Cuộc chiến nước mắm, hóa chất hay thạch tín?

Người tiêu dùng ‘đáng thương’ vừa trải qua 10 ngày hoang mang, khi cụm từ ‘nước mắm nhiễm thạch tín’ đã được tìm kiếm nhiều nhất trên internet và mạng xã hội.

vietnamese, fish sauce

Hỏa mù… nước mắm Source: SBS Vietnamese / Đăng Trình

Hỏa mù… nước mắm

Ngày 10/10/2016, báo Thanh Niên đăng bài phản ánh tình trạng các thương hiệu nước mắm công nghiệp thôn tính thị trường miền Trung, cái nôi của nước mắm truyền thống.

Với thế mạnh về giá cả, độ rộng của phân phối và độ phủ của quảng cáo, các loại nước mắm công nghiệp đã khiến người tiêu dùng tin tưởng và quen vị, và dần thay thế loại nước mắm truyền thống với hương vị được cho là "mặn chát".

Điều đáng nói là, các loại nước mắm công nghiệp này có chứa đến 17 loại hóa chất, mà theo Bác sĩ Trần Văn Ký thì "tích tụ dần sẽ gây nên chứng chóng mặt, đau đầu, suy giảm trí nhớ...", trong đó chất màu tổng hợp HT155 đã bị các nước Âu Mỹ cấm dùng từ lâu.

Bài báo vừa nhắc cũng chỉ mặt gọi tên các nhãn hàng "nước chấm" đội lốt nước mắm như Chin Su, Nam Ngư... của ông trùm Masan.
Vài ngày sau, Masan đã có ngày 22/10/2016 gửi đến giới hữu trách, đề nghị thanh tra tình trạng... nhiễm kim loại nặng trong nước mắm, để "bảo vệ người tiêu dùng" khỏi những thông tin sai lệch của Thanh Niên.

Với đòn tung hỏa mù này, Masan hy vọng có thể hướng dư luận trở lại Formosa thảm họa cá chết ở miền Trung, mà quay trở lại sử dụng thứ nước màu pha hóa chất hương cá hồi của mình.

Ô hay, thế giữa "hóa chất" và "kim loại nặng", ăn cái nào hại hơn?

Cùng lúc đó, hàng loạt tờ báo lớn như Thanh Niên, Vietnamnet, Tiền Phong... dấy lên mối quan ngại về "nước mắm cao đạm nhiễm thạch tín".

Là "cao đạm" đấy nhé, chứ nước mắm công nghiệp đời nào bị nhiễm thạch tín! Nhiều anh bồi bút còn đi xa hơn bằng cách gợi ý rằng: "Nước mắm có nồng độ đạm càng cao thì khả năng tỉ lệ nhiễm thạch tín càng cao" khi đặt câu hỏi lớn về .

Giết nước mắm truyền thống thời Google

Nếu bạn thử gõ từ khóa "nước mắm nhiễm thạch tín" lên Google, thì hàng loạt những kết quả của trang 1 đều trỏ về từ khóa "nước mắm cao đạm nhiễm thạch tín".

Trùng hợp làm sao, từ khóa "cao đạm" vốn gắn liền với nước mắm truyền thống, và trong tâm tưởng của người Việt thì độ đạm càng cao, nước mắm càng ngon - đặc biệt là nước mắm nhĩ hay mắm cốt. Phải chăng có "ai đó" đang muốn lèo lái dư luận chống lại nước mắm truyền thống?

Kẻ chủ mưu đã khôn khéo vận dụng một đấu pháp truyền thống của ngành tiếp thị: Bán hàng dựa trên nỗi sợ hãi.

Một khi 90% nước mắm cao đạm, hay nước mắm truyền thống, bị nghi ngờ nhiễm thạch tín (mà ai nghi? bằng chứng đâu mà nghi?), thì người tiêu dùng không còn cách nào khác, phải chuyển qua sử dụng nước mắm của những hãng tiếng tăm hơn.

Mà người tiêu dùng Việt Nam ngộ lắm, hễ hãng nào quảng cáo nhiều trên ti-vi, báo đài, là tự khắc cho rằng hãng đó làm ăn lương thiện, xài nguyên liệu an toàn. Nhất là khi hãng đó vỗ ngực tự xưng là "dây chuyển sản xuất nhập từ Âu châu" thì càng ăn chắc.

Người tiêu dùng đáng thương

Là một người đã lăn lộn nhiều năm trong ngành quảng cáo, bạn có thể cho rằng tôi đa nghi. Nhưng những chiêu trò như SEO, ‘forum seeding’, ‘fear marketing’,... tôi biết thừa.

Vụ Donald Trump cáo buộc Hillary Clinton sử dụng chất kích thích trong buổi tranh luận lần hai là một ví dụ rõ nhất. Chỉ cần ai đó dấy lên một nghi ngờ, rồi lặp đi lặp lại đủ lâu, thì tự nhiên công luận sẽ tin vào nghi ngờ ấy, dù không ai đưa ra được bằng chứng nào cả. Không có lửa sao có khói?

Ông Trump bị tố sàm sỡ phụ nữ, ông không thèm xin lỗi mà quay qua tố bà Clinton xài doping trước khi thượng đài, dư luận quay qua cãi nhau xem bả có xài doping không, sau đó lôi thêm những vụ dây mơ rễ má như quỹ Clinton Foundtaion hay email cá nhân, mà quên bẵng vụ ông Trump vũ nhục phái yếu ban đầu.

Masan bị tố bán nước màu pha hóa chất gây hại, Masan không thèm trưng bằng chứng, mà quay sang thuê người seeding gieo rắc một nỗi sợ mơ hồ về chất thạch tín trong "nước mắm cao đạm" truyền thống.

Người tiêu dùng không biết tin ai, thôi thì xài đỡ... mắm Thái cho đến khi mọi việc ngã ngũ vậy.

Mà với tình trạng truyền thông tranh tối tranh sáng, không phân biệt giữa editorial (tin bài chính thống) với advertorial (quảng cáo trá hình bài báo) như ở Việt Nam, thì cách duy nhất hãy là... người tiêu dùng thông minh, so sánh thông tin từ nhiều nguồn khác nhau mà thôi.
Bài viết từ Facebook Trinh Le. Bài viết phản ảnh quan điểm của tác giả.


Share
Published 20 October 2016 5:36pm
Updated 28 November 2016 4:09pm
By Đăng Trình

Share this with family and friends