Biến cố 30/4/1975: Trời đổ cơn mưa lớn khóc tiễn người xa quê hương

“Nhờ Mẹ vượt biên mà các con mới có được ngày hôm nay... Khi con đi holiday qua Mỹ, ngồi trên phi cơ nhìn xuống biển con khóc vì nhớ Mẹ lênh đênh trên biển 33 ngày sống với tử thần...”, trích bài viết của Trịnh Ngọc Thu, Melbourne.

30/4 and your identity

Trịnh Ngọc Thu nhận giấy ghi nhận những đóng góp cho cộng đồng người Việt ở tiểu bang Victoria, 10 năm trước. Source: Supplied

Cứ nghe người ta vượt biển là tôi lại nôn nóng

Ngược dòng thời gian trở về quá khứ với nỗi đau của biến cố 30/04/1975 là khúc quanh đánh dấu trong lòng người dân Việt bỏ nước ra đi nói chung và cho gia đình tôi nói riêng về sự mất mát to lớn của một người cha đã vĩnh viễn ra đi trong niềm đau uất hận.

Sau khi Ba tôi mất, mỗi đêm tôi thường hay mở đài VOA để biết tin tức nước ngoài, cứ nghe người ta vượt biển là tôi lại nôn nóng, nhưng không đành xa gia đình, nhất là một người Mẹ hiền kính yêu muôn thuở.

Mẹ tôi bảo tôi vào học ngành sư phạm, và tôi đã đi dạy được 3 năm thì một hôm có người quen rủ đi. Thế là tôi ra đi vào một đêm trời đổ cơn mưa lớn như khóc tiễn người rời xa quê hương Việt Nam mến yêu, tiếng gọi ngàn đời còn âm vang trong tiềm thức.

Hai chữ "Tự Do" đã đánh đổi cả mạng sống con người bằng máu và nước mắt, bằng những mất mát về tinh thần lẫn thể xác, trong đó có tôi. Ba mươi ba ngày đêm thả trôi trên biển cả mênh mông đói khát, nguy hiểm, phải chịu biết bao cơn sóng thần dữ dội, tôi đã kiệt sức mặc cho thần chết gần kề... và tôi đã tới đảo Pulau Bidong, Malaysia.
30/4 and your identity
Trịnh Ngọc Thu vẽ vào mùa thu năm 1975 với khuôn mặt và giọt nước mắt mùa thu khóc thương cho vận mệnh của đất nước và nỗi thống khổ của riêng mình. Source: Supplied
Tôi tới Úc và định cư tại Adelaide vào mùa thu năm 1981, thành phố sương mù bao phủ cả không gian, không một bóng người trên con đường trải rộng, dọc theo hai bên đường là hai hàng cây râm mát, những căn nhà gạch sát bên nhau. Dòng đời đưa đẩy, tạo hóa chuyển lay để cho tôi không còn chọn lựa được nữa.

Thấm thoát ba mươi lăm năm trôi qua làm người viễn xứ, tôi đã từng trải qua biết bao chặng đường trầm luân đau khổ, cực nhọc nghèo nàn vất vả, với những nghiệt ngã trong cuộc sống đến nỗi tôi muốn gào thét: "Bắt thang lên hỏi ông Trời, tôi làm chi tội mà đày đoạ tôi, bao phen muốn chạy bỏ đời, nhưng mà không được hỏi Trời vì sao?".

Vì sao?

Tôi đi tìm tôi một chỗ đứng khiêm nhường trong xã hội, là một giáo chức dạy Trường Việt Ngữ cuối tuần từ năm 1991 đến nay ở Melbourne. Sống nơi đất nước đa văn hoá này các con tôi đã trưởng thành, đứa thì Bachelor, đứa thì Diploma.
30/4 and your identity
Tác giả và Phu nhân của cố Thủ Tướng Malcolm Fraser trong buổi Tưởng Niệm 100 ngày mất của ông tại Đền Thờ Quốc Tổ, Sunshine VIC, tháng 7/2015 Source: Supplied
Tuy sống nơi xứ người tạm dung tha hương tôi vẫn tự hào mình là người Việt Nam, dù các con tôi sinh ra và lớn lên tại Úc nhưng vẫn không quên nguồn cội của cha mẹ.

Tôi vẫn nhớ và cất giữ kỹ những tấm thiệp mà các con tôi thường viết: "... Nhờ Mẹ vượt biên mà các con mới có được ngày hôm nay... Khi con đi holiday qua Mỹ, ngồi trên phi cơ nhìn xuống biển con khóc vì nhớ Mẹ lênh đênh trên biển 33 ngày sống với tử thần..."

Được sinh ra vào mùa thu nên Mẹ đặt tên Thu. Mùa thu đẹp lắm có lá vàng rơi ngập lối, khiến người làm thơ như tôi cũng thích mùa thu lắm. "Tôi thích mùa thu lắm, vì trong cuộc đời tôi là những chuỗi ngày buồn..."

Qua bài viết này hy vọng có được các bạn đọc hầu tìm được những tâm hồn đồng cảm để chúng ta cùng chia sẻ cho nhau niềm thương nỗi nhớ quê hương. Đó cũng là niềm an ủi trong cuộc sống nơi xứ người.

Trịnh Ngọc Thu
(Melbourne, mùa thu năm 2016)

-

Đây là bài viết và hình ảnh gửi về đóng góp trong chuyên đề 30/4 và bản sắc của bạn. Đọc thêm .

Share
Published 23 April 2016 12:20am
Updated 23 April 2016 1:47am
Source: SBS Vietnamese

Share this with family and friends