Các cơ sở tôn giáo bắt đầu được nới lỏng các hạn chế coronavirus

A Hindu priest at temple

A Hindu priest at temple Source: SBS

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Khi nước Úc bắt đầu giảm bớt các biện pháp hạn chế coronavirus, các nhà lãnh đạo tôn giáo chuẩn bị tiếp nhận mười người đến tham gia mỗi buổi cầu nguyện, đồng thời phải từ chối nguyện vọng của hàng trăm tín đồ khác.


Khi những hạn chế coronavirus được nới lỏng, 10 người được tham gia mỗi buổi cầu nguyện tôn giáo. Nhưng các nhà lãnh đạo các cộng đồng tôn giáo bao gồm Hồi giáo, Kitô giáo và Ấn giáo nói rằng việc tổ chức sinh hoạt tôn giáo mỗi lần chỉ mười người là không khả thi.

Tại nhà thờ Hồi giáo Gallipoli ở Auburn, Sydney, người cai quản thánh đường Ergan Genel nói rằng số lượng mười người sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là trong tháng Ramadan linh thiêng của đạo Hồi.

“Số lượng 10 người được phép vào nơi thờ phượng là không thực sự phù hợp với chúng tôi, bởi vì đối với các dịch vụ cộng đồng của chúng tôi, việc đó sẽ rất khó quản lý. Nếu chúng tôi thông báo rằng chúng tôi mở cửa cho các dịch vụ, thì chúng tôi sẽ không thể kiểm soát đám đông đi vào. Cổng của chúng tôi mở cho những người muốn đến, có thể là một hoặc hai, hoặc là vài người tại một thời điểm. Họ có thể vào bên trong và tự mình cầu nguyện. Cho đến khi chúng tôi dỡ bỏ các hạn chế và việc giãn cách xã hội được nới lỏng hơn, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ phải tiếp tục theo cách đã làm kể từ khi các hạn chế được đặt ra.”

Nhà thờ Hồi giáo Gallipoli có đủ chỗ cho 350 người cầu nguyện cùng một lúc, hoặc là 150 người nếu tuân theo quy định giãn cách xã hội. Chỉ khi nào số người được phép tham gia buổi cầu nguyện có thể tăng lên ít nhất là 150 người thì cảm giác bình thường mới được cảm nhận trong toàn cộng đồng Hồi giáo.

“Chúng tôi cần số lượng được nới lỏng đáng kể. Đối với việc giãn cách xã hội thì nơi đây có thể tụ họp khoảng 150 người. Vì vậy, nếu các hạn chế được nới lỏng đến mức đó, chúng tôi sẽ có thể quản lý và tổ chức các hoạt động tôn giáo suốt cả ngày. Chúng tôi có thể đánh dấu nơi mọi người cần đứng khi cầu nguyện, trước kia mọi người thường đứng kề vai nhau khi cầu nguyện, nhưng tiếc là điều đó không thể thực hiện vào lúc này. Vì vậy, khi số lượng được tăng lên đáng kể thì chúng tôi mới có thể bắt đầu sử dụng nhà thờ Hồi giáo cho các dịch vụ giáo hội.”

Ông Genel đã hy vọng những hạn chế được nới lỏng kịp thời cho lễ kỷ niệm Eid vào khoảng mười ngày cuối của tháng lễ Ramadan, nhưng giờ đây ông nhận thấy điều đó không thể xảy ra.
“Thông thường trong tháng Ramadan, nhà thờ Hồi giáo sẽ rất đông người. Và tiếc là năm nay mọi người phải hành lễ tại nhà, và tôi nghĩ rằng tới lễ Eid thì mọi việc cũng như vậy.”
Tại Nhà thờ Công giáo St Mary ở Sydney, Cha Don Richardson, cho rằng với diện tích lớn của Nhà thờ thì hơn mười người có thể tụ họp mà vẫn duy trì giãn cách xã hội.

“Một nhà thờ rất lớn mà chỉ dành cho 10 người. Hầu hết giáo dân của chúng tôi bây giờ sẽ hành lễ trong các nhà nguyện nhỏ hơn mà vẫn duy trì việc giãn cách xã hội cần thiết. Có nhiều chai nước rửa tay quanh đây và mọi người được khuyến khích sử dụng, chúng tôi sử dụng nước rửa tay và chúng tôi có những chỗ khác nhau để mọi người có thể ngồi trong nhà thờ một cách an toàn.”

Cha Richardson nói rằng những người muốn tham dự phải gọi điện và đặt chỗ trước.

“Bởi vì chỉ có 10 người có thể tham gia cùng một buổi cầu nguyện, chúng tôi có một hệ thống mà mọi người sẽ phải gọi tới để đặt chỗ cho một buổi cầu nguyện cụ thể. Chúng tôi đã bổ sung thêm một số buổi cầu nguyện, để có thể phục vụ tất cả những người muốn đến. Nếu như mỗi buổi cầu nguyện chỉ dành cho mười người vào ngày Chủ nhật, với số lượng tham dự như lúc trước thì sẽ phải có 200 buổi cầu nguyện vào Chủ nhật. Chúng tôi không thể làm điều đó, nhưng chúng ta đang cố gắng hết sức với những gì được phép.”

Tại đền thờ Ấn giáo ở Darwin, thuộc lãnh thổ phía Bắc, nhà lãnh đạo tâm linh Sabaratnam Prathapan nói rằng trong quá khứ khi cộng đồng Ấn giáo nhỏ hơn, việc hạn chế 10 người tụ họp để sinh hoạt tôn giáo sẽ là một phần nhỏ so với số người tham gia cầu nguyện vào Thứ Sáu.

Nhưng ông nói rằng số người theo Ấn giáo ở Úc đã tăng lên, nên ông đang hi vọng sẽ có tới 350 người được tham gia cầu nguyện.

"Vào thứ Sáu thường lệ, chúng tôi tiếp nhận khoảng 50 đến 100 người, nhưng lần gần đây nhất chúng tôi đã có 350 người tham gia. Số lượng tín đồ Ấn giáo ở Darwin đã tăng mạnh, và có thể khoảng 4.000 đến 5.000 người ở đây theo Ấn giáo. Họ đến từ các quốc gia khác nhau như Sri Lanka, Ấn Độ, Nepal, Singapore, Malaysia, Fiji, v.v."

Ông nói rằng họ đã có giải pháp cầu nguyện qua mạng trong thời gian cách ly.

"Khi các biện pháp hạn chế được đưa ra, chúng tôi đóng cửa đền thờ và không ai được đến. Vào thứ Sáu, khi chúng tôi thực hiện nghi lễ tôn giáo thường lệ, buổi lễ được phát trực tiếp trên Facebook để mọi người có thể xem từ nhà của họ."

Ông Prathapan tin rằng các yêu cầu giãn cách xã hội và giữ vệ sinh cá nhân, bao gồm rửa tay, là điều mà cộng đồng Ấn giáo dễ dàng thực hiện.

“Các tín đồ Ấn giáo đã thực hiện tốt việc giữ vệ sinh ngay từ ngày đầu tiên. Hiện nay khi chúng tôi tắm gội sạch trước khi vào đền thờ, chúng tôi mặc quần áo đã giặt sạch. Chúng tôi không bắt tay, chúng tôi nói Namaste. Trước khi vào đền, chúng tôi rửa chân và tay. Và khi ai đó qua đời thì họ được hỏa táng. Gia đình nào có người mất thì họ không đến đền thờ trong một tháng. Trong đền thờ thì chúng tôi thắp hương để tiêu diệt tất cả mầm bệnh. Đó là lối sống của chúng tôi. Nhưng bây giờ, chúng tôi phải thực hiện theo quy định được đặt ra.”

Từ thứ Hai tuần này, mười người có thể tụ họp để sinh hoạt tôn giáo ở các cơ sở trên toàn nước Úc. Riêng ở Tây Úc thì các nơi thờ phượng có thể tập trung đến 20 người.

Và quý vị có thể cập nhật thông tin về coronavirus bằng ngôn ngữ của mình tại sbs.com.au/coronavirus.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share