Các đợt phong tỏa vì COVID có thể để lại tác động dài hạn đối với người trẻ từ nguồn gốc nhập cư

small biz impact

Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Các hạn chế để đối phó với covid-19 tại Melbourne hiện đã dần được nới lỏng, thế nhưng một phúc trình mới cho thấy rằng tác động nặng nề của các đợt phong tỏa sẽ còn hiện hữu trong một thời gian dài nữa. Phúc trình cho hay các vấn đề về việc làm và căng thẳng tài chính đã chạm đến một ngưỡng khủng hoảng, đối với những người trẻ tuổi có nguồn gốc nhập cư và tị nạn, đặc biệt là những người mới tới Úc.


Yusuf Mohamed di cư từ Ethiopia khi mới 10 tuổi, vào năm 2011. Anh là một trong số hàng ngàn người trẻ tuổi tại Melbourne đang vật lộn để tìm việc làm.

Các số liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi thanh niên đang ở mức 10,7% - cao gấp đôi mức trung bình toàn quốc.
Tôi đã tìm việc làm kể từ khi tôi học xong trung học, bắt đầu từ tháng 12, và nó thực sự khó khăn, một phần là vì cạnh tranh cao, và phần nữa là nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa.
Chàng trai 20 tuổi sống với dì và chú của mình ở vùng ngoại ô phía tây của Melbourne, và cũng là một doanh nhân mới chớm.

Yusuf đã thiết lập một cơ sở kinh doanh online cung cấp các sản phẩm làm đẹp cho nam giới, với khách hàng ở Úc, Hoa Kỳ và Anh Quốc.

Thế nhưng anh nói rằng, việc thiếu thu nhập khiến anh có nguy cơ phải đóng cửa công việc kinh doanh trước khi nó có thể thực sự khởi phát.

“Nỗi sợ lớn nhất của tôi là nếu như tôi không tìm được việc làm, thì ý tưởng kinh doanh này sẽ không thể thực hiện như tôi mong đợi.”

Giống như nhiều người mới rời trường từ nguồn gốc nhập cư hoặc tị nạn khác, Yusuf đã nộp hồ sơ cho nhiều công việc ở cấp đầu vào trong suốt đại dịch, nhưng đều thất bại.
Đó là một cuộc tranh đấu khắc nghiệt. Mỗi ngày tôi nộp hồ sơ cho ít nhất 5 công việc, rồi chỉ để liên tục nhận về các lời từ chối. Bạn biết đấy, điều đó thực sự thách thức sự tự tin của bạn.
Câu chuyện tương tự như của Yusuf đã quá quen thuộc với các nhân viên từ Trung tâm Thanh thiếu niên Đa văn hóa (CMY)), một tổ chức phi lợi nhuận ở Melbourne.

Trong 30 năm qua, trung tâm này đã giúp những người di cư trẻ tuổi và những người tị nạn đến Úc trong quá trình hòa nhập và chuyển đổi sang một cuộc sống mới.

Giám đốc điều hành Carmel Guerra cho hay mục tiêu chính của họ là giúp đỡ người trẻ từ nguồn gốc di dân:

“Chúng tôi có hơn 800 tình nguyện viên. Chúng tôi có khoảng 150 rải rác khắp tiểu bang Victoria. Các nhân viên của chúng tôi đến từ các nền tảng văn hóa rất đa dạng.”

Một phúc trình mới, sẽ được công bố vào tháng tới, nhìn vào tác động lâu dài của các hạn chế vì COVID tại Melbourne đối với thanh thiếu niên - đặc biệt là những người đến Úc vào gần thời điểm bùng phát COVID-19.

Phúc trình cho thấy rằng gần một nửa số người được khảo sát coi việc làm là mối quan ngại chính của họ.

Nhân viên hỗ trợ tại CMY, Mallika Murthy cho biết nhiều người đang gặp khó khăn.

“Nộp hồ sơ cho 5 đến 10 công việc mỗi ngày - nó đang có một tác động thực sự đối với họ, bởi vì không có một lời giải thích rõ ràng nào về việc tại sao họ không thể được nhận vào một công việc ở vị trí thấp nhất. Điều đó có nghĩa là họ không có sự ổn định tài chính, thiếu sự độc lập tài chính, và nó còn ảnh hưởng đến họ theo các cách khác nữa - về vấn đề sức khỏe tâm thần.”

Đối với nhiều người khác, thì áp lực tài chính còn có thể dẫn đến các vấn đề khác nữa, như CEO Carmel Guerra nhận thấy.
Nhiều trong số những người trẻ này đang sống trên các khoản tiền trợ cấp như Job seeker hay Youth allowance, và họ thực sự gặp khó khăn để mua đồ ăn, mua vé xe bus hay là những công cụ mà họ cần cho công việc.
"Chúng tôi còn nghe những câu chuyện rằng có nhiều người làm việc trong các môi trường không an toàn, cho dù là cố ý hay vô ý, và họ quá sợ hãi để lên tiếng, bởi họ biết rằng có nhiều người khác sau họ sẽ làm những việc đó.”

Theo bà Guerra, sự gián đoạn mà đại dịch mang lại còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình giúp người nhập cư tiếp thu kỹ năng để hòa nhập với cuộc sống tại Úc.

“Đại dịch này còn có một tác động vô cùng lớn lên việc định cư của những người tị nạn trẻ. Thông thường thì họ sẽ được đến trường học, tiếp thu các kỹ năng và tìm con đường đến với việc làm; nhưng quá trình này đã bị gián đoạn bởi đại dịch theo cái cách mà chúng ta chưa từng thấy.” 

Và Carmel Guerra cho hay, có các lo sợ rằng những tác động đối với người trẻ có thể sẽ còn hiện diện trong nhiều năm tới.

Vì giới trẻ có nhu cầu tương tác xã hội cao. Mối liên hệ xã hội với những người trẻ khác là yếu tố lớn nhất, thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ. Việc có thể gặp gỡ bạn bè, cùng nhau đi ra ngoài để làm những việc mà người trẻ làm có một tác động căn bản đến sự phát triển của họ. Và tôi nghĩ việc không thể làm chuyện này trong những đợt phong tỏa sẽ ảnh hưởng đến họ về lâu dài. Chúng tôi thực sự lo ngại rằng điều này đã đạt đến điểm khủng hoảng, đối với nhóm này nói riêng. "

Cũng giống như hàng triệu người khác ở Melbourne, Yusuf chỉ có thể hy vọng rằng sẽ không còn đợt phong tỏa nào tiếp theo nữa, và anh cám ơn CMY vì đã giúp anh vượt qua thời điểm khó khăn nhất.

“Vào đầu năm, khi mà tôi đã bị nản chí khi không tìm được một nơi làm việc, cảm thấy như mình đứng ngoài cuộc, thì trung tâm người trẻ đa văn hóa (CMY) đã thực sự giúp đỡ tôi, cho tôi cảm thấy như ở trong một cộng đồng, một gia đình. Đó là một điều may mắn đối với tôi.”

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 



Share