Quanh chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc

Tổng thống Donald Trump cảm ơn các hợp đồng ký kết trong lúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có mặt ở Washington mà ông nói tạo việc làm cho người Mỹ và hàng hóa tốt cho Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên ở Đông Nam Á được mời sang Mỹ từ khi Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ.

Ông Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên ở Đông Nam Á được mời sang Mỹ từ khi Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ. Source: Getty Images

Có thể nói là Hà Nội đã rất tích cực để có được chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ, và nay khi ông qua đến Mỹ thì hàng loạt các bài báo trong nước đều đánh giá cao tầm quan trọng của chuyến đi này.

Hôm 31/5 báo Tuổi trẻ có bài "Chuyến đi mở đường quan trọng" theo đó đánh giá, "Chuyến thăm Mỹ của ông Phúc thời điểm này đóng vai trò quan trọng trong việc thăm dò chính sách thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump đối với châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, từ đó tạo cơ sở định hình chiến lược phù hợp."
 
Còn trên báo Vnexpress hôm 30/5 cũng có bài đáng chú ý "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cách một đại dương, Việt - Mỹ vẫn xích lại gần nhau".

Bài báo này trích dẫn phát biểu của ông Phúc trong bài viết đăng trên báo Washington Times của Mỹ, số ra ngày 30/5 rằng "Cách nhau một đại dương, nhưng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao 22 năm trước đây không ngừng xích lại gần nhau hơn".

Một loạt các hoạt động của ông Phúc tại Mỹ cũng được báo chí trong nước tường thuật chi tiết, mà đáng chú ý là buổi hội thảo về hợp tác đầu tư Việt Nam - Mỹ, với sự tham gia của hơn 20 tập đoàn tài chính, quỹ đầu tư và doanh nghiệp lớn của đôi bên.

"Đây là thời điểm chín muồi để doanh nghiệp Mỹ với những thương hiệu, kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào tham gia mạnh mẽ hơn vào tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, nhất là tài chính ngân hàng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước", ông Phúc nói trước giới đầu tư Mỹ.

Thế nhưng, để đánh giá đầy đủ chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Hoa Kỳ, có lẽ người ta sẽ nhìn vào cái gì ông Phúc mang về sau chuyến đi và ông được tiếp đón và trao đổi với ai ở phía Mỹ.

Theo tác giả Bùi Quang Vơm trên báo Vietnamweek.net thì kế hoạch chuyến đi sang Mỹ của ông Phúc được công bố từ 29-31/05, cố làm như một chuyến thăm viếng quan trọng có nội dung phong phú cần tới 3 ngày, thực chất chỉ xảy ra trong phạm vi ngày 31/05/2017.

Mỹ chỉ tiếp chuyện thủ tướng Việt Nam trong không hơn một nửa ngày, và theo tập quán ngoại giao của Mỹ, ông Phúc chỉ được chính thức là khách mời của chính phủ Mỹ trong ngày 31/05.

Cũng theo Vietnamweek.net, việc đón tiếp ông Phúc cũng không lấy gì làm rầm rộ, máy bay của ông đã phải đáp xuống một góc của sân bay quốc tế John F. Kennedy, New York vì ngày 29/05/2017 là chương trình nội bộ Việt Nam, do người Việt Nam tự tổ chức với nhau.

Người đón ông Phúc tại sân bay chỉ gồm các quan chức của chế độ làm việc tại Mỹ, trong những người này, cao cấp nhất là đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh và bà Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc Nguyễn Phương Nga.

Khi đến Washington thì phía Mỹ chỉ có Phó trợ lý Ngoại trưởng, kiêm quyền Trưởng ban Nghi lễ của Bộ Ngoại giao W. Patrick Murphy. 

Nhân quyền không được đề cập

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Hoa Kỳ đã đón tiếp mình 'chân tình' và nói những ngày vừa qua ở Hoa Kỳ 'rất có ý nghĩa' đối với Việt Nam.

"Tôi đánh giá cao các bước triển khai chính sách của chính quyền Hoa Kỳ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hơn 20 năm qua quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có bước tiến dài, từ cựu thù thành bạn và nay đã là đối tác toàn diện," ông Phúc nói bằng tiếng Việt trong cuộc gặp.

Thủ tướng Việt Nam cũng nhắc tới những cam kết về an ninh, kinh tế nhưng không thấy nhắc tới vấn đề nhân quyền mà nhấn mạnh việc hai bên hợp tác trên cơ sở tôn trọng lựa chọn chính trị riêng của mình.
Biểu tình phản đối chuyến thăm Mỹ của Thủ Tướng Phúc
Biểu tình phản đối chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyế̃n Xuân Phúc tại Washington. Source: VOA
Hôm 31/5 hàng trăm người Việt tham gia biểu tình phản đối chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam tại Washington.

“Chúng tôi biểu tình để phản đối sự có mặt của ông Nguyễn Xuân Phúc; tố cáo chính quyền Việt Nam liên tục chà đạp nhân quyền, tự do tôn giáo, đàn áp, tù đày và giết hại đồng bào vô tội,” ông Đinh Hùng Cường, Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam Washington DC, Maryland và Virginia, nói với VOA.

Tờ New York Times hôm 31/5 cho biết ông Trump không đề cập đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam khi hội đàm với ông Phúc, gồm việc Hà Nội giam giữ các blogger bất đồng chính kiến ​​và các nhà hoạt động tôn giáo, và tình trạng này khiến Quốc hội Mỹ đặt vấn đề.

Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sean Spicer, nói với phóng viên rằng Tổng thống muốn chia sẻ vấn đề này một cách riêng tư.


Các dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ gửi thư tới lãnh đạo Mỹ-Việt, bày tỏ quan ngại về tình trạng nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam.

Trong thư đề ngày 30/5, sáu dân biểu gồm Chris Smith, Ed Royce, Alan Lowenthal, Barbara Comstock, Tom Garrett, và Ileana Ros-Lehtinen kêu gọi Tổng thống Trump lên tiếng với Thủ tướng Việt Nam về những vi phạm nhân quyền của Hà Nội điển hình qua các trường hợp bắt bớ, giam cầm Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và Mục sư Nguyễn Công Chính.

Có người bình luận trên Facebook rằng "quá hời khi Việt Nam chỉ tốn 15 tỷ đôla để mua nhân quyền, trong khi Ảrập Saudi mới đây phải trả hơn 400 tỷ đôla".

Cái gai thâm hụt thương mại

Sau khi nhắc nhở về mức thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với Việt Nam mà hy vọng sẽ sớm được cân bằng, ông Trump cho biết tại cuộc họp báo chung là Việt Nam vừa có đơn đặt hàng rất lớn với Hoa Kỳ.

"Chúng tôi đánh giá cao việc đó, với nhiều tỷ USD, có nghĩa là có thêm việc làm cho Hoa Kỳ và các thiết bị tốt, rất tốt cho Việt Nam," ông Trump nói.

Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ lớn nhất với Trung Quốc ($347 tỷ đô la), Nhật Bản ($68,9 tỷ đô la), với Việt Nam, con số này là $32 tỷ đô la.

BBC loan tin công ty General Electric cho biết đã ký thỏa thuận trị giá khoảng $5.58 tỷ 04 la với Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất điện, động cơ máy bay, và dịch vụ.

General Electric nói đây là hợp đồng đơn có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử bán hàng của công ty.

Công ty này ký kết với tập đoàn năng lượng của Việt Nam, Phú Cường, cho dự án phát triển điện gió tại Sóc Trăng, và ký với tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho dự án ở mỏ Cá Voi Xanh.

CFM International - liên doanh giữa General Electric và Safran (công ty sản xuất vũ khí cho Bộ Quốc phòng Pháp) cũng đã ký hợp đồng cung cấp 215 động cơ máy bay kèm dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng cho Vietjet Air, trị giá 3,6 tỷ USD, thực hiện trong vòng 12 năm.

Ngoài hợp đồng kinh tế thì thứ mà có lẽ VN mong muốn nữa là thị trường Mỹ.

Tiến sĩ Lê Vĩnh Triển từ Đại học Kinh Tế TP Hồ Chí Minh nhận xét với BBC "có chút thú vị vì hai ông Trump và Phúc đều có vẻ thực dụng."

"Ông Trump thì chú trọng vấn đề nước Mỹ được gì về mặt kinh tế là chủ yếu, còn ông Phúc thì có vẻ cũng không đặt nặng đến các vấn đề khác ngoài tăng trưởng kinh tế."

"Làm sao để Mỹ mở cửa thị trường cho xuất khẩu Việt Nam, làm sao hấp dẫn đầu tư Mỹ vào Việt Nam, thậm chí việc khuyến khích đầu tư Việt Nam tại Mỹ cũng không dễ vì Mỹ đang muốn chính các công ty Mỹ tạo công ăn việc làm trên đất Mỹ."

"Như vậy, nếu Thủ tướng Phúc làm được ít nhiều những việc này thì đã thành công," Tiến sỹ Lê Vĩnh Triển nhận xét.

Hãng tin Reuters bình luận rằng chuyến đi phản ảnhh kết quả của các cuộc trao đổi qua điện thoại, thư từ, các mối quan hệ ngoại giao và các chuyến thăm ở cấp thấp vốn đã được khởi động từ trước khi ông Trump nhậm chức tại Washington, mà Hà Nội đã phải trả lương cho một chuyên gia vận động hành lang $30.000 đô la một tháng.

Share
Published 1 June 2017 3:04pm
Updated 12 August 2022 3:51pm
By Xuân Ngọc, Quốc Vinh

Share this with family and friends