Một gia đình với nhiều văn hóa khác nhau, sẽ xung đột hay hòa hợp?

"Dù là gia đình chị có văn hóa khác nhau, truyền thống và tôn giáo khác nhau, nhưng mà mọi người đều chia sẻ cùng một giá trị chung, nên đâu lại vào đó. Mọi người tôn trọng sự khác biệt đó, rồi mọi thứ tự dưng hòa hợp lại với nhau," chị Diễm Furgersberger chia sẻ.

Cross-culture family

Source: Minh Phuong

Truyền thống làm cho gia đình thêm gắn bó

Gia đình chị Diễm đã di dân đến Úc theo diện tị nạn vào năm 1980, khi đó chị chỉ vừa 8 tuổi. Lúc đặt chân đến đất Úc, không một ai trong nhà chị biết nói tiếng Anh, không tiền bạc, không thức ăn, họ không còn gì trong người ngoài một số bộ quần áo. Họ không chỉ gặp những khó khăn về vấn đề tài chính, ngôn ngữ, mà còn phải đối mặt với vấn đề phân biệt chủng tộc những ngày đầu ở xứ người.

Thế nhưng, họ đã luôn ở bên cạnh nhau, vùng nhau vượt qua rất nhiều khó khăn để có được ngày hôm nay. Chị Diễm chia sẻ, gia đình chị chưa bao giờ quên nguồn gốc của mình, dù cuộc sống có khắc nghiệt với họ như thế nào. Tất cả những thử thách đó chính là yếu tố để gia đình càng thêm gắn bó, họ vẫn cố gắng giữ gìn những phong tục và văn hóa của tổ tiên. Mỗi dịp Tết đến, là một dịp để tất cả các thành viên đoàn tụ và nhìn lại chặng đường mà họ đã đi qua.
"Chị vẫn nhớ khi mình còn nhỏ, Tết là dịp lễ lớn nhất trong năm. Tại vì còn con nít mà, con nít thì thường trông đợi dịp này để được mẹ mua cho áo mới, được đi thăm cô dì chú bác, được nhận bao lì xì. Nên lúc còn nhỏ chị mong Tết lắm.

"Nhưng mà khi chị lớn tuổi dần, đặc biệt là sau khi ba chị qua đời năm 2010 thì chị nhận một vai trò đặc biệt trong gia đình vào dịp Tết. Chị trở thành người tổ chức lễ và đem mọi người lại gần nhau hơn. Đây cũng là dịp để mọi người nhớ về ông bà tổ tiên."

Chị Diễm chia sẻ, việc giữ gìn những phong tục và văn hóa truyền thống không chỉ đơn thuần để ghi nhớ nguồn gốc của gia đình, mà còn để con cháu của mình nhìn thấy và cảm nhận được cái ý nghĩa đằng sau từng thứ mà mình làm cùng nhau. Khi còn trẻ, hiếm ai trong chúng ta hiểu ra được những giá trị tinh thần đó, vì ai cũng bận rộn lao ra ngoài đời để làm việc, để kiếm sống. Thế nhưng mỗi lúc tuổi đời thêm đầy, chị lại càng thấm thía hơn cái cảm giác ấm cúng khi gia đình đoàn tụ, mọi lo lắng cơm áo gạo tiền, đều được gác lại, ai cũng trân trọng từng khoảnh khắc được ở cạnh người thân của mình.

Sự khác biệt văn hóa trong gia đình càng làm mọi người hiểu và tôn trọng nhau hơn.

Khi nhìn vào đại gia đình của chị với 4 thế hệ và sự trộn lẫn của hơn 4 nền văn hóa khác nhau, không ai có thể chỉ ra được sự xung đột văn hóa giữa họ. Gia đình chị là người Việt gốc Tiều, chồng chị Diễm, anh Werner Fuggersberger là người Áo có gốc Đức, tất cả họ sinh sống trên đất Úc đã nhiều năm.

Dù văn hóa phương Tây của gia đình chồng chị rất cứng nhắc và nề nếp, nhưng anh Werner vẫn hòa nhập được với đại gia đình của chị, vốn theo văn hóa Á Đông rất ồn ào và chộn rộn. Chị Diễm bảo, những ngày đầu mới cưới nhau, cả hai anh chị đều gặp phải khó khăn khi giao tiếp với hai bên gia đình. Nhưng dần dần, khi dành thời gian với nhau nhiều hơn, mọi người chịu mở lòng để chia sẻ và chấp nhận những điểm khác biệt của nhau.
Mỗi lần bà con dòng họ bên chị Diễm họp mặt gia đình, họ uống vào và bắt đầu nói chuyện lớn tiếng, anh Werner luôn lẳng lặng đi vào bếp để pha trà hoặc cà phê cho mọi người. Anh tôn trọng sự khác biệt văn hóa, và không nghĩ đó là khó khăn dành cho anh. Anh Werner bảo, trên thế giới này luôn có sự xung đột giữa các nền văn hóa truyền thống và tôn giáo khác nhau, thế nhưng chúng ta nên nhìn nhận nó như một cơ hội để làm giàu giá trị tinh thần của chính mình.

"Tôi thích Tết, Giáng sinh, lễ Tạ ơn. Đó là những dịp tuyệt vời để cả gia đình được đoàn tụ," anh Werner chia sẻ.

Giá trị truyền thống của gia đình tạo nền tảng tốt cho con cháu.

Hai đứa con của chị Diễm và những anh chị họ của chúng đã được nuôi dạy bằng sự kết hợp của truyền thống Á Đông và tư tưởng Tây phương, tưởng như rất trái ngược nhưng lại rất hòa hợp. Chị Diễm nghĩ, một khi nền tảng truyền thống của gia đình được giữ vững và truyền lại cho con cháu, thì những thế hệ sau chúng sẽ biết mình là ai, mình có nguồn gốc từ đâu, phong tục và văn hóa của mình là gì. Bọn trẻ sẽ không cảm thấy bối rối trước sự thay đổi quá nhanh của cuộc sống, chúng sẽ dễ thích nghi hơn vì trong chính gia đình đã có rất nhiều nền văn hóa khác nhau.

"Bất cứ điều gì mà chị học từ ông bà tổ tiên của mình, chị đều muốn truyền lại cho con, cho cháu. Tôi nghĩ là mấy đứa nhỏ trong nhà rất thích khi thấy mọi người quây quần bên nhau," anh Werner nói.

"Chị thực sự tin rằng truyền thống và giá trị gia đình, làm cho mối liên kết giữa các thành viên trở nên bền vững hơn," chị Diễm chia sẻ

Văn hóa Á Đông bên nhà chị Diễm dạy cho con cháu biết trọng giá trị gia đình, biết bao nhiêu thế hệ đều gắn bó với nhau. Văn hóa phương Tây bên nhà anh Werner dạy cho con cháu về sự độc lập trong suy nghĩ và chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Sự giao thoa giữa hai tư tưởng đã tạo cơ hội cho bọn trẻ hình thành nên tính cách đặc biệt của mình. Bọn trẻ rất biết giúp đỡ bố mẹ, biết quan tâm ông bà. Bên cạnh đó, các em vẫn được tự do thực hiện những điều mà mình muốn, một thế hệ năng động và biết tôn trọng, quan tâm những người xung quanh mình.

Một cái Tết nữa lại về để gia đình có dịp đoàn tụ lại với nhau, chia sẻ những câu chuyện rất giản dị về công việc, về cuộc sống, về những chuyến du lịch, hay chỉ đơn giản là mọi người nói về những người thân đã khuất, với những cảm xúc rất chân thành.

"Dù là gia đình chị có văn hóa khác nhau, truyền thống và tôn giáo khác nhau, nhưng mà mọi người đều chia sẻ cùng một giá trị chung, nên đâu lại vào đó. Mọi người tôn trọng sự khác biệt đó, rồi mọi thứ tự dưng hòa hợp lại với nhau," chị chia sẻ.

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 16 February 2018 5:24pm
Updated 17 February 2018 9:31am
By Minh Phuong


Share this with family and friends