Tình trạng bóc lột nhân viên tại các tiệm nail ở Melbourne

Một nhân viên tiệm nail của người Việt kể cho SBS Việt ngữ nghe về tình trạng bị chủ tiệm nail bóc lột, trả thiếu lương, mà đa số không ai dám lên tiếng vì nhiều lý do.

Nail grooming in beauty salon

Source: Getty Images

Trả lương $20 nhưng khai trên giấy tờ là $27

Tracey N. (tên nhân vật đã được đổi), một du học sinh ở Melbourne, đã từng làm thêm ở một số tiệm nail của người Việt. Theo lời Tracey, nạn bóc lột nhân viên, trả lương thiếu, trả trễ xảy ra ở hầu hết các tiệm nail và có thể xem như một “loại văn hóa”. Bản thân Tracey cũng đã trải qua những chuyện bị bóc lột mà nếu có đổi sang làm ở tiệm khác thì chuyện tương tự vẫn xảy ra.

Lần gần nhất, Tracey kể cô làm cho một tiệm nail ở Melbourne Central, mức lương theo thỏa thuận với chủ là $20/giờ, nhưng sau đó cô phát hiện chủ khai tiền lương trên giấy tờ là $27/giờ.

“Do đại dịch nên trong năm qua em chủ yếu học trực tuyến nên cũng có thời gian đi làm, và em cũng muốn tranh thủ kiếm tiền để xoay xở cuộc sống, đỡ đần gánh nặng tài chính cho gia đình.

"Theo thỏa thuận ban đầu là $20/giờ. Thế nhưng tiền trên giấy tờ khai với thuế là $27/giờ, và em còn bị trừ đi tiền thuế của mức lương $27."

Theo quy định của Fair Work đối với ngành làm đẹp, mức lương tối thiểu dành cho nhân viên toàn thời hoặc bán thời là $21.78/giờ, nhưng mức lương của nhân viên thời vụ sẽ lên tới $27.23/giờ. Đối với người phải làm ngoài giờ, làm vào cuối tuần, ngày lễ, mức lương có thể lên đến $40/giờ. Điều đó có nghĩa là mức lương này đã bao gồm tiền bồi thường cho những khoản như nghỉ phép và nghỉ ốm.

Điều đó có nghĩa là khi chủ tiệm nail kê khai mức lương trên giấy tờ là $27/giờ theo đúng quy định của Fair Work, họ đã tránh được trách nhiệm phải trả nhân viên tất cả những quyền lợi khác như nghỉ phép, nghỉ bệnh, hay bảo hiểm.
Theo Luật sư Tú Lê, thuộc ở NSW, một tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn về quyền lao động cho di dân miễn phí và bảo mật, thì nhân viên phải được nhận phiếu trả lương (payslip) trên đó ghi rõ số tiền lương nhận được và các khoản nhận được khác.

“Việc trả lương dưới mức quy định là phạm pháp. Những người chủ gian lận có thể nâng mức lương ghi trên sổ sách để cho thấy họ đang làm đúng luật. Thế nhưng người nhân viên không nên thỏa hiệp với việc này. Ngoài ra phiếu trả lương phải được giao cho nhân viên một ngày sau ngày trả lương.”

Cách đây 2 năm một tiệm nail ở Adelaide đã bị phạt tổng cộng $130,000 vì đã trả lương cho nhân viên thấp hơn quy định với mức chỉ có $12/ giờ trong thời gian gần 2 năm. Tại thời điểm đó, Fair Work đã lên tiếng cảnh báo về nạn bóc lột xảy ra trong ngành làm nail và vụ này là một vụ điển hình.

Một môi trường làm việc “bóc lột và bắt nạt”

Ngoài vấn đề bị trả thiếu lương, trả trễ, thì điều kiện làm việc độc hại, cũng là một trong những lý do khiến Tracey nói cô sẽ không bao giờ quay lại nghề này nữa.  

“Có những đợt đông khách như các ngày lễ, nhân viên trong tiệm phải làm liên tục mà không có thời gian ăn trưa hoặc nghỉ ngơi.

“Trong thời gian cao điểm là vào mùa hè, tiệm rất đông khách. Hầu như tụi em phải làm suốt gần 12 tiếng từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, không có thời gian nghỉ để ăn, nên đứa nào cũng bị vấn đề về sức khỏe như bị đau lưng, đau bao tử.

“Và tất nhiên những lúc làm ngoài giờ hay cuối tuần thì lương vẫn thế, không được trả bù theo đúng luật.”

Môi trường làm nail vốn dĩ là một môi trường gây hại cho sức khỏe, nhân viên phải hít bụi và hóa chất nhiều, do đó quyền lợi cho nhân viên làm nail cũng bao gồm cả việc được chủ cung cấp trang phục bảo hộ và bữa ăn nếu như phải làm ngoài giờ.
Và khi Tracey yêu cầu muốn xem xét về mức lương thì bị chủ tìm cách đặt điều nói xấu.

“Họ bôi nhọ em trên các group chat, họ họp nhân viên rồi cảnh cáo em trước mặt mọi người, nói mình làm không đủ năng lực mà vẫn đòi tăng lương.

“Và chủ còn lợi dụng chuyện em quên trả đồng phục để không trả lương kỳ cuối cho em, tổng cộng khoảng $500.”

Ngoài ra, theo lời Tracey, trong môi trường làm nail, việc ma cũ bắt nạt ma mới là “chuyện bình thường”, nhất là những thợ lâu năm, hoặc thợ bột sẽ giành khách của thợ tay chân nước. Như Tracey, ngoài những lúc không làm cho khách còn phải dọn vệ sinh, lau chùi toilet, đổ rác, những công việc mà thợ làm lâu năm, thợ bột sẽ không cần phải nhúng tay vào.

“Các thợ lớn tuổi hay bắt nạt các bạn du học sinh như em, họ thậm chí còn chửi mắng, chửi thề khi không có mặt chủ ở đó.”

"Đôi bên cùng có lợi” hay bóc lột?

Theo lời Tracey, rất nhiều nhân viên trong tiệm nail là du học sinh, người giữ visa tạm thời khó có thể tìm được một công việc ổn định. Và thậm chí có cả những người ở Úc trái phép.

Và đó cũng chính là điểm yếu của họ khiến họ bị chèn ép về lương, điều kiện làm việc nhưng không dám lên tiếng tố cáo.

“Thông thường chủ trả lương rất trễ, ít nhất là chậm 1-2 ngày, hoặc đến lúc nhân viên hỏi thì mới đưa, hoặc trễ luôn 2 tuần sau mới đưa,” Tracey nói.

Đáng tiếc rằng đây không phải là tiệm nail duy nhất Tracey bị trả thiếu lương.

Tracey kể khi mới sang Úc, cô cũng làm cho một tiệm nail với mức lương chỉ có $7/giờ. Phần vì là người mới vào nghề, phần vì mới sang Úc chưa hiểu biết luật nên cô không có ý kiến gì. Sau đó khi chuyển qua một số tiệm nail khác, mức lương có tăng lên nhưng vẫn luôn ở mức thấp hơn quy định tối thiểu.
nail salon
Source: Pixabay
Luật sư Tú Lê cho biết những người giữ visa tạm thời là nhóm lao động dễ bị lợi dụng nhất, đặc biệt khi họ làm việc quá giờ quy định và từ đó lo sợ visa sẽ bị hủy vì họ đã vi phạm điều kiện visa. Đã có rất nhiều báo cáo chính thức cũng như không chính thức về nạn bóc lột trong ngành làm nail, đặc biệt liên quan đến việc trả lương thấp hơn mức quy định.

“Người chủ tiệm nail thường thuê nhân viên nói cùng ngôn ngữ, và đa phần là những người đang giữ visa tạm thời, như trong trường hợp này là du học sinh Việt Nam, họ thường bị giới hạn giờ làm việc do điều kiện visa,” luật tư Tú Lê nói.

“Đã có nhiều nghiên cứu về nạn bóc lột nhân viên là người di dân, và kết quả cho thấy hầu hết nhân viên đều sợ mất việc nên không lên tiếng.

“Họ nghĩ rằng thà lương thấp còn hơn là không có việc làm, và họ cũng không muốn làm xấu mối quan hệ với người chủ, nhất là khi chủ nhân lại là họ hàng hoặc bạn bè.

“Ngoài ra những người giữ visa tạm thời đa số không hiểu luật lao động Úc và các dịch vụ hỗ trợ chính mạch giúp họ giành được quyền lợi làm việc.”

Theo Luật sư Tú Lê, những người giữ visa tạm thời nếu muốn báo cáo về nạn bóc lột tại nơi làm việc lên Fair Work, thông thường sẽ không bị ảnh hưởng visa, thế nhưng Bộ Nội vụ lại không bảo đảm về chuyện đó.

Từ tháng 7 năm 2017, Fair Work đã ban hành giúp những nhân viên báo cáo ẩn danh những bất công tại nơi làm việc.

Tại Victoria vào năm ngoái đã thông qua đạo luật đầu tiên tại Úc nhằm hình sự hóa hành vi gian lận tiền lương bằng cách thay đổi cách gọi từ. Khi việc "under paid" (trả lương thấp) thành "wage theft" (ăn cắp lương nhân công), thì tính chất tội phạm đã chuyển từ dân sự sang hình sự. Hành vi gian lận tiền lương tại Victoria có thể bị phạt tù đến 10 năm và phạt tiền từ $198,264 đến $991,320. Nhiều dự đoán dự luật này sẽ sớm được quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực toàn liên bang.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 8 February 2021 2:21pm
Updated 8 February 2021 4:26pm
By Hương Lan

Share this with family and friends