside and the Institute for Collaborative Race Research) cho biết phụ nữ Thổ dân và người dân đảo Torres Strait chiếm 20% số phụ nữ hiện đang mất tích ở Úc.

Nhưng trong suốt cuộc điều tra kéo dài hai năm của Thượng viện, ủy ban đã nghe những câu chuyện đau lòng về sự thờ ơ của cảnh sát và bỏ bê có tính chất hệ thống.

Karen Iles là luật sư và là người sáng lập Violet Co Legal and Consulting - một doanh nghiệp xã hội do phụ nữ lãnh đạo, người bản địa lãnh đạo - và bà cũng là một nạn nhân của tấn công tình dục.

Bà cho biết mối quan hệ giữa cộng đồng Thổ dân và người dân đảo Torres Strait với cảnh sát đang bị rạn nứt.

"Chắc chắn có thể nói rằng cộng đồng và gia đình người Thổ dân và dân đảo Torres Strait không có được mối quan hệ tin cậy với cảnh sát ở đất nước này. Nhiều phụ nữ Thổ dân khi đến đồn cảnh sát để báo cáo về bạo lực gia đình, về tấn công tình dục, hoặc lo lắng con của họ bị bắt cóc, thì họ thường bị nghi ngờ. Cảnh sát không tin họ và một số người trong họ còn bị bắt tội."

Báo cáo mang tính quan trọng này đã được trình lên Thượng viện, trong đó đưa ra mười khuyến nghị bao gồm kiểm tra các hoạt động của cảnh sát tại mỗi khu vực pháp lý.

Những người ủng hộ cho biết cảnh sát phải chịu trách nhiệm về sự phân biệt đối xử và định kiến có hệ thống đối với người Bản địa.

Bà Iles cho biết hệ thống hiện tại không nhận ra những tổn thương liên thế hệ của các gia đình người Bản địa.

["Quy trình vận động cho các gia đình về vấn đề nhân quyền và công lý cơ bản nhất trong nhiều thập kỷ qua thực sự là sự không đi đến đâu. Kết cục thu được là sức khỏe kém, dẫn đến tự tử, dẫn đến trình độ học vấn thấp hơn, các vấn đề về sức khỏe tâm thần, và rất nhiều thứ khác nữa."

Dorinda Cox là Thượng nghị sĩ của Đảng Xanh, là người thuộc Tộc Yamatji-Noongar là người thúc đẩy cuộc điều tra tiến hành và bản thân bà cũng là thành viên của ủy ban điều tra.

Bà cho biết các khuyến nghị không đi đủ xa.

Thượng nghị sĩ Cox muốn nhìn thấy có sự cải thiện về việc thu thập dữ liệu về phụ nữ và trẻ em Bản địa mất tích và bị sát hại.

"Trên thực tế, các vấn đề đã được xác định, nhưng các khuyến nghị không đưa ra mấy giải pháp. Không có chỉ số hiệu suất nào bảo đảm rằng tiến trình thực sự có thể được đo lường. Và nói về các phép đo, sự thiếu sót rõ ràng là các mục tiêu cho việc cải thiện thu thập dữ liệu."

Nhưng những người ủng hộ vẫn hy vọng vào sự thay đổi tích cực.

Báo cáo đã khuyến nghị tăng cường phạm vi địa lý và năng lực của các dịch vụ pháp lý phòng ngừa bạo lực gia đình, cũng như duy trì tài trợ lâu dài cho các dịch vụ hỗ trợ cho người dân của các Quốc gia Đầu tiên.

Bà Iles cho biết cũng cần có hệ thống báo cáo tốt hơn cho nạn nhân để công lý có thể thực hiện cho họ và họ không bị bỏ sót.

"Tức là bất kể đó là gì, từ các chuyên gia cảnh sát Thổ dân tận tụy, các sĩ quan cảnh sát mẫn cán chuyên về tấn công tình dục, và các cách báo cáo khác không cần viện đến cảnh sát. Đó là những gì chúng tôi cần nhằm tạo cơ hội cho nạn nhân sống sót và gia đình của họ có thể lên tiếng để họ có thể tiếp cận công lý và được bảo đảm rằng khi họ làm như vậy, họ sẽ được đón tiếp rất tử tế, quan tâm và có những hành động hồi đáp."

Báo cáo cũng hối thúc chính phủ làm việc với cộng đồng Thổ dân để cùng tìm ra các giải pháp .

Báo cáo đã khuyến nghị bổ nhiệm một người của các Quốc gia Đầu tiên để thay mặt cho phụ nữ và trẻ em Thổ dân lên tiếng và giải quyết vấn đề bạo lực xảy ra cho họ.

Bà Bairnsfather-Scott cho biết các giải pháp do cộng đồng lãnh đạo là con đường cần đi.

"Vì vậy, để giải quyết vấn đề, người dân Bản địa cần phải dẫn đầu trong lĩnh vực này. Chúng tôi yêu cầu chính phủ cần phải chịu trách nhiệm, tự mình thực hiện điều đó. Chúng tôi không cần mọi người lên tiếng thay chúng tôi. Chúng tôi không cần những thứ làm cho có nữa. Chúng tôi cần truy cập vào các nguồn lực cần thiết để có thể thực hiện điều này một cách phù hợp. Vì vậy, chúng tôi cần những người ở mọi lĩnh vực công việc, ở các vị trí lãnh đạo thúc đẩy sự thay đổi này để bảo đảm rằng những cái chết này không còn xảy ra nữa và mọi người không còn bị mất tích nữa."

Share