‘Hot-bedding’: Bạn có sẵn sàng dùng chung giường với người lạ để giảm tiền nhà?

Một nữ sinh viên quốc tế nói với SBS News rằng cô đang dùng chung giường với một người thuê nhà khác để có thể trang trải chi phí. Mọi thứ sẽ còn khó khăn hơn cho sinh viên quốc tế khi số giờ làm việc bị giới hạn trở lại từ ngày 1/7.

'Priyanka' - not her real name - is struggling with housing stress (AAP).jpg
Nhiều sinh viên đại học ở Úc đang phải dùng chung giường với người lạ, vì họ không đủ khả năng thuê phòng riêng cho mình do giá thuê nhà tiếp tục tăng cao ngất ngưởng.

Việc này được gọi là ‘hot-bedding’, khi người thuê nhà không quen biết chia nhau tiền thuê phòng, và thay phiên dùng chiếc giường trong một khung thời gian nhất định.

Trong một khảo sát của Trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS), khảo sát 7,000 sinh viên quốc tế đang thuê nhà ở Sydney và Melbourne, thấy hơn 3% trong số đó đang thuê nhà theo cách này, tức là chỉ có thể dùng chiếc giường khi người còn lại không ở nhà.

Bed share.png
Chiếc giường Priyanka chia sẻ với người khác. Nguồn: SBS News/Nhân vật cung cấp Credit: SBS News/Nhân vật cung cấp
Priyanka (không phải tên thật), sinh viên quốc tế 19 tuổi, buổi tối sẽ ngủ trên một chiếc giường trong một căn nhà thuê chung với những người khác ở ngoại ô Melbourne.

Nhưng trong ngày, người dùng chiếc giường là một người khác, một người đàn ông làm việc lái xe tải vào ban đêm.

Hai người không quen biết nhau, đều đến từ Ấn Độ, chia đôi khoản tiền thuê 550 đô la một tháng cho căn phòng.
Chắc chắn không phải là điều tôi biết trước khi đến Úc. Chi phí sinh hoạt ở đây là một cú sốc lớn mà công ty môi giới di trú không bao giờ đề cập cho tôi biết.
Giá thuê nhà đã tăng 6,3% trên toàn quốc trong năm qua. Tại Melbourne, giá thuê trung bình hàng tuần cho một căn hộ hai phòng ngủ rộng 85 mét vuông, ở khu vực trung bình, có giá 425 đô lan. Cư dân ở Sydney có thể phải trả thêm 36%, ở mức 578 đô la một tuần.

Priyanka cho biết ngoài tiền thuê nhà, cô còn chật vật để mua thức ăn và chi phí đi lại. Cộng thêm vào đó, vào một số ngày cuối tuần, cô không thể dùng chiếc giường mà cô chia sẻ với người thuê nhà còn lại.”
Khi anh ấy không lái xe, vì đó là ngôi nhà toàn con trai, nên tôi ở trong nhà kho. Có một chỗ nhỏ để kê một cái đệm và tôi ngủ trong đó.
Ban đầu, Priyanka đăng ký học ngành y tá toàn thời gian tại một trường đại học ở Melbourne và làm việc theo ca trong một warehouse. Tuy nhiên, cô nói rằng, cô đã bị cho thôi việc vào tháng Ba khi giới hạn giờ làm việc của sinh viên quốc tế được chính phủ thông báo.

Cô bỏ học một phần do căng thẳng về nhà ở.

Cô sẽ bắt đầu học chương trình mới trong vài tuần tới và đang tìm kiếm một công việc ổn định, nhưng theo giới hạn bắt đầu từ ngày 1 tháng 7, cô sẽ chỉ có thể làm việc 24 giờ một tuần.

Tác động lên sức khỏe tâm thần

Priyanka đã dùng ‘hot-bedding’ trong nhiều tháng nay, và nói rằng nó ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của cô ấy.
Lúc nào tôi cũng căng thẳng và rất lo lắng. Không có một nơi yên bình để ngả đầu và thư giãn trong khi học thật là một điều tồi tệ.
Cô không nói với gia đình mình ở Ấn Độ về việc mình đã phải vật lộn như thế nào vì họ đã hy sinh nhiều để cô có thể theo đuổi việc học ở Úc.

“Cha mẹ tôi đã thế chấp ngôi nhà của họ và vay một khoản lớn, và cắt giảm chi phí sinh hoạt để đủ khả năng cho tôi đến đây học,” cô nói.

Trong năm qua, chi phí sinh hoạt tăng cao đã vượt quá số tiền mà gia đình cô dành ra cho cô để trang trải chi phí.

Kêu gọi mở rộng thời gian làm việc cho sinh viên quốc tế

Một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi giới hạn giờ làm việc là ngành dịch vụ khách hàng, nơi sử dụng hàng ngàn sinh viên.

Giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống của Úc, Suresh Manickam, cho biết lĩnh vực này đã phải vật lộn để đối phó với chi phí điện năng, sản xuất và tiền thuê ngày càng tăng.

Ông nói, “Ngày 1 tháng 7 là quá sớm để áp dụng những giới hạn giờ làm việc này. Và lý do chính là chúng ta vẫn còn tình trạng thiếu hụt lao động. Luồng sinh viên đến Úc sẽ không thể lấp đầy sự thiếu hụt này, vì giới hạn về số giờ mà sinh viên có thể làm việc."
Và chúng tôi rất lo ngại rằng điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế ngầm, về mặt thời gian làm việc.
Tuy nhiên, Tổng trưởng Nội vụ Clare O'Neil đã khẳng định lại quan điểm của mình rằng chính phủ đã có sự cân bằng hợp lý khi tăng mức giới hạn, nói rằng những người giữ thị thực “hoặc ở đây với tư cách là sinh viên hoặc ở đây với tư cách là người đi làm”.
Họ đến đây bằng thị thực sinh viên và mục tiêu của họ là sẽ nhận được một nền giáo dục chất lượng tốt ở đất nước của chúng ta, và họ sẽ không thể làm điều đó nếu họ làm việc toàn thời gian.
Tổng trưởng Di trú Clare O'Neil
"Đó là lý do tại sao quy định này đã tồn tại từ bấy giờ,” bà nói với ABC Radio Melbourne.

Bạn có đang trải qua tình trạng khó khăn tương tự trong việc thuê nhà và trang trải chi phí sinh hoạt tại Úc, hãy cho chúng tôi biết câu chuyện của bạn. Gửi mail qua địa chỉ Vietnamese.Program@sbs.com.au. Hoặc gửi tin nhắn vào SBS Vietnamese Facebook.

Share
Published 1 July 2023 6:15pm
Updated 1 July 2023 6:37pm
By Sandra Fulloon, Khánh Linh
Source: SBS

Share this with family and friends