Chưa chính ngừa sởi, đừng đi du lịch nước ngoài

measles vaccine

A pediatrician shows a measles vaccine Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Các cơ quan y tế đang kêu gọi người Úc đi du lịch nước ngoài không nên đi nếu chưa tiêm vắc-xin sởi. Tính đến đầu tháng 10, hơn 180 trường hợp mắc bệnh sở đã được báo cáo ở Úc, trong lúc các quốc gia khác bao gồm New Zealand và Hoa Kỳ đang phải nỗ lực hết sức để ngăn chặn sự lây lan của dịch sởi.


Vi-rút sởi là một trong những loại vi-rút dễ lây lan nhất đối với con người.

Mặc dù đã được tuyên bố loại bỏ ở Úc một thập kỷ trước, bệnh sởi có khả năng gây tử vong đang gia tăng.

Điều này đã thúc đẩy Viện Hàn lâm Khoa học Úc hợp tác với chính phủ liên bang khởi động một chiến dịch mới, kêu gọi mọi người bảo đảm rằng họ đã được chủng ngừa bệnh sởi đầy đủ.

Tính đến đầu tháng 10, hơn 180 trường hợp mắc bệnh sởi đã được báo cáo ở Úc.

Mới nhất là ba trường hợp mắc bệnh sởi đã được xác nhận tại Perth, tiểu bang Tây Úc, trong tình huống mà các cơ quan y tế gọi là những ca bệnh sởi "chưa từng xảy ra" ở phía nam thành phố này.

Tổng cộng số người mắc bệnh sởi được xác nhận ở Perth lên 11 người, trong đó có cả những em bé còn quá nhỏ chưa đủ tuổi chích ngừa và một học sinh thuộc trường trung học Baldivis.

Các cơ quan y tế tin rằng sự gia tăng đột biến bệnh sởi có liên quan đến dịch bệnh lớn hơn nhiều ở New Zealand, nơi có hơn 1.300 trường hợp đã được báo cáo vào đầu tháng Mười vừa qua.

Trong đó, có hai phụ nữ mang thai nhập viện ở Auckland vì bệnh sởi đã khiến hai thai nhi còn trong bụng mẹ tử vong.

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, thành phố New York đang hồi phục sau đại dịch sởi tồi tệ nhất trong vòng 30 năm qua.

Hầu hết trong số 650 người bị bệnh là trẻ em trong các cộng đồng Do Thái Chính thống, có cha mẹ từ chối tiêm chủng vì lý do tôn giáo.

Bà Sonya Bennett, từ Khoa Bệnh Truyền nhiễm của Queensland Health, cho biết những người chưa được tiêm chủng đầy đủ có khả năng nhiễm virus cao.

"Đó thực sự là một trong những bệnh truyền nhiễm nhất mà chúng tôi biết, quý vị có thể ở chung phòng có người mắc bệnh sởi và nếu quý vị chưa được chủng ngừa thì quý vị gần như chắc chắn sẽ mắc bệnh."

Giáo sư Raina MacIntyre là Trưởng khoa Chương trình An toàn sinh học tại Viện Kirby của Đại học New South Wales.

Bà mắc bệnh sởi khi 17 tuổi, sau khi di cư đến Sydney từ Sri Lanka.

"Tôi đến Úc khi còn là một đứa trẻ nhập cư, tôi 9 tuổi khi tôi đến đây vào những năm 1970 và khi đó tôi chưa được tiêm phòng, tôi đã tiêm vắc-xin rubella ở trường nhưng không phải là vắc-xin sởi. Sau đó tôi đã mắc bệnh sởi. Tôi vẫn nhớ mình đã bị bệnh nặng như thế nào, đó không phải là loại bệnh mà quý vị mong muốn bất cứ ai mắc phải."

Giáo sư MacIntyre nói rằng nhiều người ở Úc có thể chưa được tiêm phòng bệnh sởi mà không nhận ra điều đó.
"Đối với hai liều vắc-xin sởi, quai bị, rubella được tiêm lúc 12 và 18 tháng tuổi, hơn 93% trẻ em đã thực hiện điều đó. Nhưng vấn đề ở chỗ là chúng ta không biết tỷ lệ tiêm chủng ở tất cả người lớn, cũng như thanh thiếu niên trong cộng đồng."
Các cơ quan y tế cho biết bất cứ ai không chắc chắn liệu họ đã tiêm chủng đầy đủ hay chưa thì nên kiểm tra hồ sơ cá nhân của mình.

Tuy nhiên, các bác sĩ nói rằng nếu không chắc chắn mình đã chủng ngừa chừa chưa thì mọi người có thể tiêm vắc-xin sởi thêm lần nữa, và điều này không gây hại gì.

Các nhân viên y tế khuyên mọi người nên tiêm đủ 2 liều vắc-xin ngừa sởi để ngừa được bệnh suốt đời.

Hầu hết những người sinh trước năm 1966 được cho là đã được miễn dịch với bệnh sởi, nhưng những người sinh từ sau năm đó đến năm 1994 dường như không được tiêm đủ liều vắc-xin ngừa sởi.

Nếu không chắn chắn mình đã tiêm mũi ngừa sởi thứ hai hay chưa, bạn vẫn có thể đi tiêm một liều khác.

Trên khắp nước Úc, trẻ em 12 tháng tuổi sẽ được tiêm một mũi vắc-xin ngừa sởi và quai bị MMR, một mũi MMRV nữa sẽ được tiêm vào lúc 18 tháng tuổi.

Do đó, trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi là những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm sởi cao nhất, sau đó là những người chưa tiêm đủ hai liều chủng ngừa sởi. Hãy theo dõi để phát hiện những dấu hiệu ban đầu của bệnh sởi sớm nhất để có cách chưa bệnh và được cách ly, tránh lây nhiễm cho những người khác.

Hiện chính phủ liên bang Úc cung cấp tiêm chủng miễn phí cho những người dưới 20 tuổi và những người tị nạn.

Thường thì những người mắc bệnh sởi sẽ phát triển các triệu chứng trong khoảng 10 ngày sau khi tiếp xúc với vi-rút, nhưng khoảng thời gian này cũng có thể thay đổi từ 7 đến 18 ngày.

Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, ho, sổ mũi và đau mắt, và ba hoặc bốn ngày sau đó thì nổi mẩn đỏ, và việc phát ban thường bắt đầu trên mặt, rồi mới lan sang phần còn lại của cơ thể.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share