Hobart cấm hộp đựng thức ăn bằng nhựa vào năm 2020

Hobart sẽ là thành phố đầu tiên của Úc loại bỏ hoàn toàn hộp đựng thức ăn bằng nhựa trong vòng 3 năm tới.

Plastice containers will be phased out in Hobart by 2020

Những hộp nhựa đựng thức ăn sẽ không còn xuất hiện ở Hobart vào năm 2020 Source: Wikimedia commons

Ống hút, túi nylon và sắp tới sẽ là hộp nhựa đựng đồ ăn

Hội đồng thành phố Hobart hôm thứ Hai đã có quyết định sẽ loại bỏ hộp nhựa đựng thức ăn vào năm 2020, một kế hoạch giúp thành phố ngày càng trở nên thân thiện với môi trường hơn.

Quyết định này có sau khi nhiều nhà hàng ở Tasmania đã ngưng sử dụng ống hút nhựa, loại rác thải đang chất đầy những khu rác thải và lòng đại dương.

Quyết định cấm các hộp đựng thức ăn bằng nhựa là hành động mới nhất của Hobart trong công cuộc loại bỏ chất thải, và hộp đựng thức ăn cũng nằm trong Điều luật về cấm túi mua hàng bằng nhựa năm 2013 của Tasmania.
Biodegradable bag
Túi tự phân hủy là một thay thế cho túi nylon Source: Wikimedia commons
Điều luật này cấm các cửa hàng bán lẻ ở Tasmania không được cung cấp túi nylon loại nhẹ đựng hàng hóa cho khách hàng. Tuy nhiên lệnh cấm này không bao gồm túi có thể phân hủy, túi đựng thức ăn có khóa kéo, túi nylon dày (dùng trong các trung tâm mua sắm), và túi nhựa đựng các loại thực phẩm như bánh mì, đồ đông lạnh, đá…

Hội đồng thành phố Hobart hi vọng Hobart sẽ là thành phố tiên phong cho cả quốc gia noi theo.

Tuy nhiên vẫn chưa có giải pháp thay thế tối ưu

Tuy nhiên một số chuyên gia không hoàn toàn đồng tình.

Theo Tiến sĩ Trevor Thornton thuộc Đại học Deakin, mặc dù đây là một hành động tốt nhưng Hobart cũng nên cẩn thận vì những sản phẩm thay thế cho túi nhựa hay hộp đựng thức ăn bằng nhựa chưa chắc đã tốt hơn.

“Túi nhựa không phải lúc nào cũng có hại, chúng có thể là thứ tốt tùy thuộc cách chúng ta sử dụng.”
Tiến sĩ Thornton nói việc cấm các hộp nhựa là chuyện khả thi nếu các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ cùng hợp tác.

“Trước đây khi ly café tái sử dụng được đưa vào sử dụng tại các tiệm café, người ta nêu ra rất nhiều lý do, người sử dụng không rửa ly, không thể rót đầy... Nhưng sau rốt thì lượng nước nóng và nước rửa chén dùng để rửa ly vẫn tiết kiệm hơn việc sử dụng loại ly dùng một lần. Cho nên chúng ta cần phải tính toán nghiên cứu để xem lựa chọn nào là tốt nhất.”

Tiến sĩ Thornton tin rằng nếu hộp đựng thức ăn bằng nhựa bị cấm sẽ khiến con người gặp khó khăn

“Nếu chúng tôi đến một nhà hàng mua đồ ăn đem về, cha mẹ tôi có lẽ sẽ phải đem theo cái nồi để đựng thức ăn. Đó không phải là một ý tưởng tồi, nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới khác, chúng ta phải làm việc về trễ và mua đồ ăn trên đường về nhà.

“Nếu tôi thường xuyên mua đồ ăn tại một nhà hàng quen, tôi có thể đem hộp đựng thức ăn về nhà, dùng xong rửa sạch và đem trả. Nhưng rồi liệu có ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm hay vấn đề tương tự không?”

Tiến sĩ Thornton cho rằng giải pháp tốt nhất là dùng hộp tự tiêu hủy, sau đó bỏ vào thùng tiêu hủy vào ban đêm.

Thêm thông tin và cập nhật Like 
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 9 August 2017 4:39pm
Updated 9 August 2017 5:07pm
By Hương Lan

Share this with family and friends