“Thái độ của người dân Úc rất bàng quan với việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19”

“Mọi người chỉ chờ người khác đi tiêm vắc-xin trước, chờ người khác bảo vệ mình” là lời một chuyên gia nói về tình hình chủng ngừa chậm chạp ở Úc, nhưng ông hi vọng việc bùng phát dịch COVID-19 ở Úc sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh người dân phải đi tiêm vắc-xin.

Experts say high vaccination rates are the only sure way out of coronavirus lockdowns and restrictions.

Experts say high vaccination rates are the only sure way out of coronavirus lockdowns and restrictions. Source: AAP

Người dân trên toàn Greater Sydney bao gồm cả Blue Mountains, Central Coast, Wollongong và Shellharbour đã được áp dụng lệnh phải ở nhà ít nhất là đến ngày 9/7.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Úc, tiến sỹ Chris Moy nói người dân ở NSW và Sydney đang phải trải qua nỗi đau mà họ sẽ còn phải tiếp tục chiến đấu với nó trong một thời gian nữa’.

Nhưng ông hi vọng thời gian khó khăn này sẽ ‘giúp đẩy tỷ lệ chủng ngừa người dân cao hơn’ thì mới có thể chống lại virus.

Tiến sỹ Moy cho rằng thái độ của người dân Úc đối với việc tiêm chủng đã trở nên ‘rất bàng quan’, ông nói mọi người đang có suy nghĩ cứ để người khác tiêm vắc-xin trước khi đến lượt mình để xem phản ứng của vắc-xin.

“Chúng ta phải hiểu rằng tinh thần cộng đồng cần có để vượt qua đợt phong toả này phải do nỗ lực của mỗi người dân, tức là người dân phải đi chích vắc-xin.”
Lãnh tụ Lao động Anthony Albanese cũng chỉ trích chính phủ liên bang vì chương trình chủng ngừa chậm chạp, mà theo ông đã khiến nhiều thành phố phải rơi vào tình trạng phong toả.

“Đã hơn một năm trôi qua từ ngày đại dịch bắt đầu, thế mà vẫn còn hai thành phố bị phong toả và nhiều biện pháp hạn chế vẫn phải áp dụng. Đó là lý do mà chúng ta cần thêm nhiều vắc-xin và biện pháp cách ly toàn quốc,” ông Albanese nói.

“Đây là một cuộc đua, và nếu ông Scott Morrison vẫn chưa nhận ra điều đó thì phong toả vẫn cứ xảy ra.”

Nước Úc mới chỉ triển khai được hơn 7 triệu liều vắc-xin cho khoảng 3% những người trưởng thành cần tiêm vắc-xin.

Angela Webster, một giáo sư khoa dịch tễ thuộc Đại học Sydney, nói rằng bà hi vọng việc phong toả Greater Sydney sẽ khiến những người còn đang dửng dưng với việc tiêm vắc-xin thấy rằng tình hình gấp rút như thế nào.

“Cộng đồng vẫn đang tự mãn vì nghĩ rằng nước Úc không có COVID, và họ chưa thấy vì sao họ cần phải đi chích ngừa,” bà Webster nói.

“Chúng ta sẽ không thể nào cô lập chúng ta với thế giới. Chúng ta cũng không thể khống chế mọi thứ hoàn toàn. Chúng ta biết luôn có kẽ hở và vấn đề là chúng ta kiểm soát những kẽ hở ấy ra sao.”

Những người tử vong hầu hết là người chưa tiêm vắc-xin

Một nghiên cứu thống kê vào đầu năm nay do Viện McKell thực hiện đã cho thấy cần có khoảng 70% người trưởng thành tiêm vắc-xin trước khi nước Úc có thể cân nhắc việc mở biên giới quốc tế.

Dù cho loại biến chủng Delta siêu lây nhiễm đang gây nên những đợt bùng phát dịch bệnh trên thế giới ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao nhất, thì WHO cũng ghi nhận rằng những ca tử vong đang giảm xuống nhờ vào vắc-xin.

Và tại Hoa Kỳ, gần như tất cả những ca tử vong do COVID-19 ở quốc gia này đều rơi vào những người không tiêm vắc-xin.

Tại Anh, 23 trong số 42 ca tử vong do biến chủng Delta là những người chưa tiêm vắc-xin, 7 ca khác là những người chỉ mới tiêm một mũi.
Cả giáo sư Webster và giáo sư Moy đều nói rằng tình hình phong toả ở Sydney hiện nay khó khăn hơn nhiều đợt phong toả trước đây ở Northern Beaches. Một phần nguyên nhân là do biến chủng Delta là loại siêu lây nhiễm, nhanh hơn cả loại biến chủng Alpha (biến chủng xuất phát từ Anh). Nếu biến chủng Alpha chỉ lây cho 1 hoặc 2 người, thì biến chủng Delta có thể lây cho 5 hoặc 6 người.

Ngoài ra các ổ dịch lần này xuất phát từ trung tâm Sydney, khiến cho việc khống chế về mặt địa lý khó khăn hơn.

“Tôi không nghĩ rằng đợt phong toả này chỉ kéo dài 2 tuần,” giáo sư Webster nói. “Tôi dự kiến phải kéo dài từ 4 đến 6 tuần, đó là trong tình huống tốt nhất.”

Tiến sỹ Moy thì cho rằng một kế hoạch dài hạn là điều cần thiết và nhất thiết phải tính đến hệ thống cách ly, chuẩn bị cho hệ thống y tế của Úc có thể xử lý trong trường hợp có nhiều ca nhiễm một khi biên giới mở cửa lại, cải thiện cách điều trị các triệu chứng của coronavirus, và tăng tỷ lệ tiêm chủng cao nhất có thể.

“Mỗi một mũi tiêm vắc-xin đưa chúng ta đến gần hơn một thế giới an toàn, và kéo chúng ta ra xa việc cách ly xã hội.”

Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Trong nhà, phải có mật độ không quá một người trên bốn mét vuông không gian sàn.

Nếu bạn tin rằng bạn có thể đã nhiễm virus, hãy gọi cho bác sĩ của bạn (đừng đến phòng mạch) hoặc liên hệ với Đường dây Nóng Thông tin Y tế Quốc gia Coronavirus – Coronavirus Health Information Hotline theo số 1800 020 080.

Nếu bạn đang khó nhọc để thở hoặc trải qua một trường hợp khẩn cấp y tế, hãy gọi 000.

SBS tận lực mang đến tin tức cập nhật giúp bạn nắm bắt thông tin những diễn biến mới nhất của COVID-19 bằng tiếng Việt, xem tại: https://www.sbs.com.au/language/vietnamese/coronavirus-updates
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share
Published 28 June 2021 3:51pm
Updated 28 June 2021 3:57pm
By Hương Lan

Share this with family and friends