Vỡ bong bóng hay tự điều chỉnh với giá nhà cao ngất ngưởng hiện nay?

Ngày càng có nhiều chuyên gia quả quyết thị trường địa ốc ở Úc đang bị bong bóng, dù không mấy người tiên đoán sẽ bị vỡ mà giá nhà chỉ chựng lại trong một thời gian dài.

Most recent concern about the housing bubble has been based on extreme levels of household debt.

Most recent concern about the housing bubble has been based on extreme levels of household debt. Source: Flickr: Brian Birdwell, CC BY-NC-ND

Giá nhà tại nhiều nơi như Sydney và Melbourne đã thật sự vượt khỏi tầm tay của nhiều người muốn làm chủ căn nhà đầu tiên trong đời.

Một số kinh tế gia, thậm chí cả những nhà hoạch định chính sách tin rằng đang có tình trạng bong bóng hoặc ít ra là giá nhà bị thổi phồng quá đáng.

Các chuyên gia tiếng tăm như Chris Richardson của Deloitte Access Economics, hoặc Shane Oliver của AMP Capital, vì vậy tin rằng có điên mới mua nhà trong lúc này.

Một số chuyên gia không nghĩ thị trường có nguy cơ sụp đổ mà tiên đoán giá nhà sẽ tự điều chỉnh trong một thời gian, cụ thể có thể hạ 10-15%.

Nếu mức điều chỉnh đó xuống đến 20% thì có nghĩa là thị trường địa ốc bị sụp đổ.

Vào lúc này chỉ mới có ít kinh tế gia tin như vậy, nhưng phóng viên kinh doanh của ABC, Michael Janda đưa ra hai lý do để nghĩ rằng thị trường có khả năng sụp đổ hơn là tự điều chỉnh.

Nợ ngập đầu

Thứ nhất là do người dân Úc đang mang nợ kỷ lục, hiện ở mức 189% thu nhập, và trên 123% GDP.

Điều đó sẽ rất nguy hiểm nếu lãi suất không còn thấp như hiện nay mà liên tục tăng trong một khoảng thời gian ngắn.

Bộ Ngân khố Liên bang đã cảnh báo lãi suất sớm muộn gì cũng sẽ tăng.

Mặc dù tiên đoán lạc quan về kinh tế Úc, nhưng Tổng thư ký Bộ Ngân khố, John Fraser nhắc mọi người phải đề phòng. 

Lãi suất tăng thường đi kèm với việc siết chặt các điều kiện cho vay khiến có muốn đổi chủ cho vay cũng không dễ.

Bên cạnh đó là vật giá gia tăng và nếu tỉ lệ thất nghiệm tăng nữa thì lại còn khó khăn hơn cho những ai mắc nợ nhiều.

Trong năm nay một số nhà bán lẻ đã sập tiệm và sa thải nhiều công nhân sau khi người dân vì mang nợ nhiều quá phải mua sắm ít lại.
Mua bán chậm

Thứ hai là vì thanh khoản của thị trường địa ốc đang bốc hơi - tức là không dễ để bán lẫn mua theo giá bạn muốn.

Không giống như thị trường chứng khoán, địa ốc không dễ dàng trao tay mà có thể mất đến hàng tháng.

Khi giá nhà cao không ai lo lắng gì và ngân hàng có cơ hội cho vay nhiều, và cứ thế giá nhà lại càng tăng.

Trong tình huống đó người đi mua nhà sẽ đông, nhưng vì nghĩ rằng giá nhà còn lên nữa nên không có nhiều người bán.

Kết quả là người mua phải cạnh tranh dữ dội để mua, và vì thế giá nhà lại càng tăng.

Không cần phải là nhà thông thái để hiểu rằng nợ nần không thể tiếp tục dâng cao trong khi mức lương ở Úc tăng chậm chưa từng thấy - chỉ có 1,9% cho năm nay, trong khi tỉ lệ lạm phát là 2,1%.

Theo các chuyên gia, một khi thị trường sụp đổ hay tự điều chỉnh, thì bị ảnh hưởng nhiều nhất là những ai mua nhà để đầu tư.

Lý do vì ngay cả chính sách ưu đãi thuế khi đó cũng không còn giúp họ được nhiều nếu giá nhà hạ trong một thời gian dài.

Nếu giá nhà chửng lại lâu đủ, nhiều nhà đầu tư sẽ muốn bán nhưng lại không tìm được người mua.

Chuyện này đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chánh ở Mỹ, Ireland, Tây Ban Nha, cũng như Moranbah của Queensland, Port Hedland của Tây Úc, và hiện nay là ở Perth.

Nhưng chính phủ lại không thể can thiệp nhiều vì sợ ảnh hưởng đến sắp hạng tín dụng AAA của quốc gia.


Share
Published 31 May 2017 6:55pm
Updated 31 May 2017 7:05pm
By Quốc Vinh

Share this with family and friends