Úc đối mặt với lão hóa dân số

The hands of a resident at a nursing home as the ageing population is seen to be one of the top three challenges

The hands of a resident at a nursing home as the ageing population is seen to be one of the top three challenges Source: Press Association

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Úc là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất trên thế giới, số người cao niên sống khỏe mạnh ngày một nhiều hơn. Trong khi tuổi thọ ngày càng tăng có thể coi là một trong những thành tựu lớn của xã hội hiện đại, việc này cũng được các chuyên gia đặt ra những thách thức về việc thiếu kế hoạch đối phó tốt nhất với sự thay đổi nhân khẩu học.


Ai được xem là người cao niên ở Úc hiện nay? Viện Y tế và Phúc lợi Úc (AIHW) định nghĩa những người lớn tuổi là những người từ 65 tuổi trở lên.

Số liệu của Viện cho thấy năm 2017 có 3,8 triệu người Úc trên 65 tuổi, chiếm khoảng 15% dân số.

Đến năm 2057, dự kiến con số này tăng lên khoảng 22% dân số. Số liệu thống kê mới nhất của Nha Thống kê Úc cho thấy đến năm 2042, hơn một triệu người Úc sẽ trên 85 tuổi

Phó Giáo sư Nicolas Cherbuin làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu về Sức khỏe, Lão hóa & An sinh của Đại học Quốc gia Úc. Ông nói rằng cần phải có một cách tiếp cận tập trung hơn để phục vụ hiệu quả cho những thay đổi nhân khẩu học này.
"Rất nhiều điều tốt đẹp đang diễn ra ở Úc. Nhưng tôi nghĩ chúng ta phải có chiến lược hơn. Chúng ta phải lập kế hoạch xem làm sao để điều chỉnh lực lượng lao động, môi trường, hệ thống y tế của Úc cùng với nhau, chứ không phải là những mảnh ghép hình riêng biệt."
Nhiều chính quyền địa phương ở Úc có kế hoạch đối phó với sự lão hóa dân số, tập trung vào các lĩnh vực như y tế, dịch vụ, giao thông và phát triển cộng đồng.
 
Trong khi việc quy hoạch đang xảy ra ở tất cả các cấp chính phủ, thì nhiều chuyên gia lo ngại rằng giữa các tổ chức và cơ quan khác nhau không có sự phối hợp nhịp nhàng.

Tiến sĩ Liz Allen là một nhà nhân khẩu học tại Đại học Quốc gia Úc.

"Các danh mục đầu tư khác nhau giữa các bộ trưởng và các tổ chức chính phủ cần được kết nối lại để chúng ta có một kế hoạch y tế, kết hợp với nhà ở, giao thông và hạ tầng cơ sở  liên quan đến việc duy trì và bảo đảm bảo chất lượng cuộc sống ở Úc."

Thủ tướng Scott Morrison gần đây đã ngỏ ý  cắt giảm số lượng người nhập cư của Úc còn khoảng 30.000 người, để đáp lại những gì ông cho là mối quan tâm của công chúng về sự tắc nghẽn giao thông tại các thành phố.

Giới hạn số người nhập cư đã được thiết lập ở mức 190.000 kể từ năm 2012-13, thế nhưng trong nhiều năm, số lượng người nhập cư thực tế đã gần 160.000, phần lớn từ các visa bảo lãnh gia đình, công nhân có tay nghề.

Tiến sĩ Liz Allen cho rằng việc nhập cư có khả năng bù đắp một số hậu quả của dân số già bằng cách cung ứng nguồn  người lao động, những người có thể đóng góp vào các các dịch vụ thiết yếu thông qua hệ thống thuế.

Bà tin rằng quy hoạch cơ sở hạ tầng tốt hơn là chìa khóa để xử lý tắc nghẽn, thay vì cắt giảm số lượng người nhập cư.
"Chúng ta có một chương trình di dân nổi tiếng thế giới , việc này chắc chắn sẽ bù đắp cho mặt trái của việc lão hóa dân số bằng cách thúc đẩy lực lượng lao động".
Ngoài ra nhiều người còn kêu gọi để xây dựng hệ thống nhà ở của Úc để phục vụ tốt hơn cho người cao tuổi. Quy hoạch đô thị có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu sự cô lập xã hội bằng cách gia tăng không gian xanh, giúp người cao niên tiếp cận dễ dàng với giao thông công cộng và đường đi bộ trong những dự án phát triển nhà ở trong tương lai.

Những ngôi làng hưu trí là một lựa chọn cho người lớn tuổi, thế nhưng Glen Searle, Phó Giáo sư khoa Kế hoạch Đô thị tại Đại học Sydney, nói rằng hiện có hai xu hướng, một số người muốn ở  nhà riêng của họ thay vì đến viện dưỡng lão hoặc mua ngôi nhà nhỏ hơn.

Ông nói trong vòng 20 năm qua đã có một sự gia tăng số lượng nhà ở nhỏ hơn, như các căn townhouse, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người cao tuổi.

Tuy nhiên ông nói khả năng tiếp cận các dịch vụ vẫn còn là một vấn đề đối với nhiều người lớn tuổi.
"Ở ngoại ô, những vấn đề này thực sự phức tạp. Ngay cả khi người cao tuổi có thể đi bộ vài trăm mét, thế nhưng không phải là một cửa hàng hay một dịch vụ địa phương nào cũng ở trong khoảng cách đó. Những người ở độ tuổi 80 và 90 không thể lái xe nữa nên họ có thể hoàn toàn bị cô lập. Đây là vấn đề quy hoạch mật độ thấp ở ngoại ô, việc này không hề ổn với người cao tuổi vì họ không thể lái xe được.
Phó giáo sư Nicolas Cherbuin cho rằng xã hội cần phải thay đổi cách nhìn nhận về sự lão hóa.

Ông Cherbuin nói bệnh mãn tính thường bắt đầu phát triển vào những năm 40 tuổi.  Lão hóa và cái chết là một phần tự nhiên của cuộc sống, thế nhưng việc tập thể dục và chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến sự lão hóa nhanh hay chậm.

Bệnh mãn tính có khả năng gây áp lực rất lớn đối với các dịch vụ y tế, ông Cherbuin nói rằng cho phép người cao tuổi làm việc lâu hơn có thể là một trong những chiến lược đó, ngoại trừ một số công việc đòi hỏi sức khỏe thể chất.

Nhưng ông cảnh báo người sử dụng lao động sẽ cần phải linh hoạt để có được kết quả tốt nhất.

"Những nhà tuyển dụng sẽ phải chăm sóc cho những công nhân lớn tuổi với nhu cầu hơi khác nhau. Chúng ta có thể nghĩ đến cho họ giờ làm việc linh hoạt hơn, nghỉ giải lao vào giữa ngày nếu họ muốn, môi trường hỗ trợ công nghệ. Nếu người lớn tuổi bỏ việc thì điều này dẫn đến kết cục sức khỏe kém hơn. "

Dữ liệu điều tra dân số được công bố vào năm 2017 cho thấy số lượng người trên 65 tuổi trong lực lượng lao động Úc tăng từ 9% lên 14% trong một thập niên qua, với mức tăng lớn nhất trong lực lượng lao động nữ.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Liz Allen  cho rằng sự phân biệt tuổi tác vẫn còn rất nhiều trong lực lượng lao động Úc, ảnh hưởng đến khả năng làm việc của người cao tuổi.

 


Share