Hộ chiếu vắc-xin sẽ được sử dụng như thế nào?

Các tiểu bang đang tiến dần đến mục tiêu tiêm chủng và cũng là lúc chính phủ Úc đang trong tiến trình ban hành hộ chiếu vắc-xin nhằm mục đích cho việc đi lại quốc tế và cả sử dụng trong nước.

International travel vaccination certificates will be available on MyGov this week

International travel vaccination certificates will be available on MyGov this week Source: SBS News

Khi nước Úc bắt đầu phải chấp nhận một thực tế là phải sống chung với COVID-19 thì hộ chiếu vắc-xin khi đó sẽ trở thành một công cụ chủ chốt nhằm xác định tình trạng tiêm chủng của người dân.

Chính phủ liên bang đã cho hay hộ chiếu vắc-xin sẽ dành cho những người đã được chủng ngừa đủ 2 mũi, và sẽ ra mắt trong vài tuần tới trong tình hình chính phủ đang chuẩn bị cho tái mở cửa biên giới quốc tế.

Hộ chiếu vắc-xin dành cho việc đi lại quốc tế

Hiện vẫn chưa rõ khi nào thì hộ chiếu mới bắt đầu có hiệu lực vì thời điểm mở cửa biên giới vẫn chưa được biết, và cũng chưa rõ thời điểm nào thì hộ chiếu này sẽ được triển khai cho việc sử dụng trong nước, nhằm cho phép người dân có thêm quyền tự do chẳng hạn tham dự vào các sự kiện.

Hộ chiếu vắc-xin dự kiến sẽ có ở dạng bản kỹ thuật số trên điện thoại hoặc có thể in ra giấy.

Bộ trưởng Du lịch Dan Tehan hôm thứ Tư tuần trước có nói những chi tiết về hộ chiếu vắc-xin vẫn đang được xem xét.

“Chúng tôi đang trong tiến trình lên kế hoạch, những tuần sắp tới chúng tôi sẽ hoàn thành hệ thống và sẵn sàng ra mắt người dân,” ông nói với phóng viên.

“Người dân Úc sẽ được phép đi nước ngoài và người từ nước ngoài có thể trở về Úc nhiều hơn.”

Hộ chiếu vắc-xin sẽ bao gồm thông tin cá nhân, giống như trên hộ chiếu bình thường, và kèm theo mã QR. Theo đó một người muốn ra nước ngoài sẽ truy cập vào một ứng dụng quốc tế và sử dụng mã QR để scan khi ở nước ngoài.

Hộ chiếu này sẽ có thể chứng nhận tình trạng tiêm chủng ở phạm vi quốc tế, và công nhận những loại vắc-xin được TGA phê duyệt như AstraZeneca, Pfizer hay Moderna.

Vấn đề chứng nhận tình trạng tiêm chủng khi người Úc ở một quốc gia khác

Chuyên gia về sinh trắc học và nhận dạng Tiến sỹ Ted Dunstone nói rằng việc thực hiên hộ chiếu vắc-xin sẽ đem lại nhiều thách thức phức tạp, với nhiều khó khăn khi phải chứng nhận tình trạng chủng ngừa của người dân ở nước ngoài.

“Có rất nhiều vấn đề liên quan đến kỹ thuật, chính sách và những mối quan tâm khác và tất cả cần phải được ăn khớp với nhau.”

“Không chỉ là vấn đề qua lại biên giới. Việc qua lại biên giới chỉ là một phần. Nhưng nếu tôi ở trong một quốc gia nào đó mà tôi cần đi ra tiệm cafe hay làm bất cứ điều gì, tôi cũng phải trình ra chứng nhận gì đó có giá trị.”

Tại Pháp, người dân giờ đây cần chứng nhận y tế hoặc chứng nhận vắc-xin để được vào nhà hàng, quán bar, bảo tàng hoặc các địa điểm thể thao.

Ở Mỹ, các quy định khác nhau được áp dụng cho những người đã hoặc chưa tiêm chủng. Cụ thể những người đã tiêm chủng sẽ được tự theo dõi các triệu chứng COVID-19 và làm xét nghiệm 3 – 5 ngày sau khi đến nơi. Những người chưa được chủng ngừa phải tự cách ly 7 ngày sau khi đến nơi.

Hiện tại chính phủ liên bang cũng cho biết việc đi lại quốc tế sẽ trở lại khi các tiểu bang đạt 80% dân số được chủng ngừa và khi hệ thống cách ly tại nhà được thiết lập xong.

Đối với trong nước, kế hoạch mở cửa dựa trên mức từ 70% - 80% và cũng là lúc các quy định phong toả chuẩn bị được dỡ bỏ.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 13 September 2021 5:06pm
By Hương Lan

Share this with family and friends