Nhập gia tùy tục

Cảm nhận của nhà báo Lưu Dân khi đội tuyển quốc gia Saudi Arabia (đội khách) "từ chối mặc niệm" những nạn nhân trong vụ tấn công London gần đây, lúc bắt đầu trong trận vòng loại của giải vô địch túc cầu thế giới FIFA 2018 với đội Socceroos ở Adelaide hôm 8/6. Đắng, dù Socceroos thắng...

Socceroos

Tom Rogic in action against Saudi Arabia Source: Getty Images

Xin thưa trước, tôi là một tín đồ của… túc cầu giáo, không cuồng tín nhưng khá trung thành. Ít khi tôi bỏ lỡ – những dịp có thể được – các trận đấu hấp dẫn khi có “đội nhà” ra sân. Và dù thắng thua, tôi chấp nhận kết quả vui buồn trong tinh thần thể thao thuần túy.

Vậy mà, trận vòng loại của giải vô địch túc cầu thế giới FIFA 2018 giữa đội Socceroos và đội tuyển quốc gia Saudi Arabia tại Adelaide hôm Thứ Năm 08.06 vừa qua đã để lại trong lòng tôi một cảm giác khó chịu (hoàn toàn không dính dáng đến thể thao), dù đội chủ nhà đã thắng đội khách với tỷ số 3-2 (trong trận đấu ngoạn mục rất thể thao).

Thoạt đầu, tôi cứ ngỡ có một chuyện gì đó trục trặc hoặc hiểu lầm, kiểu như “lỗi tại thằng cha đánh máy” mỗi lần một tác giả bị chỉ trích về câu chữ viết sai. Nhưng trường hợp này không phải vậy. Làm sao bào chữa được khi đội khách từ chối – hay đúng hơn, coi thường – lời yêu cầu của Ban Tổ chức để dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân tử vong trong cuộc tấn công khủng bố ở London vài ngày trước đó. Trong số 8 nạn nhân trong vụ thảm sát này có 2 cô gái Úc. Một trong 2 cô gái ấy là nữ y tá Kirsty Boden, người sinh sống ở Adelaide, thành phố diễn ra trận tranh tài.

Giữa lúc khoảng gần 100,000 người trên sân (gồm cả khán giả, Ban Tổ chức lẫn đại diện của FIFA) cùng hàng triệu người trực tiếp theo dõi trận đấu trên đài truyền hình đang lắng lòng tưởng nhớ đến các nạn nhân và biểu tỏ sự đoàn kết chống lại khủng bố thì các cầu thủ Saudi Arabia nhởn nhơ vờn bóng trong các động tác làm nóng trước trận đấu, bất kể không khí mặc niệm trang nghiêm chung quanh họ.
Theo Liên đoàn Túc cầu Úc (FFA), lời giải thích chính thức được đưa ra từ đội Saudi Arabia là “nghi thức tưởng niệm là không phù hợp với văn hóa của chúng tôi”. Đây rõ ràng là một thái độ lấp liếm cho qua chuyện (có thể để che giấu một lý do thực sự khác) vì đội Saudi Arabia đã từng thực hiện nghi thức tương tự cách đây không lâu ở Barcelona khi họ tưởng niệm các cầu thủ Brazil tử nạn trong vụ rớt máy bay. Vì vậy, thái độ của đội tuyển quốc gia Hồi giáo cực đoan này ở Úc không thể nào được diễn dịch khác hơn là họ không sẵn sàng lên án hành động khủng bố. Lý do “không phù hợp với văn hóa” chỉ là lời nói láo vụng về!

Saudi Arabia là một nước có chế độ cai trị áp bức nhất thế giới, không chỉ về tôn giáo hoặc chính trị, mà còn cả về sự kỳ thị phái tính và chủng tộc. Tội “apostasy” (bỏ đạo Hồi) phải lãnh án tử hình. Cũng như người đồng tính. Phụ nữ dù đã thành niên cũng phải được sự cho phép của người đàn ông trong gia đình mới được ra đường, học hành hoặc làm việc.
Saudi Arabia causes controversy by appearing to ignore minute's silenceSaudi Arabia causes controversy by appearing to ignore minute's silence
Source: Supplied
Chỉ cách đây không lâu, khi đội tuyển Saudi Arabia đến Úc năm 2015, họ đã từ chối không bước lên chiếc xe bus do Ban tổ chức dành riêng đưa đón họ chỉ vì tài xế là một phụ nữ. Lý do? Ở Saudi Arabia, phụ nữ không được lái xe và Úc cần phải tôn trọng “niềm tin” của họ. Rốt cuộc? Chủ nhà đã phải “chìu khách” và thay đổi tài xế (thay vì bảo họ rằng “Hãy lên xe hoặc đi bộ đến sân!”)

Chuyện này đã gây xôn xao dư luận một dạo vì dân Úc tin rằng mỗi nơi có một văn hóa ứng xử khác nhau và người khách phải nhập gia tùy tục. Nếu người Úc khi sang Saudi Arabia không được uống rượu, phụ nữ ra khỏi nhà phải mang khăn choàng đầu, không được nắm tay nhau trên đường phố… thì ngược lại, người Saudi Arabia cũng phải tôn trọng những giá trị văn hóa của Úc chứ! Sự từ chối làm theo những tiêu chuẩn ứng xử xã hội ở nơi mình đến há chẳng phải là thái độ khinh thường chủ nhà sao?

Nói cho cùng, người Úc phải tự trách mình trước. Thường, trong mối quan hệ mang tính cách hơn thua, ai cũng áp dụng chiến thuật “mềm nắn, rắn buông”. Nếu đã không có những sự nhân nhượng, chìu lòng, quỳ gối, chịu nhịn… để “duy trì hòa khí” thì có lẽ Úc đã không bị lấn lướt như thế. Nếu đã có một thái độ kiên định, nguyên tắc, bình đẳng, tương kính… để “bảo vệ chủ quyền” thì có lẽ Úc đã được kính trọng hơn.

Xin lỗi, tôi đã đi xa hơn chuyện thể thao. Nhưng thể thao là một sinh hoạt chỉ có trong xã hội con người. Nó vượt qua và đứng trên ranh giới chủng tộc, tôn giáo, chính trị, giới tính… vì nó đặt căn bản trên sự tranh đua công bằng. Sự công bằng chỉ có thể thực hiện được nếu các bên tranh đua tôn trọng những giá trị văn hóa của nhau.
Tôi nhớ lại một câu chuyện có liên quan đến việc nhập gia tùy tục, dù không dính dáng gì đến thể thao hoặc đến nước Úc, để thay phần kết của bải này:

Một Giám mục Việt Nam xin xuất cảnh sang Hoa Kỳ thăm giáo dân. Khi làm thủ tục, Ngài được công an ân cần nhắc nhở:

“Khi qua đó ông đừng chụp hình có cờ vàng nhé!”

“Như vậy thì tôi không đi đâu.”

“Tại sao?”

“Thì phải nhập gia tùy tục chứ. Đến thăm người ta và nhìn thấy biểu tượng họ quý trọng mà mình lại lãng tránh thì chẳng phải mình khinh thường họ sao?”

Trận bóng đá giữa Socceroos và đội tuyển Saudi Arabia đã trôi qua hơn hai tuần rồi mà lòng tôi vẫn còn… lợn cợn, viết ra đây để “xả stress” với bạn đọc vậy.

17.06.2017 


Share
Published 19 June 2017 7:15pm
Updated 19 June 2017 7:27pm
By Lưu Dân

Share this with family and friends