Luật ANM và cú đàn áp đầu tiên đối với gã khổng lồ công nghệ Facebook

Sau khi Luật An ninh mạng có hiệu lực từ đầu năm nay, chính quyền Việt Nam đã ngay lập tức cáo buộc Facebook đang cố tình vi phạm luật khi không chịu rút các thông tin được cho là ‘phản động và chống phá nhà nước’.

Facebook

Source: AAP

Theo BBC đưa tin, tại cuộc họp báo hôm thứ Ba 8/1, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho hay đã phát hiện Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam ở ba lĩnh vực lớn, gồm: Quản lý nội dung thông tin; Quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và Trách nhiệm thuế với Việt Nam.

Luật ANM Việt Nam yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ như Google và Facebook hoạt động tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại địa phương, mở văn phòng địa phương và xóa nội dung vi phạm trong vòng 24 giờ nếu được chính quyền yêu cầu.

Như vậy, chỉ sau khi Luật ANM có hiệu lực được một tuần, Facebook là công ty công nghệ thế giới đầu tiên đã thấy rõ tác động của luật này trong việc kinh doanh của họ. Phía truyền thông trong nước, cụ thể là đài truyền hình VTV tố cáo Facebook liên tục trì hoãn không chịu rút các thông tin mà phía Việt Nam cho là ‘phản động’ và ‘chống phá nhà nước’.

Facebook cố tình trì hoãn việc tháo gỡ nội dung

Những luận điểm mà phía Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đưa ra cho rằng Facebook đang vi phạm Luật ANM bao gồm:

  1. Facebook không đóng các tài khoản cá nhân, Fanpage, nhóm, có bài đăng với nội dung vu khống, chống phá chính quyền, bôi nhọ, phỉ báng các cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước.
  2. Cho phép các tài khoản hoạt động quảng cáo, rao bán sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp.
  3. Không hợp tác với cơ quan an ninh Việt Nam yêu cầu cung cấp thông tin về các tài khoản mà Việt Nam cho là “lừa đảo, vi phạm pháp luật”.
Một trong các ví dụ minh họa được truyền thông Việt Nam cho rằng Facebook ‘quảng cáo chính trị’ là thông tin vụ Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho xe biển xanh đón vợ tại chân máy bay.

Hay những nội dung về tổ chức thể thao VFF, các nội dung từ những tài khoản được Bộ Công an liệt kê vào nhóm danh sách đen như Việt Tân, Con đường Việt Nam…

Facebook cũng bị cáo buộc không cung cấp thông tin một số tài khoản được cho là ‘lừa đảo, ‘vi phạm pháp luật’ để phục vụ điều tra của cơ quan an ninh, cho phép người sử dụng mua quảng cáo để phát tán các thông tin sai sự thực, bôi nhọ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Ngoài ra Facebook còn bị cáo buộc là không đóng thuế cho chính phủ Việt Nam dù thu được 235 triệu đô la tiền quảng cáo trong năm 2018.

Facebook có vi phạm Luật An ninh mạng?

Đến ngày 9/1, Facebook đã lên tiếng phản bác lại tố cáo của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử. Công ty này cho biết họ đã hạn chế nội dung bất hợp pháp và đang thảo luận với chính phủ.

Facebook cho biết họ có một quy trình rõ ràng để các chính phủ báo cáo nội dung bất hợp pháp cho họ và Facebook sẽ xem xét lại tất cả các yêu cầu đó có trái với các điều khoản của mình và có vi phạm luật pháp địa phương hay không.

Lý do khiến Facebook ‘cố tình trì hoãn việc tháo gỡ các nội dung này’ là do công ty này cho rằng chúng không vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng do Facebook đặt ra, theo truyền thông trong nước dẫn lời.

Phía BBC đã liên hệ với Facebook để hỏi về phản ứng của công ty này trước các cáo buộc nói trên nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Tuy nhiên trước đó, Giám đốc phụ trách Hoạt động (COO) của Facebook Sheryl Sandberg đã có một số phát biểu đáng chú ý tại buổi điều trần ngày 5/9 trước Thượng viện Hoa Kỳ về vấn đề liên quan.

"Chúng tôi không có máy chủ ở Việt Nam và trừ những trường hợp ngoại lệ với các mối đe dọa nghiêm trọng, chúng tôi không bao giờ cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, bao gồm cả thông tin về chính trị," bà Sandberg nhấn mạnh.

"Chúng tôi sẽ chỉ hoạt động ở một quốc gia mà chúng tôi giữ gìn được những giá trị của mình. Điều đó cũng sẽ áp dụng cho cả Trung Quốc."

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 10 January 2019 5:01pm
Updated 10 January 2019 5:04pm
By Hương Lan

Share this with family and friends