Chính sách di trú của Úc sẽ ra sao trong năm 2020?

Visa Changes

Source: SBS

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Sau một năm đầy biến động với việc thay đổi các quy định xin visa tại Úc, sinh viên quốc tế và lao động lành nghề bước vào năm 2020 với một tương lai không chắc chắn. Các công ty di trú cho biết những thay đổi mới nhất trong chính sách di trú của Úc, bao gồm hai loại visa mới ở vùng ngoại ô, đã có thể cảm nhận được.


Những sinh viên quốc tế sắp kết thúc ba năm học tại Úc có nhiều lựa chọn khác nhau để tiếp tục làm việc hoặc tìm cơ hội định cư tại Úc so với khi họ bắt đầu khóa học tại Úc.

Chuyên viên di trú Ben Watt từ công ty di trú SeekVisa, cho biết việc định hướng hoặc lên kế hoạch xin visa ngày càng trở nên phức tạp do những thay đổi thường xuyên của chính phủ trong hai năm qua, nhằm cắt giảm số người nhập cư vĩnh viễn và đẩy nhiều người di dân đến các vùng ngoại ô.

“Chính sách di trú của Úc vào năm 2020  hoàn toàn khác biệt như một thế giới mới. Tôi nghĩ rằng quyết định của chính phủ tiểu bang và liên bang khi nhấn mạnh di trú đến vùng ngoại ô là một điều tốt, mặc khác họ lại đưa ra các thay đổi rất nhanh chóng và không dự báo trước. Nhiều người đã đưa ra quyết định về chương trình học hay con đường di trú của mình dựa vào các dự báo về chính sách nhập cư của chính phủ, nay đã bị thay đổi hoàn toàn, sẽ rất đau khổ.”

Gần đây nhất, chính phủ liên bang đã giới thiệu hai loại visa đến các vùng ngoại ô mới vào tháng 11 như một phần trong lời hứa sẽ giảm tình trạng quá tải tại các thành phố lớn.
Nhiều người đã đưa ra quyết định về chương trình học hay con đường di trú của mình dựa vào các dự báo về chính sách nhập cư của chính phủ, nay đã bị thay đổi hoàn toàn, sẽ rất đau khổ.
Những người nộp đơn thành công sẽ được yêu cầu làm việc và sống tại vùng ngoại ô - được xem xét ở bất kỳ nơi nào ở Úc ngoài Brisbane, Sydney và Melbourne, trong ít nhất ba năm, tại thời điểm đó họ sẽ đủ điều kiện để được thường trú.

Trong khi chính phủ liên bang tuyên bố thúc đẩy sự phát triển ở các vùng ngoại ô, việc có được visa phần lớn tùy thuộc vào các tiểu bang, vì sự bảo trợ của chính phủ tiểu bang là điều kiện cần thiết cho phần lớn các loại visa.

Chính phủ các tiểu bang sẽ xác định ai đủ điều kiện xin visa, dựa trên trình độ, nghề nghiệp, độ tuổi và thời gian sống ở trong khu vực.

Đại diện di trú Kirk Yan nghi ngờ các tiêu chí và hạn ngạch do các tiểu bang đặt ra có nghĩa là số visa thực sự được cấp trong năm tài chính này sẽ thấp hơn nhiều so với 25.000 visa do chính phủ liên bang dành riêng cho những di dân đến vùng ngoại ô.

“Tôi thấy rất nhiều chính sách đã được thực hiện ở cấp liên bang nhưng tôi không thấy sự phối hợp rõ ràng giữa chính phủ liên bang và tiểu bang.”

Ông Yan cho biết nhiều tiểu bang yêu cầu người xin visa phải đáp ứng "các kiểm tra về sự gắn bó", chẳng hạn như đã sống trong khu vực này ít nhất một năm.

Đối với những người nộp đơn thành công, còn một con đường khó khăn trước khi có được thường trú.

Jason tốt nghiệp Đại học Melbourne, gốc Hoa, là một trong những người đầu tiên nhận được loại visa mới ở vùng ngoại ô.

Jason có được sự bảo trợ của chính phủ Tasmania và nhận được visa vào tháng 12 trong vòng một tháng sau khi nộp đơn.

Anh hy vọng sẽ tìm được một công việc ở Hobart trong lĩnh vực tài chính hoặc kế toán, phù hợp với trình độ chuyên môn của mình. Nhưng anh nói với SBS News rằng anh lo lắng về việc đáp ứng ngưỡng thu nhập tối thiểu là 53.900 đô la một năm để đủ điều kiện cư trú vĩnh viễn.

“Tôi phải ở vùng ngoại ô thêm một năm, nơi cơ hội cho sinh viên quốc tế của chúng tôi rất ít, để tìm vị trí phù hợp, nhằm đáp ứng ngưỡng thu nhập trả thuế hiện tại. Nói thật, đây là một thách thức lớn đối với chúng tôi, những người thực sự muốn sống và làm việc ở Úc. Mỗi lần tôi nói chuyện với những người bạn cũng muốn xin visa ở vùng ngoại ô, họ luôn phàn nàn về mức thu nhập này. Chúng tôi không có lợi thế về ngôn ngữ và văn hóa, nhiều người đang phải đối mặt với áp lực và cảm thấy đau khổ khi nghĩ đến tương lai”.

Tasmania là tiểu bang đầu tiên nhận hồ sơ xin nhập cư và đã bị quá tải. Ông Watt nói rằng, việc này đã thúc đẩy tiểu bang này nâng mức bảo trợ của tiểu bang chỉ vài tuần sau khi đưa ra các tiêu chí.
Tôi phải ở vùng ngoại ô thêm một năm, nơi cơ hội cho sinh viên quốc tế của chúng tôi rất ít, để tìm vị trí phù hợp, nhằm đáp ứng ngưỡng thu nhập trả thuế hiện tại. Nói thật, đây là một thách thức lớn đối với chúng tôi, những người thực sự muốn sống và làm việc ở Úc
Ông cho biết những người tốt nghiệp cao đẳng sẽ không còn đủ điều kiện để nhận bảo trợ của chính phủ tiểu bang.

Mặc dù ông ủng hộ việc thúc đẩy nhiều người nhập cư đến định cư ở các vùng hẻo lánh, ông Watt nói rằng những thay đổi trong chính sách di trú vào phút cuối đã tạo ra tình trạng hỗn loạn.

“Đây chỉ là một ví dụ về những khó khăn cho sinh viên quốc tế trong việc định hướng việc xin visa và định cư tại Úc, một chính sách được điều hành bởi tất cả các tiểu bang khác nhau. Họ khó có thể dừng lại và thay đổi kế hoạch của mình, mà không có bất kỳ sự báo trước nào”.

Phát ngôn nhân của Bộ quản lý Phát triển chính phủ tiểu bang Tasmania cho biết đã có sự gia tăng đột biến trong số lượng hồ sơ xin nhập cư kể từ sau khi chương trình giới thiệu visa vùng ngoại ô mới được mở vào cuối năm 2019.

Người phát ngôn đã không xác nhận rằng bằng tốt nghiệp cao đẳng không còn đủ tiêu chuẩn để nhận được bảo trợ của chính phủ tiểu bang, nhưng cho biết việc đáp ứng các yêu cầu căn bản không bảo đảm bảo cho việc có được thường trú trong hoàn cảnh cạnh tranh cao như hiện nay.

Chuyên viên di trú Ben Watt dự đoán số lượng người có visa tạm thời sẽ tăng do chính phủ siết chặt số lượng người nhập cư  vĩnh viễn.

“Những gì sắp xảy ra là chúng ta sẽ có một số lượng lớn người sống ở Sydney và Melbourne mà không cần thị thực vĩnh viễn và không có triển vọng nào để có được PR trong tương lai gần. Tình trạng không xác định này là vấn đề không chỉ đối với họ, đối với người thuê mướn lao động, mà còn đối với bạn bè và gia đình của họ và xã hội Úc nói chung.”

Kirk Yan tin rằng các sinh viên quốc tế tiềm năng, những người dự định định cư tại một quốc gia mà họ học giờ sẽ suy nghĩ kỹ về việc chọn Úc là nơi du học.

“Mọi người có thể thấy rõ rằng chính sách di trú đã thay đổi đáng kể đến mức con đường nhập cư sang Úc trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nếu bạn muốn học, rồi sau đó ở lại Úc làm việc thì kết quả sẽ khó hơn rất nhiều so với vài năm trước, vì vậy điều này cũng ảnh hưởng quyết định có nên đến Úc du học hay không”.


Share